Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường hợp nào cảnh sát giao thông được trưng dụng tài sản của dân?

09:02, 18/02/2016

Thông tư 01/2016/TT/BCA của Bộ Công an quy định cảnh sát giao thông (CSGT) khi thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông được trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc... của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Giải đáp thắc mắc của bạn đọc liên quan đến nội dung trên, Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết:

Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh.
Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh.

Thông tư 01/2016/TT/BCA của Bộ Công an quy định cảnh sát giao thông (CSGT) khi thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông được trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc... của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Giải đáp thắc mắc của bạn đọc liên quan đến nội dung trên, Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết:

- Bộ Công an vừa có văn bản gửi công an các địa phương hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 01/2016/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 15-2-2016). Trong đó nêu rõ: CSGT chỉ được trưng dụng tài sản của người dân trong trường hợp cấp bách, như: truy bắt tội phạm, cấp cứu người bị TNGT, giải cứu người đang bị mắc kẹt... vì mục đích phục vụ nhân dân.

* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng việc trưng dụng tài sản theo Thông tư 01 là trái luật. Vấn đề này phải hiểu như thế nào mới đúng?

- Việc trưng dụng tài sản của tổ chức, cơ quan, cá nhân được quy định tại Thông tư 01 không trái với các quy định của pháp luật, mà chỉ nhắc lại quyền hạn của Công an nhân dân được quy định trong Luật Công an nhân dân và các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể, Khoản 15, điều 15 Luật Công an nhân dân quy định Công an nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác… trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ công an thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo pháp luật”. Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ còn quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông phải dừng phương tiện, giữ hiện trường, chở người bị nạn đi cấp cứu... Như vậy, việc trưng dụng tài sản như Thông tư 01 quy định là phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành.

* Cụ thể, CSGT được trưng dụng tài sản của nhân dân trong trường hợp nào, thưa ông?

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông mà xảy ra tình huống cấp bách như trên đã nêu thì lực lượng CSGT có thể thực hiện quyền hạn huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và sử dụng người điều khiển phương tiện đó. Ví dụ, khi có tai nạn giao thông hoặc các vụ cháy nổ xảy ra, CSGT có thể yêu cầu người điều khiển phương tiện liên lạc với các cơ quan chức năng, dùng phương tiện đang sử dụng chở người bị nạn đi cấp cứu, giải tỏa ùn tắc giao thông, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy... Trường hợp đang trong quá trình bắt tội phạm truy nã, tội phạm gây án bỏ chạy mà không đủ phương tiện thì CSGT có thể huy động phương tiện của người tham gia giao thông để phục vụ nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng CSGT chỉ được thực  hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Theo Đại tá Dương Thanh Hải, ngoài nội dung trưng dụng tài sản, Thông tư 01/2016/TT-BCA còn cho phép CSGT được kiểm soát giấy tờ tùy thân của người ngồi trên phương tiện. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện trong 2 trường hợp sau: Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường kiểm soát, xử lý phương tiện cũng như các lực lượng tham gia phối hợp.

*  Làm cách nào để tránh trường hợp kẻ gian giả dạng CSGT để “mượn” tài sản của người dân?

- CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, như: phải có biển hiệu và giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông; có kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát; được trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của Bộ Công an... để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Người dân có thể căn cứ vào các yếu tố đó để nhận dạng “CSGT giả” và giám sát hoạt động của CSGT thật.

* Xin cảm ơn ông!

 


Kim Liễu (thực hiện)
 
 




 

Tin xem nhiều