Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó cơn bão số 16

10:12, 24/12/2017

Về tình hình phòng chống bão tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: Đồng Nai nằm giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên khả năng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 16 rất lớn.

Về tình hình phòng chống bão tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: Đồng Nai nằm giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên khả năng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 16 rất lớn. Nếu các địa phương trong tỉnh không có sự chủ động tốt để ứng phó khi bão vào sẽ trở tay không kịp và thiệt hại sẽ rất lớn.

Vậy tỉnh đã có phương án phòng chống cơn bão số 16 như thế nào để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất?

- Sáng 23-12, ngay sau khi nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã họp khẩn cấp triển khai phương án phòng chống cơn bão số 16. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng đưa ra các phương án, kịch bản phòng chống bão. 

Ngày 24-12, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã xuống từng địa phương để kiểm tra trực tiếp phương án, công tác phòng chống bão và những khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời người dân kịp thời nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất nếu bão 16 đổ bộ vào đất liền; kiểm tra vận hành các công trình thủy lợi, đặc biệt hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du.

Theo ông, những khu vực nào trong tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng cao nhất khi bão số 16 đổ bộ vào?

- Hầu hết các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đều có thể bị ảnh hưởng. Do đó, công tác phòng chống bão được UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các địa phương đều phải có phương án phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó chú trọng nhiều hơn đến những khu vực gần sông, suối, địa hình dốc có nguy cơ sạt lở đất cao; kiểm tra lại đường điện, cây xanh bên đường giao thông, khu dân cư, tỉa bớt cành lá giảm đổ gãy. Đồng thời, các địa phương rà soát lại các khu vực neo đậu tàu, thuyền, các bến đò, phà chở khách qua sông, yêu cầu các chủ phương tiện phải trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu sinh đảm bảo an toàn cho hành khách. Khi bão đổ bộ vào phải ngưng hoạt động các phương tiện đường thủy. Theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên về diễn biến của  bão và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết chủ động phòng chống. Các địa phương chủ động di dời người dân ở những vùng trũng, thấp ven sông suối, những khu vực hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Về phía người dân cần chủ động những gì để khi bão số 16 đổ bộ vào sẽ giảm bớt được thiệt hại?

- Theo tôi, người dân nên chủ động phòng chống bão bằng cách chằng chống nhà cửa cẩn thận, kiểm tra các thiết bị điện đảm bảo khi mưa bão không bị ngập nước. Cắt tỉa bớt cành lá các cây lớn trong vườn, gần nhà. Khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản sắp đến đợt thu hoạch. Có biện pháp ngăn ngừa để chuồng trại chăn nuôi, ao hồ nuôi thủy sản, vườn cây ít bị thiệt hại khi xảy ra mưa bão lớn. Người dân nên theo dõi diễn biến của cơn bão thường xuyên để có biện pháp phòng chống kịp thời. Những khu vực gần hồ chứa nước, hồ thủy lợi, vùng hạ lưu sông chú ý theo dõi biết lịch xả lũ của các hồ để có biện pháp phòng tránh. Bên cạnh đó, người dân ở những vùng xung yếu, có nguy cơ cao nên chấp hành kế hoạch của UBND các xã, phường, thị trấn di dời đến nơi an toàn.

Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều