Báo Đồng Nai điện tử
En

Chạy đua công nghệ thời cách mạng công nghiệp 4.0

07:11, 11/11/2017

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, TS.Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, Bộ KH-CN) khẳng định thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp, đặc biệt là các DN mới khởi nghiệp muốn phát triển lớn mạnh buộc phải ứng dụng KH-CN vào trong sản xuất.

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH-CN), TS.Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, Bộ KH-CN) khẳng định thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN mới khởi nghiệp muốn phát triển lớn mạnh buộc phải ứng dụng KH-CN vào trong sản xuất, kinh doanh để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được các nhà khoa học đánh giá là đầu tàu trong phát triển KH-CN vùng Đông Nam bộ. Đây cũng là một trong những vùng kinh tế động lực quan trọng hàng đầu của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng cao, bền vững ở nhiều lĩnh vực. Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển, DN mạnh dạn ứng dụng KH-CN vào trong sản xuất, kinh doanh nên hàng hóa sản xuất ra xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

* Nắm bắt nhanh công nghệ mới

 Ứng dụng KH-CN của các DN Việt Nam so với các nước trong khối ASEAN là nhanh hay chậm, thưa ông?

- Theo tôi, ứng dụng KH-CN của các DN Việt Nam so với các nước ASEAN là khá nhanh. Có một số nhà nghiên cứu nước ngoài khi tìm hiểu về thị trường ASEAN đều nhận xét các DN Việt Nam tiếp cận KH-CN hiện tương đối nhanh. Điều này đã giúp cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam giữ được mức tăng trưởng cao, ổn định trong những năm qua.

Nhiều nghiên cứu KH-CN mới trong nước được thương mại hóa đưa vào ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực đem lại kết quả cao. Đặc biệt là các DN mới khởi nghiệp tiếp cận ứng dụng KH-CN tiên tiến rất nhanh. Việc này giúp họ dễ thành công hơn, vì thế mà tỷ lệ DN thành lập mới 1-2 năm gần đây tăng cao và số lượng bị phá sản, giải thể giảm dần. Việt Nam không chỉ là quốc gia ứng dụng KH-CN nhanh mà còn là nơi đứng đầu trong ASEAN về khởi nghiệp.

 Tuy được đánh giá là nước  ứng dụng KH-CN mới vào sản xuất nhanh nhưng thực tế vẫn còn nhiều DN nhỏ có công nghệ sản xuất lạc hậu. Nguyên nhân chính tại đâu?

- Hiện nay, số DN nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam chiếm số lượng lớn và trong đó đúng là còn nhiều DN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Theo tôi, nguyên nhân chính là do họ thiếu tiềm lực về tài chính. Vì muốn ứng dụng KH-CN hiện đại buộc DN phải có vốn để đầu tư máy móc mới, đào tạo nhân lực và làm chủ được công nghệ. Trong hội nhập, đây là bài toán khó đòi hỏi các DN nhỏ, siêu nhỏ phải tìm cách để hóa giải, nếu không rất dễ bị đào thải ra khỏi sân chơi quốc tế.

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ phát triển nên các DN có thể tranh thủ tận dụng những ưu đãi trên để phát triển. Ngoài nguồn vốn vay trực tiếp từ các ngân hàng, DN có thể tìm thêm nguồn vốn từ các quỹ ưu đãi, kêu gọi góp vốn để đầu tư. Muốn làm được những điều trên, DN có phương án sản xuất tốt.

 Vậy các DN nên tiếp cận kênh nào để được hỗ trợ về KH-CH ít tốn kém và hiệu quả hơn?

- Các DN nên có sự gắn kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để được hỗ trợ ứng dụng các nghiên cứu công nghệ mới vào trong sản xuất kinh doanh mà không tốn kém quá nhiều. Bởi có không ít đề án, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học, viện muốn ứng dụng vào trong thực tế để phát triển.

 Ứng dụng KH-CN là yếu tố hàng đầu để đứng vững trong sân chơi quốc tế, nên bên cạnh những chính sách của Chính phủ, Đồng Nai nên có những chính sách riêng gì để hỗ trợ DN?

Năm 2016 được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu đưa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đi vào thực tế. Tôi thấy chưa bao giờ hoạt động khởi nghiệp lại diễn ra mạnh mẽ và lan rộng khắp cả nước như vậy. Gần 2 năm nay, Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh thành rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp. Nhờ vậy mà làn sóng khởi nghiệp đã lan rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng và số lượng DN khởi nghiệp tăng cao so với những năm trước.

- Tùy theo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương để Đồng Nai đưa ra những phương pháp riêng hỗ trợ DN ứng dụng KH-CN mới vào trong sản xuất. Việt Nam hiện có nhiều trường, viện, trung tâm nghiên cứu KH-CN trên các lĩnh vực khác nhau, như: nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin... Do đó, Đồng Nai phải xác định thế mạnh ở lĩnh vực nào, từ đó có những chính sách ưu tiên riêng để phát triển như vậy sẽ đem lại kết quả cao hơn.

Sau khi đã có chính sách cụ thể cho lĩnh vực cần phát triển, tỉnh nên liên kết với các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu để thương mại hóa các đề tài nghiên cứu thành công vào trong sản xuất, kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực để có thể tiếp nhận làm chủ các công nghệ mới. Bên cạnh đó, Đồng Nai nên có liên kết vùng để chia sẻ các nghiên cứu, ứng dụng và tạo thành các chuỗi sản phẩm vùng sẽ tăng được khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

* Để khởi nghiệp thành công

 Gần đây, trên nhiều diễn đàn nói về DN ứng dụng KH-CN hiện đại, ông hay nhấn mạnh đến việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Vậy làm gì để có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt?

- Để có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt giúp các DN mới thành lập đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và có thể trụ vững, các tỉnh, thành nên triển khai, thực hiện tốt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2020” Chính phủ đã ban hành. Tiếp đến ưu tiên triển khai các hoạt động phù hợp với thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành trong khu vực cũng như liên kết vùng để phát huy hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp trên địa bàn khu vực cho các chủ thể là cá nhân, nhóm cá nhân, DN khởi nghiệp, nhà đầu tư cho khởi nghiệp, các cán bộ thuộc khối cơ quan quản lý hoạt động khởi nghiệp. Các tỉnh, thành định kỳ khảo sát, điều tra về thực trạng khởi nghiệp tại địa phương để điều chỉnh kế hoạch phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, các tỉnh, thành chú ý làm tốt công tác truyền thông cho khởi nghiệp trong khu vực, tham gia và kết nối với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc tế để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

 Theo ông, cần có thêm những chính sách gì để các DN khởi nghiệp dễ dàng thành công hơn?

- Để DN khởi nghiệp thuận lợi và dễ dàng đứng vững và thành công thì Chính phủ nên tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các chính sách thuế, hỗ trợ và ưu đãi dành cho DN khởi nghiệp và các nhà đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển; đồng thời phải đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. Công nhận các loại hình đầu tư mạo hiểm, đơn giản thủ tục đăng ký, cung cấp tài chính hỗ trợ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp để phát triển thành DN khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nên thành lập quỹ đầu tư theo hình thức đối ứng vốn với quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào những DN khởi nghiệp có tiềm năng lớn.

 Khoảng 2 năm trở lại đây, số DN thành lập mới tăng cao nhưng số DN giải thể cũng rất nhiều. Theo ông, đây là do DN khởi nghiệp yếu hay do chính sách chưa khuyến khích DN khởi nghiệp phát triển?

- Tôi nghĩ DN khởi nghiệp thất bại là điều rất bình thường và tự nhiên, không nên đổ tại sao. Bởi mô hình kinh doanh có ý tưởng là triển khai ngay, khi triển khai thất bại thì quay về sửa và làm tiếp có thể lần 2, lần 3, lần 4 để trưởng thành hơn, như vậy sẽ có nhiều khả năng thành công. Thực tế, mỗi một lần thất bại thì DN có thêm một bài học và không lần thất bại nào giống lần thất bại nào, vì thế nếu thất bại đổ tại chính sách hay nhà đầu tư là không nên. Vì DN thành lập thất bại có thể do công nghệ, bối cảnh cạnh tranh, năng lực bản thân, dự đoán, sự nhạy bén trong kinh doanh, người tư vấn có tầm nhìn hay không... và còn có cả sự may mắn. Do đó, DN khởi nghiệp muốn thành công phải có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đứng lên sau thất bại và tỷ lệ thành công sẽ nhiều hơn nếu nhóm khởi nghiệp có đủ yếu tố về công nghệ, kinh nghiệm, vốn, khả năng liên kết kinh doanh.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều