Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nhân trẻ phải tìm cách hòa mình vào cách mạng công nghiệp 4.0

07:10, 07/10/2017

Công ty TNHH một thành viên Thế Linh được thành lập từ năm 2006 với "ông chủ" lúc đó chỉ là một thanh niên 24 tuổi và số vốn vỏn vẹn 5 triệu đồng. Thời điểm đó, Thế Linh hoàn toàn là một doanh nghiệp vô danh với thị trường hầu như chưa có...

Công ty TNHH một thành viên Thế Linh được thành lập từ năm 2006 với “ông chủ” lúc đó chỉ là một thanh niên 24 tuổi và số vốn vỏn vẹn 5 triệu đồng. Thời điểm đó, Thế Linh hoàn toàn là một doanh nghiệp vô danh với thị trường hầu như chưa có. Khởi đầu bằng mô hình nhỏ sản xuất chăn, drap, gối, nệm với hơn 10 công nhân, đến nay Thế Linh đã là nhãn hàng quen thuộc với nhiều người tiêu dùng cùng mạng lưới tiêu thụ toàn quốc với trên 1 ngàn đại lý. Sau hơn 11 năm, nệm Thế Linh ngày nay được sản xuất bằng công nghệ Hàn Quốc với chất lượng cao, có thị phần “phủ sóng” ở khu vực Đông Nam bộ, các thị trường ngách ở Tây Nguyên, miền Tây, miền Bắc... với doanh thu 120 tỷ đồng và có định hướng sẽ xuất khẩu sản phẩm.

Không hẳn là một hình mẫu về một doanh nghiệp thành công lớn, song câu chuyện của doanh nhân trẻ Phạm Thế Linh được cho là truyền cảm hứng trong nhiều diễn đàn khởi nghiệp khi tự thân đi lên bằng việc bán hàng ở vỉa hè. Tương tự Thế Linh, hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tại Việt Nam cũng đang đứng trước vận hội mới trong làm ăn. Những ông chủ 8X cũng không còn cạnh tranh trong ao làng nữa khi các hiệp định thương mại tự do tạo nên những thị trường rộng lớn mang tính quốc tế. Và đặc biệt, họ là lớp doanh nhân buộc phải ý thức rất rõ những thử thách và cơ hội đang chờ mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

* Vận hội mới - tâm thế mới

 Khởi nghiệp khi còn rất trẻ, chỉ mới 24 tuổi, đến nay Thế Linh đã tạo được ít nhiều tên tuổi trong ngành chăn, drap, gối, nệm ở thị trường nội địa. Vậy quan điểm và mục đích kinh doanh của ông từ những ngày đầu đến nay có gì thay đổi và khác biệt hay không?

- Sản xuất, kinh doanh hiện tại theo tôi cũng cần thay đổi ít nhiều về mục đích và quan điểm. Về mục đích, kiếm lợi nhuận là một chuyện, nhưng một doanh nghiệp sẽ không bao giờ tồn tại bền vững nếu không phân đều lợi ích cho các bên: chủ doanh nghiệp - người tiêu dùng - người lao động - đối tác - môi trường… Một mối quan hệ chỉ có thể tồn tại tốt đẹp, lâu dài nếu mỗi bên đều nhìn thấy lợi nhuận trong đó.

Còn quan điểm kinh doanh trong thời điểm này và về sau, tôi cho rằng cần phải quen với việc thị trường và các yếu tố liên quan sẽ thay đổi rất nhanh chóng và người chủ không thể ở yên một chỗ hay dùng bộ máy cũ kỹ để vận hành và kiếm lợi. Sở thích người tiêu dùng, các luật lệ, quy định, xu hướng... liên tục mới và liên tục vận động, đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải thay đổi theo.

 Ông thấy những doanh nhân trẻ thế hệ 8X hoặc 9X có gì khác biệt so với doanh nhân lớp trước?

- Dưới góc nhìn cá nhân, điểm mạnh đầu tiên mà tôi thấy ở lớp doanh nhân trẻ sau này, như chúng tôi chẳng hạn, là khả năng tiếp cận công nghệ mới nhiều hơn. Thứ hai là thời điểm này xã hội đang ủng hộ và kêu gọi doanh nhân khởi nghiệp rất nhiều. Xã hội có cái nhìn tôn trọng, chính quyền tạo cơ hội làm ăn... Điều này khác với những doanh nhân thế hệ trước, vì họ không có được những bệ đỡ đó, phải xoay trở khó khăn hơn nhiều trong thời gian đầu lập nghiệp.

Còn điểm yếu, tôi cho rằng thế hệ doanh nhân sau này chưa có được sự chịu khó và bản lĩnh vượt khó như các đàn anh lớp trước. Họ dễ bỏ cuộc hơn và không nhiều người nung nấu những tư duy lớn. Tôi có dịp ngồi trong ban giám khảo của nhiều cuộc thi khởi nghiệp và đáng buồn là phần lớn các dự án vẫn loanh quanh, không vượt ra được một thành phố nhỏ, với những dịch vụ hoặc hàng hóa nhỏ có tương lai bất định vì các bạn không ôm ấp một mong mỏi lớn hơn.

 Doanh nhân thời điểm này phải cạnh tranh rất gắt gao không chỉ với các đối thủ trong nước, mà còn với doanh nghiệp từ nhiều nước trong cùng một thị trường, một ngành hàng. Ông có thấy tự tin không?

- Để cạnh tranh, doanh nghiệp cần tìm con đường riêng để tồn tại là điều cần thiết. Chẳng hạn, Thế Linh chọn cách bán hàng trực tiếp cho trên 1 ngàn đại lý từ Thừa Thiên - Huế trở vào, thay vì tạo các showroom hoặc đại lý cấp 1, chúng tôi kiểm soát và giải quyết trực tiếp các phát sinh từ khâu nhỏ nhất. Chúng tôi cũng tìm hiểu để biết người dân miền Tây, người dân Tây Nguyên thích những gam màu nào...

Với ngành nệm, chúng tôi phải bỏ vốn cho công nghệ sản xuất nệm từ cao su nhân tạo. Bởi cao su tự nhiên gây tốn kém quá nhiều tài nguyên trong quá trình sản xuất: đất, nước, diện tích trồng, nhân công khai thác, vận chuyển, chế biến... và lâu dần có thể gây hại cho môi trường. Xu hướng sản xuất và tiêu dùng mới lại xoáy vào các sản phẩm có cái gọi là “đạo đức môi trường” chứ không chỉ nhấn mạnh vào độ tốt hay độ bền sản phẩm. Cần phải hiểu được điều đó để có những xoay trở hợp lý trong chính doanh nghiệp của mình.

* Không dám và không thể đứng ngoài cuộc

 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra và giới doanh nghiệp toàn cầu đang “sôi sục” cùng nó. Với một doanh nghiệp như Thế Linh thì cuộc cách mạng này đã “chạm” đến chưa?

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rồi và hiển nhiên Việt Nam không nằm ngoài xu thế. Trong mọi ngành nghề kinh doanh cụ thể thì việc tận dụng công nghệ thông tin hay máy móc để thay thế con người, hạ giá thành là điều bình thường, dễ hiểu. Chúng tôi nghĩ doanh nghiệp cũng phải thay đổi, song bắt đầu tư duy. Cần ý thức rõ đây là chuyện sớm muộn và sự thay đổi là điều bắt buộc để tồn tại.

Bản thân doanh nghiệp Thế Linh cũng đã có những thay đổi liên tục trong khả năng, như: chuyển dần sang tự động hóa, thay thế nhân công bằng máy móc, tận dụng các quy trình quản lý mới để tăng năng suất... Tôi cũng đi học và tìm tòi liên tục để xem mình có thể ứng dụng và thay đổi điều gì cho hoạt động doanh nghiệp hiệu quả hơn.

 Vốn và công nghệ luôn là nhược điểm của doanh nghiệp Việt Nam. Đứng trước cuộc cách mạng về công nghệ, ông thấy cần phải làm gì?

- Tôi nghĩ vốn liếng chưa hẳn quan trọng bằng tư duy trong cuộc cách mạng này. Có những điều thay đổi và những ứng dụng không quá tốn tiền, nhưng người chủ doanh nghiệp phải dám làm, chịu làm. Chúng tôi chịu khó quan sát, thay đổi từ từ, từng khâu một vì một mục đích là hiệu quả, nhanh chóng, không tốn nhân công...

Thay đổi là điều bắt buộc để tồn tại, doanh nhân hay gì đi nữa cũng phải liên tục học vì không ai giỏi tất cả. Những thương hiệu khổng lồ của thế giới còn “chết” khi không chịu thay đổi, huống gì những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi. Vậy nên tôi tranh thủ học để mình không bị cạn kiệt ý tưởng, giữ nhiệt huyết cho mình. Tôi không dám và không cho phép mình tự mãn vì chúng tôi còn nhỏ bé lắm, đặc biệt trong bối cảnh mới, cạnh tranh đến rất nhiều và từ nhiều nước, đối thủ ai cũng giỏi cả.

 Ông nghĩ gì về vai trò và trách nhiệm của chính mình trong bối cảnh đất nước và xã hội đang đề cao, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nhân khởi nghiệp?

- Nếu nói về trách nhiệm xã hội, theo tôi, đạo đức kinh doanh sâu sắc nhất là tôi bán cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng và cam kết duy trì, cải tiến chất lượng đó, không chọn cách bớt xén nguyên liệu hay đẩy phần khó về khách hàng nhằm giữ đồng lời. Tôi nghĩ đơn giản, nếu mình tính toán không tốt, lợi nhuận giảm xuống thì mình phải chịu, không thể để người tiêu dùng hay người lao động gánh phần thiệt đó.

Còn các trách nhiệm xã hội khác, như: từ thiện xã hội, nâng đỡ lớp trẻ... thì tôi cho là không khó và vẫn tham gia đều. Nhưng quan trọng nhất không phải là chứng tỏ trách nhiệm xã hội của mình ở những việc có tính hình thức như góp từ thiện chỗ này một ít, tài trợ chỗ nọ một ít, mà là khi sản xuất và bán một sản phẩm, mình không áy náy gì với người tiêu dùng, nhân viên hay môi trường sống.

Một trách nhiệm khác là tôi sẽ luôn chia sẻ cho những bạn mới khởi nghiệp bằng chính những sai lầm, vấp ngã của mình một cách chân thành nhất.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều