Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng "ngủ quên" với những thị trường lớn

10:06, 09/06/2017

Gần 3 năm làm Tham tán thương mại tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Lê Phú Cường đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông cũng đã có dịp dẫn DN Thổ Nhĩ Kỳ về Đồng Nai tìm cơ hội liên kết để đầu tư, xuất khẩu.

Gần 3 năm làm Tham tán thương mại tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Lê Phú Cường đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông cũng đã có dịp dẫn DN Thổ Nhĩ Kỳ về Đồng Nai tìm cơ hội liên kết để đầu tư, xuất khẩu.

Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), với GDP khoảng 800 tỷ USD/năm và kim ngạch nhập khẩu khoảng trên 200 tỷ USD/năm. Trong cán cân thương mại song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, hàng năm Việt Nam luôn xuất siêu với trị giá lớn sang Thổ Nhĩ Kỳ và hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 tại khu vực Tây Á, chỉ đứng sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

* Kim ngạch chưa xứng tầm     

 Thưa ông, thị trường Thổ Nhĩ Kỳ khá lớn nhưng tại sao giao thương giữa hai nước năm 2016 chỉ đạt kim ngạch gần 2 tỷ USD, thấp hơn gần 1 tỷ USD so với mục tiêu Chính phủ đề ra?

- Tại phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ về đầu tư và thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara diễn ra vào tháng 1-2014, hai nước đã đặt mục tiêu tăng thương mại 2 chiều lên 3 tỷ USD vào năm 2016. Tuy nhiên đến cuối năm 2016, kim ngạch chỉ đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 3% so với năm 2015.

Nguyên nhân chính là do những biến động chính trị, an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là các vụ tấn công khủng bố và đảo chính bất thành trong năm 2016, đã làm cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá tới trên 40% so với đồng USD cũng làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam khó khăn hơn. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu chính, có kim ngạch lớn của Việt Nam, như: xơ, sợi dệt, đá hoa cương, gỗ dán, ống thép inox. Riêng xơ, sợi dệt, tôi ước tính đã mất đi gần 200 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong 2 năm vừa qua.

Từ năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, như: vali - túi - cặp, đồ trang trí nội thất, lốp xe ô tô... Năm 2015, hiệp định thương mại tự do giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia có hiệu lực, nhiều dòng thuế nhập khẩu được cắt giảm đã làm hàng Việt Nam yếu thế hơn trong cạnh tranh.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là DN cả hai nước còn thiếu thông tin về thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại còn ít.

Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường lớn nhập khẩu 200 tỷ USD/năm, song các DN Việt chưa quan tâm đúng mức. Những năm gần đây, rất ít DN xuất khẩu của Việt Nam có hoạt động xúc tiến thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đa phần DN Việt thụ động chờ các nhà nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ sang Việt Nam tìm nguồn hàng, chứ không chủ động tìm kiếm cơ hội. Hiện nay, các nhà nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ đang có xu hướng chuyển hướng khỏi Trung Quốc và tìm kiếm những nguồn hàng cạnh tranh hơn. Nhiều DN đã quan tâm và chủ động sang Việt Nam tìm kiếm các nhà sản xuất, xuất khẩu.

Ngoài một số mặt hàng, như: điện thoại di động, xơ sợi dệt, máy tính, sản phẩm điện tử… thì những mặt hàng nào DN Việt có thể tăng xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới?

- Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường tiêu dùng lớn với dân số lên tới 78 triệu người. Mỗi năm có 25-35 triệu khách du lịch và hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi nên nhập khẩu hàng tiêu dùng rất lớn. Nhưng để thâm nhập vào thị trường này, DN phải tìm hiểu kỹ lưỡng đặc tính tiêu dùng của đất nước đa phần theo đạo Hồi để tránh những điều cấm kỵ trong giao tiếp cũng như làm ăn.

Theo tôi, các mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp sẽ có tiềm năng xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ là: sản phẩm hóa dầu, nhựa nguyên liệu, vải kỹ thuật và vải không dệt, cao su tự nhiên… Các mặt hàng nông sản làm nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm như: hạt tiêu, hạt điều... cũng sẽ còn cơ hội để tăng trưởng.

 Đồng Nai là tỉnh có sản lượng trái cây các loại khá lớn, mặt hàng này có thể xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ? Loại trái cây nào thị trường này cần nhập? Trái cây muốn đưa vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ phải vượt qua những rào cản kỹ thuật nào?

- Thổ Nhĩ Kỳ là nước có bảo hộ rất cao, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nên nông sản vào nước này đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất chống sâu bệnh. Hiện nay mới chỉ có số lượng nhỏ thanh long của Việt Nam được bán ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không phải là nhập khẩu trực tiếp mà là mua lại từ Hà Lan về bán.

Thương vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ một số DN xuất khẩu hoa quả Việt làm việc với DN nhập khẩu và họ cũng sẵn sàng hợp tác để đưa hoa quả Việt Nam vào hệ thống phân phối. Tuy nhiên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ mới chủ yếu nhập khẩu chuối, dứa, chanh dây, chanh xanh, quả bơ, dừa tươi, me chín... Các DN Việt Nam muốn thâm nhập thị trường này phải cạnh tranh hàng hóa cùng loại của các nước khác và chú trọng tiếp thị, tạo thói quen tiêu dùng của người địa phương.

* Yếu trong xúc tiến thương mại

 Theo ông, trong xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ DN Việt còn đang còn yếu ở những khâu nào, đồng thời phải khắc phục ra sao?

- Theo tôi, khâu yếu nhất là công tác xúc tiến thương mại, cả ở góc độ DN và cơ quan quản lý. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, nguồn lực và ngân sách dành cho hoạt động này còn rất ít, trong khi nhiều DN tại đây thiếu thông tin về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có hoạt động xúc tiến thương mại lớn nào tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các nước cạnh tranh xuất khẩu với chúng ta luôn có những hoạt động xúc tiến thương mại lớn hàng năm.

Cụ thể, Trung Quốc là nước xuất khẩu  lớn nhất vào Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch trên 20 tỷ USD mỗi năm. Hàng năm, họ tổ chức riêng một hội chợ hàng Trung Quốc với sự tham gia của đông đảo DN. Trong năm 2017, có hơn 800 DN xuất khẩu với 15 ngàn nhãn hàng được đem sang giới thiệu tại hội chợ. Nguồn lực các nước dành cho công tác này cũng lớn cả về nhân lực cũng như tài chính.

Cơ quan phụ trách xúc tiến thương mại của các nước ASEAN tại Istanbul, trung tâm kinh tế lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đều có số lượng cán bộ lớn hơn của nước ta và họ còn có 2-4 nhân viên địa phương làm công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN xuất khẩu. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho công tác xúc tiến thương mại của Thương vụ Việt Nam cũng hạn chế, chỉ khoảng 200 triệu đồng/năm nên không đáp ứng yêu cầu thực tế và nhu cầu hỗ trợ của DN.

 DN Đồng Nai đã xuất khẩu hàng hóa sang được trên 50 quốc gia, song chủ yếu phải qua khâu trung gian, ít xuất được trực tiếp nên giá thường thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Việc xuất khẩu trực tiếp hay qua trung gian còn tùy thuộc vào mức độ chủ động và năng lực của DN cả về kinh nghiệm, tài chính và nhiều yếu tố khác. Theo tôi, con đường xuất khẩu trực tiếp của DN Đồng Nai là phải có năng lực cạnh tranh cao hơn về chất lượng sản phẩm, tài chính, nhân lực, quản lý kênh phân phối... Nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam lựa chọn xuất khẩu qua trung gian để giảm thiểu rủi ro và an toàn về thanh toán và tài chính, hoặc năng lực chưa đủ để tiếp cận và bán hàng cho những khách hàng tiêu thụ cuối cùng tại địa bàn này.

 Ông đã đến Đồng Nai gặp gỡ DN trong tỉnh, có đánh giá và góp ý gì riêng trong việc xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tại Thổ Nhĩ Kỳ?

- Để mở rộng thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, theo tôi các DN Đồng Nai nên tham gia các hội chợ theo từng ngành hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ để trực tiếp tiếp xúc với các khách hàng và hiểu biết thêm về nhu cầu của họ. Hàng năm có hơn 500 hội chợ tại các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ theo từng ngành hàng. Những hội chợ này thu hút rất đông DN nhập khẩu, phân phối đến tham dự, tìm kiếm nguồn cung cấp mới có giá cạnh tranh. Đây vẫn là kênh xúc tiến thương mại có hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thành công của một số DN xuất khẩu Việt tại đây, tôi nghĩ các DN cũng nên tìm kiếm một đối tác địa phương để hợp tác phân phối sản phẩm hơn là bán hàng cho nhiều nhà nhập khẩu cùng lúc để tránh sự cạnh tranh không cần thiết giữa các nhà nhập khẩu, đồng thời có được sự hỗ trợ của đối tác trong việc phân phối, mở rộng kênh tiêu thụ. 

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều