Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho cây điều, cây xoài bị thiệt hại do mưa trái mùa gây ra năm 2016-2017 trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho cây điều, cây xoài bị thiệt hại do mưa trái mùa gây ra năm 2016-2017 trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Quốc Việt. |
Phóng viên Báo Đồng Nai đã phỏng vấn ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Đồng Nai, về việc triển khai gói hỗ trợ trên cho nông dân.
Thưa ông, tổng diện tích điều, xoài được hỗ trợ và mức hỗ trợ được tính như thế nào?
- Toàn tỉnh có tổng diện tích điều, xoài bị thiệt hại về năng suất do thời tiết được hỗ trợ gần 41,4 ngàn hécta, trong đó diện tích cây điều được hỗ trợ trên 31 ngàn hécta, cây xoài trên 10.217 hécta. Tất cả các diện tích điều, xoài trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mưa trái mùa đều nhận được mức hỗ trợ chung là 2 triệu đồng/hécta. Như vậy, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ khoảng gần 83 tỷ đồng cho cây xoài, cây điều bị thiệt hại do mưa trái vụ.
Ông có thể cho biết về điều kiện để nông dân được nhận hỗ trợ?
- Đối tượng hỗ trợ chỉ cần là nông dân trực tiếp sản xuất trồng điều, trồng xoài trên địa bàn tỉnh có diện tích bị thiệt hại về năng suất do ảnh hưởng của thời tiết mưa trái vụ. Đầu tiên, nông dân làm đơn gửi về địa phương trình bày về diện tích cây điều, cây xoài bị thiệt hại. Sau đó, các địa phương đã tổ chức xác minh từng hộ và lập danh sách các hộ dân trực tiếp sản xuất điều, xoài bị thiệt hại.
Tỉnh cũng thành lập đoàn liên ngành đi thẩm định, kiểm tra lại. Sau đó, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn lập tờ trình lên UBND tỉnh về những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ. Danh sách, diện tích, số tiền hỗ trợ cho từng hộ nông dân sẽ được niêm yết công khai về tận văn phòng ấp, xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nhận được hỗ trợ.
Thời gian thực hiện gói hỗ trợ này ra sao, thưa ông?
- Sau khi có văn bản phê duyệt của UBND tỉnh, chương trình này sẽ được triển khai ngay về địa phương. Chương trình hỗ trợ không quy định thời gian cụ thể vì tùy vào thời gian người dân liên hệ xã, huyện nhận tiền hỗ trợ. Nhưng chương trình này được triển khai trên tinh thần khẩn trương để người dân sớm được nhận tiền hỗ trợ.
Nông dân cần cung cấp những giấy tờ gì khi đi nhận tiền hỗ trợ?
- Nhằm đảm bảo đúng đối tượng, nông dân cần đem các giấy tờ liên quan, gồm: chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc hợp đồng thuê đất. Trong trường hợp đất chưa được cấp sổ đỏ cần có xác nhận của UBND xã, trong đó ghi rõ số tờ, số thửa, mục đích sử dụng đất.
Kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn nào?
- Kinh phí hỗ trợ do các huyện, thị xã chủ động cân đối từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương. Địa phương nào có diện tích thiệt hại nhiều không đủ nguồn kinh phí, tỉnh sẽ hỗ trợ và bố trí ngay nguồn tiền để người dân được nhận hỗ trợ kịp thời.
Các địa phương chủ động tổ chức cấp tiền cho các hộ dân đảm bảo đúng trình tự thủ tục theo quy định. Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở Tài chính được giao trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các địa phương trong triển khai thực hiện; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo xử lý.
Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)