Khoảng 2 năm nay, du lịch Đồng Nai đã có những bước tiến đáng kể, đây cũng là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên phát triển. Mới đây, Báo Đồng Nai đã phỏng vấn ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch để hiểu rõ hơn về phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Khoảng 2 năm nay, du lịch Đồng Nai đã có những bước tiến đáng kể, đây cũng là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên phát triển. Mới đây, Báo Đồng Nai đã phỏng vấn ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch để hiểu rõ hơn về phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Ông Lê Kim Bằng. |
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, trong năm 2016, các điểm du lịch của Đồng Nai đã đón hơn 3,1 triệu lượt khách trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Doanh thu từ du lịch năm 2016 là 1 ngàn tỷ đồng.
Đồng Nai có rất nhiều phong cảnh tự nhiên như: rừng, hồ, thác, sông rất đẹp nhưng tại sao lại chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào du lịch?
- Đồng Nai có 6 loại hình du lịch là: du lịch vui chơi giải trí; du lịch sinh thái (rừng, hồ, thác); du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch tín ngưỡng; du lịch thể thao và du lịch đường sông. Tuy nhiên do Đồng Nai nằm giữa các trung tâm du lịch lớn như: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh nên việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh xác định Đồng Nai sẽ tập trung vào phát triển du lịch sinh thái và du lịch đường sông để tận dụng các lợi thế về rừng, sông, hồ, thác. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức các đợt xúc tiến du lịch mời các DN tham gia khảo sát ở những nơi có tiềm năng phát triển du lịch. Qua các đợt khảo sát, các DN đều khẳng định Đồng Nai có phong cảnh tự nhiên đẹp nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Thế nhưng muốn thu hút đầu tư vào du lịch thì tỉnh phải làm tốt hạ tầng giao thông, điện DN mới dám mạnh dạn rót tiền vào xây dựng các khu, điểm du lịch.
Thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách ưu tiên gì để thu hút đầu vào du lịch ở Đồng Nai?
- Đồng Nai hiện chưa có cơ chế ưu đãi riêng cho đầu tư du lịch nên các DN rất ngại ngần khi thực hiện các dự án lớn về lĩnh vực này bởi vì đầu tư vào du lịch cần vốn lớn nhưng thu hồi lại rất chậm. Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có hơn 20 điểm du lịch chứ chưa có khu du lịch, theo quy định khu du lịch diện tích rộng trên 200 hécta. Nếu muốn mời gọi được những dự án lớn về du lịch thì tỉnh phải có cơ chế chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn DN. Mới đây, sở đã xây dựng những giải pháp nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển du lịch là huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng đến những nơi có tiềm năng phát triển du lịch. Đồng thời, xác định rõ đầu tư ngoài dự án là trách nhiệm của Nhà nước và trong dự án là của nhà đầu tư. Mời gọi những DN lớn có kinh nghiệm đầu tư vào du lịch sinh thái và du lịch đường sông. Hiện nhiều dự án du lịch lớn trên địa bàn tỉnh đang khởi động, tương lai sẽ rất phát triển.
Khoảng 2 năm trở lại đây, các điểm du lịch ở Đồng Nai đã chú ý đến đầu tư nâng cấp, kết quả thu hút được lượng khách tham quan tăng đột biến. Theo ông, các điểm du lịch cần làm gì để tiếp tục thu hút thêm nhiều khách đến tham quan?
- Trong 2 năm qua, khách đến Đồng Nai tham quan, vui chơi giải trí tăng cao là do tỉnh rất quan tâm đến công tác xúc tiến, giới thiệu, quảng bá về du lịch để nhiều người biết. Bên cạnh đó, các điểm du lịch cũng đã chú ý cải tạo, nâng cấp và mở thêm các dịch vụ vui chơi giải trí mới đáp ứng nhu cầu của khách. Cụ thể, điểm du lịch Vườn Xoài, Bửu Long (TP.Biên Hòa), Suối Mơ (huyện Tân Phú), Làng Tre Việt (huyện Nhơn Trạch) đã chú trọng trong đầu tư thêm những khu vui chơi mới, tạo thêm cảnh quan nên lượng khách đến vào dịp lễ, tết tăng gấp 1,5-2 lần.
Theo tôi, các điểm du lịch muốn lượng khách đến tăng cao thì nên tiếp tục có những cải tạo, sửa sang và mở thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn khác. Lượng khách đến các điểm du lịch ở Đồng Nai 2 năm trở lại đây tăng cao nhưng lại chi tiêu rất ít là do còn thiếu các dịch vụ, sản phẩm đặc sắc. Năm 2016, có 3,1 triệu lượt khách đến Đồng Nai nhưng doanh thu chỉ đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng, trong khi tỉnh Lâm Đồng thu hút hơn 5 triệu lượt khách nhưng doanh thu đạt 7 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các điểm du lịch cần chú ý đến việc quảng bá du lịch.
Các điểm du lịch hay nói thiếu sản phẩm quà lưu niệm mang nét riêng của Đồng Nai. Thực tế, tỉnh có rất nhiều đặc sản, sản phẩm có thể làm quà lưu niệm rất hấp dẫn khách. Vì sao chưa kết nối được để đưa sản phẩm vào các điểm du lịch?
- Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên vùng nên muốn phát triển đòi hỏi các sở, ngành phải cùng vào cuộc liên kết để thực hiện, đặc biệt ngành nông nghiệp và công thương. Đồng Nai không thiếu sản phẩm truyền thống làm quà lưu niệm nhưng vấn đề nằm ở chỗ kết nối các nhà sản xuất đến được với các điểm du lịch. Sắp tới đây, sở sẽ phối hợp với Sở Công thương, các địa phương đưa các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nông nghiệp đến các điểm du lịch để du khách sau khi tham quan có thể thưởng thức và mua về làm quà.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)