Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, chế tài xử phạt các vi phạm sẽ rất nặng, trong đó tiền phạt có thể tăng gấp 10 lần so với quy định cũ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, chế tài xử phạt các vi phạm sẽ rất nặng, trong đó tiền phạt có thể tăng gấp 10 lần so với quy định cũ.
Ông Trần Văn Quang. Ảnh: P.Liễu |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về Nghị định 90/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15-9-2017), Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) Trần Văn Quang cho biết những quy định cũ về công tác thú y thời gian qua đã bộc lộ những bất cập khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn; nghị định mới ra đời có những quy định phù hợp với xu hướng phát triển chung.
Thưa ông, Nghị định 90/2017/NĐ-CP có ý nghĩa thế nào đối với công tác quản lý thú y hiện nay?
- Việc ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định cụ thể đối với công tác xử phạt hành chính về phòng, chống dịch bệnh cho động vật; kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, sơ chế, chế biến các sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y cũng như quy định về quản lý thuốc thú y và hành nghề thú y…
Trên cơ sở đó, mức chế tài xử phạt được nâng lên rất cao, gấp 8-10 lần so trước đây. Chẳng hạn trường hợp trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trước đây chỉ phạt từ 10-20 triệu đồng, nhưng theo nghị định mới sẽ bị phạt từ 50-100 triệu đồng.
Đây là hành lang pháp lý hỗ trợ hình thức phạt bổ sung, cũng như biện pháp khắc phục hậu quả một cách mạnh mẽ. Khi 3 hình thức xử phạt bằng tiền, phạt bổ sung và biện pháp khắc phục được áp dụng đồng bộ thì người vi phạm sẽ hạn chế tái phạm.
Công tác mua bán, vận chuyển, giết mổ, kiểm dịch động vật theo quy định phải thực hiện đúng quy trình, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… song các vi phạm này vẫn phổ biến. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?
- Thực ra, khi triển khai thực hiện Pháp lệnh Thú y, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều thông tư, hướng dẫn quy trình rất cụ thể. Song ngay trong các văn bản hướng dẫn này vẫn còn những bất cập mà thực tế không xử lý được. Nghị định 90/2017/NĐ-CP sẽ điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý những hành vi vi phạm rất rõ ràng, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra và giải quyết mọi vấn đề liên quan.
Nghị định mới cho phép khi phát hiện sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận, không dấu kiểm dịch, kém chất lượng…thì được tịch thu và tiêu hủy luôn không cần kiểm nghiệm hay truy xét nguồn gốc (ảnh tư liệu) |
Trước đây, khi phát hiện người mua bán sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ, không có dấu kiểm dịch, muốn xử lý phải tạm thời giữ tang vật để kiểm nghiệm. Nếu không đạt chất lượng thì tịch thu và tiêu hủy. Nhưng nếu trong quá trình tạm giữ chờ kết quả kiểm nghiệm, cơ quan chức năng không bảo quản tốt, sản phẩm bị hư hỏng thì phải bồi thường cho chủ hàng.
Nay, nghị định mới cho phép khi phát hiện sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận, không dấu kiểm dịch, kém chất lượng… được tịch thu và tiêu hủy luôn không cần kiểm nghiệm hay truy xét nguồn gốc.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt, trong đó chính quyền địa phương, như: công an, chủ tịch UBND xã, phường cũng được giao trách nhiệm. Theo ông, chính quyền địa phương kiêm luôn lĩnh vực này liệu có hiệu quả?
- Có thể nói, lực lượng chuyên ngành không đủ người để có thể quán xuyến tất cả các địa phương nên phân cấp quản lý, kiểm tra và xử phạt, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương là hợp lý.
Lâu nay, chính quyền một số địa phương làm chưa tốt công tác quản lý hoạt động chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật bởi nhiều lý do, như: nể nang, gia đình hoặc người quen có kinh doanh nên thường né tránh. Song, trách nhiệm của chính quyền địa phương giữ vai trò quan trọng, bởi không ai nắm địa bàn rành hơn lãnh đạo các phường, xã. Vì thế, việc xử lý, xử phạt vẫn giao một phần cho chính quyền sở tại đảm trách, dù rằng chất lượng có thể chưa như mong muốn.
Thả rông chó ra đường sẽ bị xử phạt nặng (ảnh minh họa). |
Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định rất nghiêm về tình trạng chó thả rông bị bắt, sau 72 giờ nếu không có ai đến chuộc con vật sẽ bị tiêu hủy. Ông có nghĩ rằng biện pháp này quá mạnh tay không?
- Quy định mới đối với chó thả rông trên đường thì người chủ sẽ bị xử phạt khá nặng, từ 600-800 ngàn đồng. Lâu nay, việc nuôi chó rất phổ biến trong dân phần lớn để giữ nhà. Tuy nhiên, mọi người phải tuân thủ các quy định khi nuôi chó. Bởi bệnh dại trên chó là rất nguy hiểm và có thể lây và gây tử vong cho người. Chưa kể tình trạng chó thả rông phóng uế bừa bãi, góp phần gây tai nạn giao thông, cho nên người nuôi phải thực hiện các quy định về tiêm phòng dại, đưa chó ra đường phải có rọ mõm, phải có người dắt…
Từ những mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng khi chó thả rông cắn người, gây ô nhiễm môi trường, Chính phủ đã giao quyền xử lý những trường hợp chó đi thả rông trong khu dân cư cho chính quyền địa phương. Qua đó, Chủ tịch UBND xã, phường có trách nhiệm kiểm tra việc tiêm phòng, tổ chức bắt chó thả rông để hạn chế mối họa cho dân từ vật nuôi.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)