(ĐN)- Sáng 8-7, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 với Hội Tự động hóa Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
Tập đoàn ShingMark được ông Chao Chung Lee (tổng giám đốc) sáng lập vào năm 26 tuổi từ một xưởng gỗ nhỏ ở Đài Loan. Cho đến nay, ShingMark đã phát triển thành một tập đoàn lớn với hàng chục ngàn công nhân và cơ sở sản xuất rộng lớn tại Đài Loan, Hong Kong, Hoa Kỳ, Việt Nam, Trung Quốc… bao gồm sản xuất gỗ và sắt thép. Shing Mark còn có chuỗi siêu thị khắp thế giới với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Không nhiều người biết, ông Chao mồ côi cha từ năm 10 tuổi và từng có một tuổi thơ khốn khó. Cho đến hiện tại, khi đã là chủ một tập đoàn hàng tỷ USD, ông Chao vẫn ở ký túc xá với công nhân, đi xe đưa rước chung, mặc đồng phục và làm việc chăm chỉ mỗi ngày.
Tại Đồng Nai, ShingMark Vina có mặt từ năm 2005 với dự án rộng 100 hécta ở Trảng Bom, hơn 9 ngàn công nhân. Shing Mark Vina cũng đang hoàn tất dự án Bệnh viện đa khoa ShingMark ở TP.Biên Hòa với tổng vốn đầu tư trên 300 triệu USD. Theo ông Chao, dự án là để “tri ân và góp chút sức lực cho ngôi nhà thứ 2 của tôi”.
* Không kiếm tiền từ bệnh viện
Vì sao ShingMark lại chọn làm dự án bệnh viện khi đây không phải là ngành kinh doanh chính của tập đoàn?
- ShingMark có mặt tại Đồng Nai đã 11 năm. Và một cách khiêm tốn, chúng tôi thấy mình khá thành công trong ngành gỗ. Năm 2014, chúng tôi bắt đầu dự án Bệnh viện ShingMark tại TP.Biên Hòa và tháng 10-2016 sẽ chính thức khai trương. Còn vì sao lại chuyển hướng qua đầu tư bệnh viện trong khi đây không phải là ngành kinh doanh “lõi” của chúng tôi? Tôi nghĩ đơn giản thôi, nhiều năm sống ở Việt Nam, bên cạnh những điều khá tuyệt về đất nước, con người, tốc độ tăng trưởng… thì tôi nghĩ mình cần thẳng thắn nhận xét là chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam nhìn chung chưa tốt, từ tay nghề bác sĩ đến chất lượng trang thiết bị. Vì vậy, tôi muốn xây dựng một bệnh viện quy mô, hiện đại, chất lượng tốt và chi phí rẻ. Với bản thân tôi, đây còn là dự án mang ý nghĩa như một sự tri ân vùng đất mà ShingMark đến đầu tư.
Ông có gặp nhiều khó khăn khi tiến hành dự án này không?
- Dịch vụ y tế không phải là ngành kinh doanh chính của ShingMark, nên khi bắt đầu dự án phải thừa nhận là tôi gặp khá nhiều thách thức, thậm chí nhiều đêm mất ngủ vì suy nghĩ. Tiền không phải là vấn đề quá lớn, song để tìm hiểu, đánh giá, kêu gọi hợp tác chung sức về mặt chuyên môn là việc không dễ dàng. Chúng tôi may mắn mời gọi được sự chung sức của Bệnh viện CCH Đài Loan, Bệnh viện Đại học y dược Đài Loan, Bệnh viện Đại học y dược TP.Hồ Chí Minh và một số y, bác sĩ giỏi từ Hoa Kỳ đến hỗ trợ. Với 300 triệu USD vốn đầu tư, tương đương hơn 6,6 ngàn tỷ đồng, tôi muốn đầu tư những trang thiết bị máy móc chữa bệnh tối tân nhất, phòng ốc sạch sẽ vệ sinh nhất có thể, tay nghề bác sĩ tốt và chi phí chữa bệnh rẻ.
ShingMark có định “lấy lại vốn” và làm cho dự án bệnh viện có lời như một dự án kinh doanh?
- Về mặt cá nhân, tôi cũng mong muốn để lại cho đời sau một chút gì đó gọi là “tích đức” theo quan niệm Á Đông. Song về mặt lợi ích thì trung thực mà nói, ShingMark không định kiếm tiền từ dự án này. Cho đến hiện tại, 300 triệu USD đầu tư cho dự án hoàn toàn là tiền của ShingMark và chúng tôi chưa phải đi vay đồng nào. Do đó, áp lực “lấy lại vốn” gần như không có. Với mục tiêu dịch vụ y tế tốt, giá rẻ và ưu tiên bệnh nhân nghèo, tôi khẳng định Bệnh viện đa khoa ShingMark không hoạt động vì lợi nhuận. Chi phí từ bệnh nhân nếu có thể bù đắp được chi phí vận hành bệnh viện (không phải chi phí đầu tư) thì tốt, vì nếu đạt được điều đó thì kể cả khi tôi qua đời, dự án vẫn hoạt động tốt và vẫn đóng góp lợi ích cho xã hội mà không cần lệ thuộc quá nhiều vào tập đoàn.
* Tôi vẫn chăm chỉ và tiết kiệm
Theo ông, vì sao Đồng Nai cạnh tranh được với các tỉnh, thành khác trong thu hút đầu tư? Cần cải thiện những gì?
- Chúng tôi may mắn khi đem ShingMark sang đầu tư tại Đồng Nai. Suốt 11 năm qua, dự án hoạt động rất thuận lợi, được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Chúng tôi tuyển được những công nhân lành nghề và siêng năng. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Shing Mark Vina khoảng trên 250 triệu USD/năm và chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng thêm ngành sắt thép.
Về thu hút đầu tư, Đồng Nai đã làm rất tốt. Tuy nhiên, tôi chỉ có một góp ý nhỏ là hạ tầng giao thông cần được cải thiện nhanh để đón những luồng đầu tư mới khi các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết chính thức có hiệu lực.
Các ngành chủ lực như gỗ, da giày hay dệt may có thể cạnh tranh tốt trong môi trường hội nhập không?
- Việt Nam thời điểm này, trong cảm nhận của tôi cũng đang đà phát triển mạnh mẽ như Đài Loan những năm 1960, Trung Quốc 1990 nên cơ hội mở ra rất nhiều cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi tự tin đầu tư vào Việt Nam hiện tại.
Tôi vẫn tiết kiệm khi đã kiếm ra nhiều tiền. Cái gì cần thì mua, không phung phí. Tôi không dùng xe xịn, tôi cũng không có đồng hồ đắt tiền, mặc chiếc áo sơ mi đồng phục 3 năm là điều bình thường, không ăn uống cao cấp, không hút thuốc, đánh bài hay uống rượu. Con cái tôi cũng theo nếp đó, làm việc đều có lương và chỉ được xài đúng đồng lương đó, quá thì tạm ứng và tháng tới trừ vào. Ở Việt Nam, tôi ở ký túc xá cùng công nhân và vẫn đi xe đưa rước tập thể. Tôi yêu công việc và tự thấy mình là người hạnh phúc. |
Tôi không đủ thông tin để nói sâu về các ngành nghề khác. Tuy nhiên, trong ngành gỗ thì chúng tôi khá tự tin, Shing Mark vẫn đang đầu tư để tăng quy mô. Ngày trước, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu xuất đi Hoa Kỳ, song khi thị trường này có khó khăn, chúng tôi tiếp tục mở rộng các thị trường khác, kể cả thị trường Trung Quốc. Nói chung cơ hội vẫn rất nhiều, chỉ là chúng ta phải siêng năng tìm hiểu và nắm bắt chúng.
Quan niệm của ông về tiền bạc khi còn nghèo khó và khi bản thân đã là một tỷ phú đô la có thay đổi nhiều không? Ông dùng tiền vào việc gì?
- Tôi quen với sự tiết kiệm, một phần do có xuất thân nghèo khó vì cha tôi mất năm tôi mới 10 tuổi. Về cơ bản thì khi tôi nghèo hay khi tôi có trong tay rất nhiều tiền, tôi thấy mình vẫn không khác gì mấy. Tiền thì tôi cần đủ dùng thôi vì tôi không có nhu cầu tiêu xài xa xỉ. Với con cái, tôi cũng không để lại nhiều tiền để tiêu xài, chúng phải tự làm ra đồng lương, tự tiêu dùng một cách tiết kiệm và cân nhắc. Thật ra, số tiền của một người làm ra khi đã vượt quá nhu cầu tiêu dùng cá nhân thì nên được “trả” lại cho xã hội bằng những cách làm khác: xây trường học, bệnh viện, làm từ thiện... Vì với bản thân mỗi người, quá nhiều tiền cũng nguy hiểm không kém gì sự nghèo đói.
Mồ côi cha từ năm 10 tuổi, khởi nghiệp từ rất sớm, ông có điều gì chia sẻ với những người trẻ Việt Nam - những người đang rất hào hứng trong phong trào khởi nghiệp?
- Có 2 điều quan trọng: thứ nhất là siêng năng. Thứ 2 là sử dụng đồng tiền một cách tiết kiệm, dù bạn có nhiều tiền hay ít tiền. Khi quyết định đầu tư một ngành nghề nào đó, luôn phải tính đến bước xấu nhất là nếu sự đầu tư đó thất bại thì sao? Liệu bạn sẽ lỗ bao nhiêu và bạn có đủ tiền bạc để chấp nhận khoản lỗ đó hay không? Đừng vẽ ra trong đầu một giấc mơ quá đẹp mà không tính đến sự thất bại.
Tôi mở xưởng gỗ đầu tiên năm tôi 26 tuổi, làm việc không mệt mỏi khi bắt đầu sự nghiệp, luôn ăn trưa lúc 2 giờ chiều và ăn tối lúc 10 giờ đêm. Cuộc sống của tôi chủ yếu là làm việc, làm việc không mệt mỏi. Bạn không thể yêu cầu nhân viên siêng năng khi bạn là một ông chủ lười biếng. Và khi ông chủ chăm chỉ, nhân viên sẽ không dám lười. Con người là tài sản to lớn nhất của doanh nghiệp, do đó cần trân trọng họ. Đối xử với con người cần dùng cái tâm, dùng tình cảm để chia sẻ, nhưng với tiến độ công việc thì dứt khoát phải rõ ràng, nguyên tắc và thưởng - phạt phân minh.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)