Đã thành thói quen, lâu nay khi người dân đau ốm thường đến các nhà thuốc khai bệnh để mua thuốc uống mà không cần toa theo chỉ định của bác sĩ. Tình trạng dược sĩ thành... "bác sĩ" diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương trên cả nước.
Phó giám đốc Sở Y tế, bác sĩ Lê Quang Trung. |
Đã thành thói quen, lâu nay khi người dân đau ốm thường đến các nhà thuốc khai bệnh để mua thuốc uống mà không cần toa theo chỉ định củabác sĩ. Tình trạng dược sĩ thành... “bác sĩ” diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương trên cả nước.
Trao đổi về vấn đề trên, bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế, thừa nhận thực trạng này là có. Điều đáng lo ngại là nhiều người không chỉ khai bệnh để mua thuốc thông thường mà còn lạm dụng cả thuốc kháng sinh.
Thưa ông, người tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?
- Kháng sinh có tác dụng duy nhất đối với những trường hợp bị nhiễm khuẩn. Những trường hợp nhiễm bệnh không do vi khuẩn mà sử dụng kháng sinh sẽ gây tác hại là kháng thuốc.
Các nhóm vi khuẩn, virus có khả năng biến đổi rất nhanh và thích ứng với các loại kháng sinh nên tự tạo ra các dòng vi khuẩn mới để kháng lại kháng sinh, dẫn đến người bệnh phải dùng loại mạnh hơn. Nếu vi khuẩn vẫn kháng với loại kháng sinh mới thì phải tiếp tục thay đổi điều trị bằng kháng sinh khác. Việc tìm một loại kháng sinh mới rất khó, trong khi vi khuẩn biến đổi nhanh nên rất khó khăn trong việc điều trị đối với người bị kháng thuốc. Tất cả các kháng sinh đều có tác dụng phụ nên nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, thận, thậm chí gây phản ứng, dị ứng nặng, dẫn đến tử vong.
Do đó, việc điều trị bằng kháng sinh không thể tùy tiện, bởi mỗi loại bệnh nhiễm khuẩn sẽ có một kháng sinh điều trị tương ứng. Ví dụ như viêm phổi sẽ điều trị kháng sinh khác với những bệnh bị nhiễm trùng đường niệu. Ngoài ra, để tránh bị kháng thuốc các bác sĩ có kinh nghiệm còn biết cách phối hợp nhiều kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị, trong khi đó dược sĩ thường không nắm được nguyên tắc điều trị này. Vì vậy, khi có bệnh người dân cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để bác sĩ khám, điều trị.
Lâu nay, người bệnh cứ ra tiệm thuốc khai bệnh là được bán thuốc, trong khi quy định phải có toa của bác sĩ. Ông giải thích việc này như thế nào?
- Các quy định: thuốc bán theo toa, bác sĩ không được kiêm luôn dược sĩ và dược sĩ thành bác sĩ đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng người dân mua thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị tại các nhà thuốc vẫn phổ biến.
Người dân dễ dàng được bán thuốc mà không cần toa theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: N.LIÊN |
Nguyên nhân chính là do người dân có thói quen ngại đi khám bác sĩ khi có bệnh, vì vừa mất thời gian và tốn kém hơn khi tự đi mua thuốc về uống. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân cảm, sốt, ho thông thường là do nhiễm siêu vi nên dễ khỏi bệnh và không cần kháng sinh. Những trường hợp này khi dùng kháng sinh không những không có lợi mà còn hại thêm cho sức khỏe. Một nguyên nhân nữa là dược sĩ thừa biết những quy định về bán thuốc nhưng vẫn đáp ứng vì nhu cầu của người mua. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về xử phạt chưa nghiêm, mức phạt không tương xứng với lợi nhuận khiến tình trạng này còn diễn ra phổ biến. Mặt khác, các cấp quản lý chưa có công cụ hỗ trợ trong việc kiểm soát việc mua bán thuốc tây, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Lâu nay phần lớn người dân khi thấy bị sốt thì việc đầu tiên là tự đi mua thuốc kháng sinh từ các tiệm thuốc tây về uống. Dược sĩ lâu nay cũng có thói quen khi nghe người mua “khai bệnh” về triệu chứng sốt thì bán thuốc kháng sinh mà không cần hỏi toa của bác sĩ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp cảm, sốt thông thường không phải do nhiễm trùng mà do virus. Trong trường hợp này, sử dụng kháng sinh là không cần thiết mà chỉ cần điều trị triệu chứng, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng là sẽ khỏi bệnh. |
Tình trạng dược sĩ thành “bác sĩ” diễn ra phổ biến trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, phải chăng là do thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của ngành y tế?
- Thực tế, lâu nay lực lượng thanh tra của ngành y tế khá mỏng, chỉ vài người trong khi phải quản lý nhiều lĩnh vực, như: quản lý về thuốc, các bệnh viện, phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh công lập, tư nhân trong toàn tỉnh… Hiện nay, tất cả các quầy thuốc tư nhân đều hoạt động như một doanh nghiệp nên tất cả việc kiểm tra, thanh tra đều phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Vì thế, nếu muốn tổ chức kiểm tra, thanh tra phải lên kế hoạch cụ thể. Lực lượng chức năng chỉ được phép thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát sinh dấu hiệu bất thường hoặc có đơn phản ảnh của người dân. Do đó, công tác kiểm soát việc mua bán thuốc hiên nay còn nhiều lỗ hổng khó kiểm soát. Điều quan trọng hiện nay là người dân cần phải tự nâng cao ý thức và sự hiểu biết trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, không nên tùy tiện dùng thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Bộ Y tế vừa có chủ trương gắn camera tại các quầy thuốc để kiểm soát việc mua bán, nhất là thuốc kháng sinh cho người dân. Ở Đồng Nai có thực hiện kế hoạch này?
- Theo tôi, sử dụng camera để giám sát các quầy thuốc sẽ không có tính khả thi vì người bán thuốc vẫn có thể ngụy trang theo nhiều cách. Camera không thể đánh giá, ghi nhận đơn thuốc hay các loại thuốc được bán tại quầy. Máy không thể phát hiện ra được đơn thuốc có kháng sinh hay không.
Vì vậy, việc gắn camera chỉ làm tốn kém chi phí và công sức chứ không đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra. Tôi cho rằng Bộ Y tế cần đưa ra những giải pháp thực tế hơn như: quản lý bằng phần mềm và thực hiện báo cáo qua mạng để các nhà quản lý kịp thời nắm bắt và kiểm tra nếu thấy có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, việc đưa ra một giải pháp, chế tài cần phải có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên vấn đề này vẫn phải chờ sự chỉ đạo từ Bộ Y tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo điều 40 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 31-12-2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ. |
Ngọc Liên (thực hiện)