Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 1-1-2018 thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã nghỉ hưu năm 2017.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 1-1-2018 thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã nghỉ hưu năm 2017. Trước sự bất cập này, nhiều đại biểu đề nghị lùi thời gian thực hiện lương hưu theo quy định của Luật BHXH 2014 để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ.
Ông Phạm Minh Thành. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về một số nội dung liên quan đến quy định hưởng lương hưu của lao động nữ, đồng thời thay đổi mức đóng kể từ ngày
1-1-2018, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết thực chất việc điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ là quay trở lại cách tính trước đây theo Nghị định 12/CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ, chứ không phải là chính sách mới.
Thưa ông, không chỉ đại biểu Quốc hội mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với với lao động nữ. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Thời gian gần đây, dư luận xã hội và nhiều lao động nữ cho rằng cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 theo Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH năm 2014 là bất bình đẳng giới. Một số cơ quan, đơn vị đề nghị chưa áp dụng quy định này để có lộ trình thực hiện phù hợp như lao động nam. Việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi không chỉ ảnh hưởng đến lao động nữ mà có tác động chung đến tất cả người lao động.
Nếu áp dụng đúng Luật BHXH đối với lao động nữ từ ngày 1-1-2018 thì 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%; mỗi năm đóng tiếp theo được tính thêm 2% (giảm ngay 1%, thay vì được hưởng 3% như hiện nay) gây nên tâm lý hụt hẫng cho nữ giới. Luật BHXH 2014 đã sửa đổi cách tính lương hưu của cả nam và nữ theo hướng nâng thời gian tham gia BHXH của người lao động. Theo đó, lao động nam là 35 năm, lao động nữ phải có 30 năm đóng bảo hiểm (thay vì nam 30 năm, nữ 25 năm như hiện nay) thì mới được hưởng mức lương hưu tối đa 75%.
Theo tôi, việc điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động nữ là cần thiết nhằm tránh tạo nên ức chế cho một bộ phận không nhỏ người được hưởng lương hưu; đồng thời đảm bảo thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH năm 2014: Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì cả lao động nam và lao động nữ được cộng 2%. Như vậy, để đạt tỷ lệ hưởng mức lương hưu 75% thì lao động nữ đủ 55 tuổi phải đủ 30 năm đóng BHXH (hiện nay chỉ cần đủ 25 năm) mới được hưởng tối đa 75% . |
Nếu áp dụng cách tính lương hưu mới, ở Đồng Nai có bao nhiêu lao động nữ sẽ chịu thiệt thòi?
- Tính đến cuối tháng 10-2017, toàn tỉnh có 731.855 người tham gia BHXH, trong đó có khoảng 800 lao động nữ sẽ nghỉ hưu năm 2018. Một khi áp dụng cách tính điều chỉnh này thì lương hưu của đối tượng này sẽ giảm gần 10% so với lao động nữ nghỉ hưu năm 2017.
Vừa qua, tại các cuộc họp bàn về phương án xử lý chênh lệch cách tính lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ, đại diện BHXH Việt Nam đã đề xuất áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong 5 năm. Theo đó, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm.
Từ ngày 1-1-2018 mức đóng BHXH cũng tăng do được tính trên tổng thu nhập của người lao động. Khi mức đóng BHXH tăng, nhiều ý kiến lo ngại doanh nghiệp sẽ tìm cách lách luật, nợ đọng BHXH tiếp diễn ra, trong khi lao động nữ lớn tuổi dễ bị cắt hợp đồng cho thôi việc. Ông nghĩ sao về điều này?
Người lao động nêu thắc mắc về chế độ bảo hiểm xã hội tại buổi tọa đàm về thực hiện Luật bảo hiểm xã hội do Sở Tư pháp tổ chức. |
- Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nếu thực hiện theo quy định này thì tiền lương tháng làm cơ sở đóng BHXH cao hơn năm 2017. Khi đóng BHXH cao thì chắc chắn người lao động được hưởng quyền lợi cao hơn, như: chế độ ốm đau, thai sản… Về lâu dài tiền lương hưu cũng được cải thiện.
Lâu nay, có một số doanh nghiệp cũng đã lách luật bằng cách “chẻ” thu nhập của người lao động ra thành nhiều khoản: tiền lương, phụ cấp, các khoản bổ sung, trợ cấp phúc lợi… Không ít doanh nghiệp có từ 10-20 loại phụ cấp, trợ cấp dẫn đến tình trạng lương thì “nhỏ” mà phụ cấp thì “to”. Thực ra, tiền lương làm cơ sở đóng BHXH hiện chưa phản ảnh đúng và đủ mức thu nhập của người lao động, mà phần lớn chỉ bằng khoảng 60%.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan BHXH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, nhất là ngành thuế để thực hiện nhiều nhóm giải pháp nghiệp vụ. Ngành BHXH cũng đang tính đến giải pháp phối hợp liên ngành gồm: BHXH, thanh tra Nhà nước, thuế… nhằm thống nhất xác định thu nhập chung của người lao động làm cơ sở đóng BHXH. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khởi kiện những doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về BHXH, đặc biệt là Luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)