Có một nghệ sĩ dù không sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai nhưng sau bao năm bôn ba với cuộc sống đã chọn nơi đây là vùng đất lành để rồi mỗi ngày đã đi đi về về hơn 30km để đến với Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai luyện tập, cũng như không ngần ngại theo đoàn đến tận vùng sâu của tỉnh biểu diễn phục vụ người dân.
Có một nghệ sĩ dù không sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai nhưng sau bao năm bôn ba với cuộc sống đã chọn nơi đây là vùng đất lành để rồi mỗi ngày đã đi đi về về hơn 30km để đến với Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai luyện tập, cũng như không ngần ngại theo đoàn đến tận vùng sâu của tỉnh biểu diễn phục vụ người dân.
Nghệ sĩ ấy có nghệ danh Chiêu Hùng, cánh chim đầu đàn của nghệ sĩ cải lương Đồng Nai, vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào tháng 1-2016.
Đồng Nai là “đất ân tình”
* Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước - cái nôi của nghệ thuật cải lương, đây có phải là một yếu tố giúp anh có những tố chất của một nghệ sĩ cải lương?
- Tôi là người đến với nghệ thuật cải lương như một lẽ tự nhiên, chưa hề được đào tạo bài bản ở trường lớp. Gia đình tôi có 3 đời theo nghiệp cầm ca, ông ngoại tôi là bầu hát bội, mẹ tôi đi hát, còn cậu ruột tôi làm bầu của Đoàn cải lương Phước Tấn (sau này là Đoàn cải lương Hậu Giang 3 ở Cần Thơ). Do đó, tôi có điều kiện tiếp xúc với cải lương từ rất sớm, điệu ca, lời hát cải lương cứ như thế dần dần thẩm thấu vào tôi.
Từ năm 10 tuổi, tôi đã cùng mẹ, cùng cậu rong ruổi theo ghe hát để đi diễn. Khi đó, tôi chỉ được đảm nhiệm vai trò kéo micro cho diễn viên thôi. Rồi tôi tự học, được rèn giũa thêm, đến năm 12 tuổi tôi có vai diễn đầu tiên, vai Trịnh Ấn trong vở Trảm Trịnh Ân.
* Có duyên với nghề là vậy, nhưng con đường lập nghiệp của anh dường như cũng gặp nhiều trắc trở?
- Năm 16, 17 tuổi, tôi đã được hát kép ba, kép nhì; đến năm 20 tuổi tôi được diễn kép chánh. Nhưng nghiệp diễn của tôi cũng lắm thăng trầm, suốt nhiều năm tôi rong ruổi qua nhiều đoàn cải lương, như: Đoàn cải lương Vũng Tàu 2, Đoàn cải lương Kim Thanh, Đoàn cải lương Hương mùa thu, Đoàn cải lương Huỳnh Long, Đoàn cải lương Minh Tơ... Mãi đến năm 2000, tôi đến với Đoàn cải lương Đồng Nai, và với vai Đức trong vở Dòng sông đỏ tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000 tôi có chiếc huy chương bạc. Đây cũng là giải thưởng đầu tay trong nghiệp diễn của tôi.
Nhưng vì gánh nặng áo cơm, năm 2001 tôi rời Đồng Nai phiêu bạt mất 10 năm. Thế rồi tại Đồng Nai, cơ duyên cho tôi được gặp những lãnh đạo có nghề, có tâm huyết, đặc biệt là NSND Giang Mạnh Hà, cùng những người bạn diễn ăn ý... để rồi tôi quay lại Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai (trước đây là Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai) trong ân tình của mọi người.
* Anh đã nỗ lực như thế nào để trở thành cánh chim đầu đàn, cùng với NSƯT Quế Anh dẫn dắt các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai?
- Khi xem đoàn là mái nhà chung, tôi cùng các anh chị em trong đoàn toàn tâm toàn ý, ra sức luyện tập. Được lãnh đạo Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai tạo điều kiện cho đảm trách những vai diễn có khán giả và chỉ dẫn tận tình qua từng vai diễn, tôi có nhiều sức bật và khẳng định mình qua từng vai diễn. Qua năm tháng, tôi đoạt nhiều huy chương, như: huy chương bạc tại liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 với vai Minh Quang trong vở Vượt qua tâm bão; huy chương vàng tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 với vai diễn Tổng binh Trần Đại trong vở Ánh đèn khuya...
Cải lương cũng cần hội nhập
* Đứng dưới ánh đèn sân khấu đã 40 năm, cảm giác của anh như thế nào khi khán giả cải lương thưa vắng đến rạp?
- Tôi còn nhớ như in, sân khấu ngày trước đôi khi chỉ là những bãi đất trống bên đường, có khi là thửa ruộng vừa gặt xong còn lởm chởm những gốc rạ nhưng bà con kéo đến xem rất đông, cùng chờ đợi sân khấu lên đèn và khóc cười với diễn viên.
Ngày nay, bản thân các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương, ngày càng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ những môn nghệ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, sự thay đổi thị hiếu của công chúng nên khán giả không mặn mà với sân khấu, vé bán ế ẩm, nhà hát im ắng... khiến những người làm nghệ thuật như tôi không khỏi chạnh lòng.
* Để kéo khán giả, nhất là khán giả trẻ, mặn mà với cải lương và các bộ môn nghệ thuật truyền thống, các đoàn nghệ thuật cần làm gì, thưa anh?
- Theo tôi, các đoàn nghệ thuật và các nghệ sĩ phải tự làm mới mình. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế rồi, thì lĩnh vực nghệ thuật cũng phải tự đổi mới mình trên cái nền bản sắc truyền thống. Vấn đề đầu tiên cần có những kịch bản hay, những đề tài mang hơi thở cuộc sống đương đại. Ở Đồng Nai, thời gian qua có những đề tài đánh trúng tâm lý thời đại, được khán giả ủng hộ, như: Vượt qua tâm bão, Trả giá...
Khó có thể quay lại thời vàng son - thời mà cải lương chỉ cần rạp sáng đèn là chật kín người xem - nhưng không phải ai cũng quay lưng lại với cải lương. Bằng chứng là khi Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đi phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, khán giả vẫn đón chờ. Tôi vẫn luôn tin cải lương sẽ luôn trường tồn cùng dân tộc. |
Thực tế ở Đồng Nai, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai được quan tâm nhiều từ xây dựng cơ sở vật chất khang trang, nhà tập thể mới cho đến mức thu nhập của nghệ sĩ cũng tăng rất nhiều. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến đời sống của anh em nghệ sĩ. Do đó, từ lãnh đạo Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai cho đến nghệ sĩ đều quán triệt phải đặt tinh thần, cống hiến và phục vụ khán giả hết mình. Mỗi năm, ngoài các chương trình phục vụ khán giả trong tỉnh, chúng tôi còn có các buổi diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, các chương trình quảng bá, tham gia các hội diễn trong khu vực và cả nước... Tập thể đoàn nghiêm túc phục vụ đủ 140 suất diễn ở các huyện vùng sâu, tỉnh lân cận. Bởi vậy, mỗi ngày các nghệ sĩ trong đoàn phải tập luyện đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu để nhuần nhuyễn tuồng trước lúc diễn.
* Còn bản thân nghệ sĩ cần phải “đổi mới” như thế nào?
- Khi gia nhập bộ môn nghệ thuật này, nghệ sĩ cũng phải có một tinh thần lao động nghiêm túc. Nghệ sĩ không thể chỉ dựa vào năng khiếu bẩm sinh để rồi lười luyện tập chất giọng, diễn xuất, quên tuồng... gây phản cảm cho người xem.
Để có một vở cải lương trình diễn trước khán giả, nghệ sĩ phải luyện tập ròng rã suốt nhiều tháng trời. Để biết cách đi, đứng, tạo điệu bộ theo từng vai diễn, nghệ sĩ không chỉ học hỏi từ bạn diễn, thầy cô, mà còn phải để tâm tình vào lời ca tiếng hát, tìm tòi để sáng tạo ra những tình huống đặc sắc. Đó là mồ hôi, nước mắt mà nghệ sĩ đã gửi trọn vào vai diễn nhằm mang lại sự đồng cảm cho mọi người.
Rèn luyện và cống hiến hết mình, tôi nghĩ đó là cách để nghệ sĩ sống “được” và thành danh với nghề.
* Nhưng dường như, nỗ lực vực dậy các bộ môn nghệ thuật truyền thống không chỉ là nỗ lực riêng của ngành văn hóa?
- Tôi hoàn toàn tán đồng. Để thay đổi thị hiếu của công chúng, nhất là công chúng trẻ, theo tôi phải bắt nguồn từ giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Bà mẹ ngày xưa hát ru con từ thuở còn nằm nôi, tâm hồn con được nuôi dưỡng theo từng câu ca, điệu hát quê hương. Một khi trẻ đã hiểu biết, đã cảm nhận thì lớn lên mới có thể tiếp nhận và yêu thích được. Về phía nhà trường, nên chăng đưa nghệ thuật truyền thống để giảng dạy để học sinh nắm được những kiến thức cơ bản. Ngoài ra, ngành văn hóa cũng cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân tộc... đến với cộng đồng.
* Xin cảm ơn anh!
Lâm Viên (thực hiện)