Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cơ hội bằng những cách làm mới

09:03, 10/03/2017

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, là người gắn bó thương mại điện tử từ những ngày mới sơ khai tại Việt Nam. Ông đã tư vấn, giúp nhiều doanh nghiệp tăng cao doanh thu bán hàng nhờ tận dụng tốt những ưu thế từ thương mại điện tử mang lại.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

, là người gắn bó thương mại điện tử từ những ngày mới sơ khai tại Việt Nam. Ông đã tư vấn, giúp nhiều doanh nghiệp tăng cao doanh thu bán hàng nhờ tận dụng tốt những ưu thế từ thương mại điện tử mang lại.

Theo ông Dũng, hiện với hơn một nửa dân số cả nước sử dụng internet và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới thì thương mại điện tử là kênh tương đối hữu hiệu để các doanh nghiệp kinh doanh xuyên biên giới, tiết kiệm nhiều chi phí, doanh số bán hàng có thể tăng cao.

* Internet không phải “đũa thần”

 Internet đến Việt Nam trễ nhưng phát triển nhanh. Theo ông, các doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt thương mại điện tử cho sản xuất, kinh doanh?

- Hiện TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai trong 10 thành phố phát triển về thương mại điện tử nhất khu vực Đông Nam Á. Về địa lý, tuy nằm trải dài từ Bắc đến Nam, có đến 70% dân số vẫn sống bằng nông nghiệp nhưng 45% dân số sử dụng internet. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia năng động. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã quan tâm và có đầu tư bài bản cho thương mại điện tử. Bên cạnh đó, thương mại điện tử Việt Nam cũng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập các kênh bán hàng trực tuyến lớn.

Không nên nhìn thương mại điện tử như đôi đũa thần, nhưng muốn tồn tại các doanh nghiệp kinh doanh phải sử dụng. Các công ty kinh doanh truyền thống, như: Nguyễn Kim, Vinamilk... trước đây chủ yếu bán hàng qua các đại lý cửa hàng, nhưng gần đây đã chú trọng đầu tư vào thương mại điện tử và doanh thu hàng năm tăng rất cao. Tại Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử là kênh bán hàng duy nhất là: Tiki, Sendo, Lazada, Zalora... Gần đây, các doanh nghiệp cũng đã quan tâm nhiều đến thương mại điện tử nhưng chưa có đầu tư thích đáng nên kết quả chưa như mong đợi. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đi chậm hơn người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

 Như vậy, doanh nghiệp phải đầu tư vào thương mại điện tử như thế nào mới cho kết quả cao?

- Trước đây, đầu tư vào thương mại điện tử rất dễ dàng. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào thương mại điện tử phải có  nghiên cứu về thị trường để chọn nơi xuất hiện cho phù hợp. Cũng như bán hàng truyền thống, muốn bán được hàng phải có những hình thức quảng bá sản phẩm thường xuyên để khách hàng biết và lựa chọn thì thương mại điện tử cũng cần phải có chiến dịch tiếp thị trực tuyến. Muốn làm được việc này nhanh và hiệu quả, doanh nghiệp nên thuê các chuyên gia tư vấn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực ngành hàng để họ hướng dẫn cụ thể. Với những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không có đủ kinh phí để thuê các chuyên gia, có thể thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo về lĩnh vực thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam để được tư vấn miễn phí.

 Thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp nhiều doanh nghiệp trên thế giới trở nên lớn mạnh. Còn ở Việt Nam, vấn đề này có được doanh nghiệp quan tâm?

- Theo khảo sát năm 2016 của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có tới 32% doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website. Xu hướng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng các sàn thương mại điện tử quốc tế uy tín ngày càng phổ biến do hiệu quả đem lại từ các mô hình này ngày càng rõ nét và cũng là xu hướng chung của những nhà xuất nhập khẩu trên toàn cầu. 

Đơn cử, tính đến cuối năm 2016, số lượng tài khoản thành viên ở Việt Nam trên website Alibaba.com đạt 500 ngàn thành viên. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng thành viên tăng khoảng 100 ngàn thành viên/năm, cao gấp 10 lần so với giai đoạn trước 2010. Không chỉ doanh nghiệp lớn của Việt Nam chú trọng tới ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng dịch chuyển sang xu hướng này, coi đây là một công cụ quan trọng trong chiến lược phát triển mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, giao dịch trực tuyến xuyên biên giới với cá nhân thì chủ yếu vẫn là khách hàng Việt Nam mua hàng hóa trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân mua hàng trực tuyến từ Việt Nam.

* Thu thuế qua Facebook: Cần tính toán kỹ

 Hiện mạng xã hội đã trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng khá nhiều. Đây có phải là kênh quảng cáo hiệu quả nhất?

- Từ năm 2016, mạng xã hội đã vượt qua công cụ tìm kiếm để trở thành kênh quảng cáo trực tuyến được doanh nghiệp dùng nhiều nhất, tiếp đến là email, báo điện tử. Qua khảo sát, các doanh nghiệp đánh giá quảng cáo trên mạng xã hội hiệu quả cao hơn 2% so với quảng cáo trên công cụ tìm kiếm. Có thể nói, kinh doanh trên mạng xã hội đang là một xu hướng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân. Bởi mạng xã hội có lợi thế về chi phí thấp và tính tương tác với khách hàng cao. Hiện nay có khoảng 34% doanh nghiệp đã kinh doanh trên mạng xã hội.

 Gần đây, cơ quan quản lý đã đề nghị thu thuế với những người bán hàng qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram, YouTube... việc này liệu có khả quan?

- Tôi nghĩ, muốn thu thuế với những người bán hàng trên mạng xã hội cần phải có một lộ trình cụ thể để áp dụng thực hiện. Trong đó, đánh giá được doanh thu của người bán, thu thuế bao nhiêu cho phù hợp, những đối tượng nào sẽ phải đóng thuế.

Khi đã tiến hành thu thuế với những doanh nghiệp bán hàng trên mạng xã hội thì cũng nên có những biện pháp bảo vệ hoặc hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn thì mới công bằng. Có những người nghĩ kinh doanh trên mạng xã hội là kiếm tiền dễ dàng, nhưng thực tế cũng rất khó khăn. Không ít doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay hộ gia đình, cá thể không đủ khả năng thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh nên họ đã sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm có khi chỉ là những món ăn dân dã, đặc sản vùng miền... qua đó người có nhu cầu đặt mua. Nếu những trường hợp này cũng tính toán thu thuế thì cần suy tính kỹ.

 Tuy vẫn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử, nhưng so với năm 2015, Đồng Nai đã rớt hạng. Theo ông, nguyên nhân là gì?

- Năm 2016, chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai xếp thứ 9 trong cả nước, giảm so với năm 2015. Nhưng theo tôi, nhìn vào con số này để đánh giá thương mại điện tử của tỉnh không phát triển thì chưa thỏa đáng. Tôi đã có nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp Đồng Nai trên lĩnh vực này nên biết rõ họ tiếp cận với thương mại điện tử từ rất sớm. Còn chỉ số thương mại điện tử năm vừa qua giảm, tôi nghĩ có thể do Đồng Nai gần TP.Hồ Chí Minh nên nhiều doanh nghiệp mở văn phòng đại diện tại thành phố và đăng ký thương mại điện tử tại đó để giao dịch cho thuận lợi.

 Vậy, ông có nhắn nhủ gì riêng cho doanh nghiệp Đồng Nai trong việc phát triển thương mại điện tử?

- Mặc dù mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm là 2 kênh tiếp thị trực tuyến hiệu quả nhưng website là công cụ giúp doanh nghiệp bán hàng tốt nhất. Từ đó có thể thấy website vẫn là kênh trực tuyến quan trọng  nhất giúp doanh nghiệp khẳng định thương hiệu và xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.

Vì thế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Đồng Nai nên chú ý trong đầu tư xây dựng và vận hành website; đặc biệt những doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ nên nắm lấy ưu thế từ thương mại điện tử để xây dựng thương hiệu và bán hàng. Bên cạnh đó, kinh doanh trên nền tảng di động từ năm 2015 bắt đầu có sự bùng nổ mạnh mẽ, các doanh nghiệp có thể nâng cấp website tương thích với thiết bị di động.

 Xin cảm ơn ông!

An toàn thông tin trong thương mại điện tử ở Việt Nam là vấn đề được nhiều khách hàng giao dịch trực tuyến quan tâm. Để bảo mật thông tin cho người dùng, giải pháp doanh nghiệp có thể áp dụng là phát triển sản phẩm cần thiết kế luồng kinh doanh hợp lý, kiểm soát chặt chẽ truy xuất dữ liệu; kiểm tra an toàn thông tin ngay từ khi phát triển ứng dụng và sau khi đưa vào cung cấp; định kỳ rà soát, đánh giá mức độ an toàn của các hệ thống nhằm tránh lỗ hổng và rủi ro mới.

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều