Năm 2017, tiến sĩ nông học Oh Ju Youl, Khoa Nghiên cứu nghề làm vườn của Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam, đã có nhiều chuyến làm việc tại Đồng Nai. Đây là hoạt động thuộc dự án của Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam hỗ trợ Đồng Nai về kỹ thuật trồng và nhân giống dưa lưới.
Năm 2017, tiến sĩ nông học Oh Ju Youl, Khoa Nghiên cứu nghề làm vườn của Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam, đã có nhiều chuyến làm việc tại Đồng Nai. Đây là hoạt động thuộc dự án của Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam hỗ trợ Đồng Nai về kỹ thuật trồng và nhân giống dưa lưới.
TS.Oh Ju Youl đã trực tiếp tổ chức trồng thử nghiệm nhiều giống dưa lưới mới tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ). Mục tiêu là để chọn lọc ra những giống phù hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Đồng Nai. Trong dịp về Đồng Nai làm việc vào cuối tháng 10 năm 2017, TS.Oh Ju Youl đã có những chia sẻ về cách làm nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc và cơ hội mở rộng hợp tác về nông nghiệp giữa hai bên.
Mở rộng hợp tác
Xin tiến sĩ cho biết nội dung hợp tác giữa Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai gần 10 năm qua?
- Từ năm 2008, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam trong lĩnh vực nông nghiệp. Suốt thời gian qua, nhiều chương trình giao lưu công chức được thực hiện theo hình thức cán bộ nông nghiệp của Đồng Nai được cử qua Hàn Quốc để học tập và được đào tạo về kỹ thuật trồng trọt tiên tiến, bảo vệ thực vật theo hướng thân thiện môi trường, kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản. Ngược lại, phía Hàn Quốc cũng sang Đồng Nai tham quan, học tập các mô hình sản xuất VietGAP, thân thiện môi trường trong, ngoài tỉnh...
Nhưng để đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Đồng Nai được đào tạo tại Hàn Quốc về ứng dụng được những gì đã học, tỉnh nên quan tâm đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất theo kỹ thuật mới.
Ở Việt Nam vẫn tồn tại khoảng cách giữa các nhà khoa học với nông dân khiến nhiều đề tài khoa học chưa thực sự ra đồng. Tại Hàn Quốc vấn đề này có xảy ra không?
Theo TS.Oh Ju Youl, Hàn Quốc đi trước nên mất rất nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu kỹ thuật sản xuất mới. Việt Nam đi sau nhưng lại có lợi thế tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới rất nhanh vì có thể đưa vào ứng dụng những gì sẵn có. Nông dân cũng dễ dàng cập nhật được thông tin mới qua internet. |
- Trước đây, nhà nghiên cứu khoa học như chúng tôi phải thông qua cán bộ quản lý nông nghiệp để hướng dẫn đến nông dân. Bây giờ, đội ngũ cán bộ nông nghiệp chỉ làm công tác quản lý, nhà khoa học vừa làm công tác nghiên cứu vừa trực tiếp ra đồng chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật mới cho nông dân.
Ở Hàn Quốc, nhà khoa học thường phải đi trước. Ví dụ khi xảy ra biến đổi khí hậu, chúng tôi phải chủ động nghiên cứu ra giải pháp ứng phó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu từ nhu cầu thực tế sản xuất của nông dân nên hầu hết các đề tài khoa học sau khi nghiên cứu thành công được chuyển giao cho nông dân.
Tiến sĩ đã thăm rất nhiều mô hình sản xuất, theo tiến sĩ. những nông sản nào của Đồng Nai có lợi thế xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc?
- Hàn Quốc chỉ có 30% diện tích đất đồng bằng, còn lại là đồi núi. Diện tích đất nông nghiệp của chúng tôi rất ít. Hiện những cây trồng cận nhiệt đới, nhiệt đới trên thế giới hầu như Hàn Quốc đều trồng được trong nhà kính, nhà màng và một số ít vẫn trồng ngoài trời. Chi phí sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc, nhất là vào mùa đông, rất cao vì phải tốn nhiên liệu làm ấm cây trồng. Vào mùa đông, Hàn Quốc vẫn phải nhập khẩu rất nhiều loại nông sản, nhất là các loại nguyên liệu làm kim chi, như: bắp cải, ớt, hành... Ngoài ra, Hàn Quốc cũng nhập khẩu nhiều loại trái cây nhiệt đới. Người Hàn Quốc đặc biệt thích trái xoài.
Việt Nam có nhiều lợi thế, như: nhân công rẻ, diện tích đất nông nghiệp lớn, thời tiết thuận lợi và chi phí đầu tư thấp... nên về giá cả, nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh được tại thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc kiểm tra chất lượng nông sản nhập khẩu rất gắt gao. Ngay cả sản xuất trong nước, những sản phẩm không đạt đều loại bỏ chứ không thu hoạch và bán tất cả như nông dân Việt Nam. Tôi đã đi thăm nhiều mô hình sản xuất tại Đồng Nai, Lâm Đồng và TP.Hồ Chí Minh. Tôi thấy các bạn có tiềm năng phát triển về nông nghiệp hữu cơ và nên quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng này thì nông sản mới xuất khẩu tốt.
“Cách mạng trắng” làm nông nghiệp sạch
Sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc có từng trải qua giai đoạn lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật như ở Việt Nam? Theo ông, điều gì làm thay đổi tư duy sản xuất này?
- Trước những năm 1990, sản xuất nông nghiệp ở Hàn Quốc không quan tâm nhiều đến môi trường. Sau đó chính kỹ thuật mới đã đóng vai trò quyết định tạo nên sự thay đổi này. Kỹ thuật tốt giúp cải thiện rất nhiều về năng suất, chất lượng nông sản. Theo cách làm truyền thống, khâu giống không được coi trọng nhưng đây chính là khâu quan trọng nhất trong phát triển ngành nông nghiệp của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhiều thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ thực vật theo cách thân thiện với môi trường. Sản xuất thân thiện với môi trường khó hơn cách làm truyền thống. Hàn Quốc trải qua cả chục năm để thay đổi thói quen sản xuất. Những nông dân lớn tuổi không chấp nhận sự thay đổi nhưng người trẻ thì dễ tiếp nhận hơn.
Ông từng nói Hàn Quốc đã làm một cuộc “cách mạng trắng” trong nông nghiệp khi phát triển nhanh chóng mô hình sản xuất trong nhà kính, nhà màng. Ông có so sánh gì về sự phát triển này tại Việt Nam và Hàn Quốc?
- Cuộc “cách mạng trắng” gắn liền với làm vườn nhà kính, nhà màng để tìm đến một nông thôn xanh. Đất nước chúng tôi từ năm 1953 bắt đầu nông nghiệp nhà kính, nhà màng ở khu vực phía Nam. Đến sau năm 1980, khoảng 30 năm sau thì cuộc “cách mạng trắng” mới phủ toàn quốc. Người dân đã có thể ăn được trái cây và rau xanh vừa ngon vừa tươi quanh năm. Tuy nhiên, không phải tất cả cây trồng chúng tôi đều làm trong nhà màng. Chúng tôi chủ yếu trồng các loại rau, trái có giá trị cao để xuất khẩu đi các nước. Mùa hè chúng tôi có thể bỏ lớp màng ny-lông để trồng lúa. Tôi không có cơ sở so sánh rau quả trong nhà màng có bán được giá cao hơn rau trồng ngoài trời vì 2 mô hình này không canh tác cùng chủng loại. Ví dụ, ớt trồng trong nhà màng là ớt ngọt, ớt chuông; ớt trồng ngoài trời là ớt cay làm kim chi. Nhưng canh tác trong nhà màng có nhiều lợi thế, như: hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, giảm sâu bệnh, giảm rủi ro, con người làm chủ, hiệu quả khống chế dịch hại cao hơn...
Khi tôi về Đồng Nai trồng dưa lưới, tôi tưởng tượng như đang ở Hàn Quốc 15-20 năm về trước, từ các khâu kỹ thuật đến trang thiết bị, nhất là trong làm giống. Đây là khâu quan trọng nhất trong việc tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Hàn Quốc có những chính sách gì để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao?
- Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông dân Hàn Quốc chỉ cần có khoảng 20% vốn, 30% vốn vay từ ngân hàng với lãi suất thấp, còn lại Chính phủ Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ cho mượn 50% chi phí đầu tư và được trả chậm trong thời gian từ 10-15 năm. Ở Hàn Quốc cũng có rất nhiều người muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này nên chương trình sẽ sàng lọc, ưu tiên các trang trại, cơ sở hoạt động hiệu quả, tổ chức được đầu ra. Chính sách của Chính phủ tốt, nhưng quan trọng hơn còn ở suy nghĩ của người nông dân là có mạnh dạn đầu tư nhà màng và sản xuất sạch hay không. Như chúng tôi đã làm, nông dân Đồng Nai có thể bắt đầu với quy mô đầu tư nhỏ, tích lũy vốn để tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất này.
Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)