Thị trường xe ô tô đang phát triển khá nhanh ở các địa phương, nhất là khu vực đô thị. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lái nên mới đây Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 12/2017-BGTVT. cho phép người chưa đủ thâm niên hành nghề được học nâng hạng lái xe trước niên hạn…
Thị trường xe ô tô đang phát triển khá nhanh ở các địa phương, nhất là khu vực đô thị. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lái cũng như quản lý chặt chẽ những quy định liên quan đến chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe nên mới đây Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 12/2017-BGTVT cho phép người chưa đủ thâm niên hành nghề được học nâng hạng lái xe trước niên hạn…
Bà Lê Thị Hoàng Thắng. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, bà Lê Thị Hoàng Thắng, Phó trưởng phòng Quản lý người lái (Sở GTVT), cho biết có những thay đổi thuận lợi hơn cho người lái xe.
Thưa bà, lái xe luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nếu người chưa đủ thâm niên mà được học nâng hạng trước hạn có ảnh hưởng gì đến tay nghề của họ không?
- Trước đây, người lái xe muốn thi nâng hạng từ hạng B (lái xe du lịch) qua hạng C (lái xe tải) hoặc từ xe tải muốn điều khiển xe khách thì được học nâng tải theo thâm niên. Nếu muốn nâng hạng từ B lên C thì người đó phải có thâm niên lái xe tối thiểu là 3 năm và điều khiển 50 ngàn km lái xe an toàn; nâng hạng 2 cấp (từ B lên D) yêu cầu tối thiểu phải có thâm niên 5 năm và 100 ngàn km lái xe an toàn. Nay Thông tư 12 của Bộ GTVT mở rộng cho người học lái xe được nâng hạng trước thâm niên hoặc đủ số km lái xe an toàn.
Tuy nhiên, điều 8 của thông tư cũng quy định, người học nâng hạng lái xe trước tuổi chỉ được bảo lưu kết quả đào tạo 1 năm. Nghĩa là trong năm đó người học phải bảo đảm đủ các điều kiện về thâm niên và số km lái xe an toàn thì mới được thi cấp chứng chỉ nghề cũng như thi sát hạch. Trường hợp chưa đáp ứng đủ thâm niên và số km lái xe an toàn thì không được dự thi sát hạch mà phải đào tạo lại từ đầu.
Thị trường ô tô đang phát triển khá nhanh, nhất là ở TP.Biên Hòa, vậy công tác đào tạo, sát hạch lái xe ở các trung tâm hiện có đáp ứng được nhu cầu?
- Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, nâng hạng lái xe của người dân trong điều kiện lượng xe ô tô phát triển khá nhanh như hiện nay, Bộ GTVT đã cho chuyển đổi các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trước đây của Nhà nước thành các đơn vị hoạt động dịch vụ, mục đích là tạo sự cạnh tranh giữa các trung tâm trong việc đầu tư trang thiết bị, giáo viên, sân tập lái, xe tập lái… để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trung tâm này được tự chủ tài chính thông qua nguồn thu học phí đào tạo, Nhà nước không quy định giá trần, giá sàn, miễn là mức học phí đó phù hợp với thực tiễn cũng như khả năng của học viên.
Về chất lượng đào tạo, Thông tư 12 cũng “siết” chất lượng giáo viên, cụ thể từ nay đến năm 2019, giáo viên ở các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe phải có trình độ tối thiểu từ trung cấp nghề chuyên nghiệp trở lên. Mỗi trung tâm phải đạt tối thiểu 50% giáo viên cơ hữu; mỗi giáo viên chỉ được tham gia giảng dạy tại một trung tâm, bảo đảm giảng dạy đủ số tiết học, bài học, tránh tình trạng giáo viên chạy “show”, cắt xén chương trình học, làm giảm chất lượng đào tạo.
An toàn giao thông phụ thuộc khá nhiều vào trình độ văn hóa và ứng xử của tài xế, trong công tác đào tạo lái xe vấn đề này được quy định thế nào?
Học viên thực hành lái xe ngoài sân tập. (ảnh do Sở GT-VT cung cấp) |
- Trước đây Bộ GTVT không quy định trình độ học vấn đối với tài xế, nhưng Thông tư 12 quy định những người học lái xe và người muốn nâng hạng xe phải có trình độ văn hóa tối thiểu là tốt nghiệp THPT. Thực tế cho thấy, người có trình độ học vấn, có kiến thức văn hóa thì ứng xử trong hoạt động nghề cũng tốt hơn những người văn hóa thấp.
Đạo đức người lái xe là rất quan trọng, bởi liên quan đến tính mạng con người. Sau hàng loạt những vụ việc tai nạn liên quan đến thái độ, ứng xử thiếu văn hóa của một số tài xế thì môn đạo đức đối với người lái xe được đưa vào chương trình đào tạo lái xe ở tất cả các hạng xe với 20 ngày học. Ngoài những bài học về đạo đức người cầm lái thì kỹ năng xử lý tình huống cũng được bổ sung và tăng thêm thời lượng trong chương trình, như: kỹ năng dừng đậu xe trên đường, mở cửa xe, ghép ngang vào nơi dừng, tiến và lùi xe chữ “chi”…
Các trung tâm đào tạo lái xe hiện nay phần lớn là của tư nhân nên dư luận cho rằng, vẫn tồn tại tình trạng “mua kết quả”, bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi cho rằng hiện nay các trung tâm dịch vụ hoạt động cạnh tranh khá gay gắt về chất lượng, do đó không thể “liều” được. Hơn nữa, Sở GTVT cũng đã tăng cường giám sát chặt chẽ nên tình trạng này rất khó xảy ra. Vào đợt sát hạch, học viên phải thi cấp chứng chỉ nghề dưới sự giám sát của cán bộ Sở, nếu không qua được kỳ thi này thì không được thi sát hạch. Do đó, mỗi thí sinh bắt buộc phải chủ động trong học tập để đạt kết quả tốt, vì nếu rớt sẽ phải đóng tiền thi lại. Đó là phần lý thuyết, còn thi thực hành do máy tự động chấm điểm hoàn toàn, con người không can thiệp được. Mới đây, Bộ GTVT còn yêu cầu các trung tâm cho học viên thực hành lái xe trên đường và chấm bằng thiết bị cảm ứng, nên giáo viên có muốn cũng không thể tác động làm thay đổi kết quả được.
Xin cảm ơn bà!
Phương Liễu (thực hiện)