Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp phải đam mê và dấn thân

07:11, 25/11/2017

Gần 20 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, TS.Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh), luôn đau đáu một điều là làm gì để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực nông nghiệp thành công.

Gần 20 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, TS.Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh), luôn đau đáu một điều là làm gì để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực nông nghiệp thành công. Theo ông, DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn nên phải đam mê và dám dấn thân không ngại thất bại thì mới có nhiều khả năng thành công.

Theo TS. An, nông nghiệp là ngành có sức lan tỏa lớn nhất, có tính kết nối cao với nhiều ngành kinh tế, với 50% lực lượng lao động cả nước đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và 70% dân số ở nông thôn. Thu nhập trong nông nghiệp sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sức cầu của thị trường nội địa và tiềm năng đầu tư dài hạn. Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

* “NGẠI” KHỞI NGHIỆP TRONG NÔNG NGHIỆP

 Ông đánh giá thế nào về khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp hiện nay?

- Khoảng 2 năm trở lại đây, khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp có những bước khởi sắc hơn những năm trước. Tuy nhiên, so với tổng số DN thành lập mới trong cả nước thì số DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít và tỷ lệ thành công không cao. Bởi so với các ngành nghề khác khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp muốn thành công khó khăn hơn nhiều. Không ít DN trên lĩnh vực nông nghiệp sau một thời gian đi vào hoạt động đã không trụ được buộc phải ngừng hoạt động. Do đó, số lượng DN nông nghiệp ở Việt Nam chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển chậm. Cụ thể năm 2014, Việt Nam có 3.844 DN nông nghiệp, song đến năm 2016 giảm xuống chỉ còn 3.640 DN. Trong đó, cơ cấu các DN nông - lâm - thủy sản chủ yếu là DN nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ gần 97%.

 Các DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp yếu nhất ở khâu nào, thưa ông?

- Các DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp trước khi khởi nghiệp còn yếu ở khâu: chưa nghiên cứu thị trường và chọn ra loại sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Vì thế khi đi vào sản xuất, sản phẩm làm ra rất khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ, nhiều mô hình đã không duy trì được lâu dài. Bên cạnh đó, DN khởi nghiệp trên lĩnh vực này còn yếu về vốn, kiến thức và kém nhạy bén. Đa số mô hình phát triển kinh tế bắt đầu từ kinh nghiệm truyền thống, thiếu ý tưởng mới, sản xuất theo khả năng và chưa quan tâm đến những sản phẩm thị trường đang cần. Cũng vì yếu về vốn nên khó áp dụng máy móc, khoa học - công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

 Vậy DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp phải khắc phục bằng cách nào?

- Theo tôi, DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp trước hết phải có đam mê và biết dấn thân. Dũng cảm đối diện với thất bại để giải quyết vấn đề. Làm DN nông nghiệp có nhiều khó khăn hơn DN ở những lĩnh vực khác nên nếu không dám làm, không dám dấn thân, sợ thất bại thì không thể thành công. Nếu chưa có kinh nghiệm phải đi học, tìm thầy giỏi để học kinh nghiệm làm DN. Khi khởi nghiệp nông nghiệp, người sáng lập phải chấp nhận thực tế là doanh thu thời gian đầu sẽ thấp, sau đó mới dần dần đi lên. Trong thời gian khó khăn này, phải biết xây dựng, phát triển các mối quan hệ, đặc biệt phải xây dựng được dự án với kế hoạch phát triển khả thi và sản phẩm tốt để tìm nhà đầu tư.

* CẠNH TRANH KHỐC LIỆT HƠN

 Theo ông, chính sách của Nhà nước cho khởi nghiệp trong nông nghiệp đã đủ sức thu hút chưa?

- Chính sách của Nhà nước về hỗ trợ cho DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp khá đầy đủ, song để đưa vào thực tế áp dụng còn khó khăn nên chưa đủ sức hút với DN khởi nghiệp trên lĩnh vực này. Thêm vào đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5,4-5,6% tổng đầu tư cả nước. Đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, khả năng thu hồi vốn chậm, điều kiện vay vốn, hỗ trợ vốn khó khăn nên chỉ có gần 1% DN tại Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, DN nông nghiệp chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất so với những ngành khác khi Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu vì sản phẩm nông nghiệp từ các nước có chất lượng cao, giá cạnh tranh tràn vào thị trường nội địa.

 Theo ông, Nhà nước nên có những chính sách gì để thu hút DN khởi nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp  nhiều hơn?

TS.Nguyễn Hải An nhấn mạnh công nghệ là điểm yếu nhất của nông nghiệp Việt Nam, nhưng đây cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nhân trẻ, người trẻ trong các ngành khoa học - công nghệ có thể thực hiện các dự án khởi nghiệp ở nông nghiệp. Vốn, nhân sự là vấn đề gây nhiều khó khăn cho những người khởi nghiệp. Nếu có được một đội ngũ cùng đam mê để đưa ra các chiến lược hợp lý thì khó khăn trên từng bước được giải quyết.

- Tôi nghĩ Nhà nước nên ban hành những chính sách cụ thể và đầu tư đủ mạnh, có trọng điểm cho nông nghiệp để nhanh chóng thoát khỏi tụt hậu. Trong đó, DN là đầu tàu trong việc tổ chức lại sản xuất của nông dân. Muốn sản xuất hàng hóa phải lấy DN làm trung tâm với vùng nguyên liệu của họ, nông sản của DN phải có chỉ dẫn địa lý để có thương hiệu. Đẩy mạnh thu hút DN đầu tư, khởi nghiệp vào nông nghiệp, giúp DN ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thay cho lối canh tác truyền thống. Đồng thời, mở rộng đầu tư hạ tầng, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có chính sách bảo hiểm đầu tư trong nông nghiệp để DN an tâm đầu tư.

 Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam so với các nước trong khu vực được đánh giá là nhanh hay chậm?

- Đánh giá về tỷ lệ các công ty khởi nghiệp trên đầu người thì Việt Nam nhiều hơn các quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Năm 2016, được Chính phủ chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy Nhà nước quan tâm trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các DN và thế hệ trẻ Việt Nam. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước liên tục ban hành những chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển DN nông nghiệp để đến năm 2020 tăng số lượng DN nông nghiệp thêm 40%.

 Nông sản của Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô. Việc này có phải do DN nông nghiệp còn yếu trong ứng dụng công nghệ vào trong khâu chế biến?

- Đúng là ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong nông nghiệp khâu bảo quản, sơ chế và chế biến ở Việt Nam còn yếu. Do đó, nông sản chủ yếu xuất thô qua nước trung gian vì không có thương hiệu. DN đầu tư vào nông nghiệp hoặc khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn lo lắng rủi ro cao nên chưa mạnh dạn đầu tư nghiên cứu đưa ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Điều này dẫn đến dù nước ta có nhiều loại nông sản xuất khẩu nằm trong tốp đầu của thế giới nhưng giá lại thấp và ít được người tiêu dùng thế giới biết đến. Vì vậy khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới luôn yếu thế.

 Các DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp cho rằng vốn là vấn đề quan trọng nhất trong quá trình khởi nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao từng hỗ trợ nhiều DN khởi nghiệp và tôi thấy trong khởi nghiệp vốn là yếu tố sau cùng. Theo tôi đòi hỏi đầu tiên với DN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp là hình thành ý tưởng, kết nối thị trường rồi mới đến tổ chức sản xuất, vốn khởi đầu. Cần duy trì mô hình, dự án, kiến thức về quản lý, kinh doanh, kết nối vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Trong quá trình đó phải biết học cách vượt qua thất bại và sáng tạo thường xuyên những ý tưởng mới đáp ứng thị trường.

 Xin cảm ơn ông!

Khánh Minh (thực hiện)

Tin xem nhiều