TS. Phạm Thị Ly nguyên là học sinh Trường THPT Tân Phú, huyện Định Quán (khóa 1979-1981), tốt nghiệp Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh và bảo vệ luận án ngôn ngữ học so sánh tại Trường đại học khoa học xã hội - nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) năm 2003.
TS. Phạm Thị Ly nguyên là học sinh Trường THPT Tân Phú, huyện Định Quán (khóa 1979-1981), tốt nghiệp Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh và bảo vệ luận án ngôn ngữ học so sánh tại Trường đại học khoa học xã hội - nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) năm 2003. Bà nhận học bổng chương trình học giả Fulbright về quản trị đại học tại Trường đại học Pratt, Hoa Kỳ năm 2008. Bà được nhiều người biết tới như một chuyên gia độc lập về chính sách và quản trị giáo dục đại học cũng như về giáo dục quốc tế.
Bà cũng là người dịch nhiều tài liệu quan trọng về giáo dục và viết nhiều bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Hiện nay, TS. Phạm Thị Ly là Giám đốc chương trình nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục đại học, Trường đại học Nguyễn Tất Thành.
Trẻ tự tử là thất bại của giáo dục
Mới đây, một học sinh 17 tuổi vừa tự tử vì “không đạt được kỳ vọng và ước mơ của cha mẹ” khi không thi nổi vào trường y. Bà nhìn nhận việc này thế nào dưới góc độ cảm xúc một người bình thường và là một nhà giáo dục?
- Thảm kịch này cho thấy sự thất bại của giáo dục. Giáo dục đáng lẽ phải giúp người học khám phá những tiềm năng và thiên hướng của mình, giúp mỗi người tự trả lời câu hỏi mình là ai, mình có thể làm được điều gì, và sống là để làm gì. Nhưng trong thực tế, cuộc sống của con em chúng ta chỉ là học và thi. Tệ hơn nữa, học và thi theo ý muốn của cha mẹ. Một khi đã không hiểu mình là ai, thì chấp nhận sự áp đặt của cha mẹ là điều không tránh khỏi. Đến khi sự áp đặt ấy trở nên quá sức chịu đựng thì tìm đến cái chết như là một cách giải thoát. Tôi nghĩ, mỗi người chỉ có một cuộc đời. Không được sống cuộc đời của chính mình, đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không biết mình là ai và sống để làm gì, thì thật là uổng phí công lao cha sinh mẹ dưỡng.
Tôi có thể hình dung trong giây phút quyết định làm điều đó, em ấy đã cô đơn và tuyệt vọng như thế nào. Nhưng tôi nghĩ em ấy đã tìm đến cái chết không phải chỉ vì cô đơn và tuyệt vọng, mà còn vì nhận thấy rõ sự vô nghĩa của đời mình.
Việc ép con học, chạy vào trường điểm, học thêm điên cuồng… theo bà, có mặt tốt nào không mà quá nhiều phụ huynh đang chọn để theo? Bà có nghĩ nguyên nhân đến từ những ẩn ức trong chính bản thân cha mẹ: mình không thành công, hoặc đã quá thành công nên giờ con mình phải thành công dưới góc nhìn chung của xã hội?
- Chúng ta có một niềm say mê vô hạn đối với bằng cấp, và nghĩ rằng bằng cấp sẽ mở ra cánh cửa thay đổi cuộc đời. Việc ép con học có nhiều lý do, trong đó có những ẩn ức tâm lý của cha mẹ, nhưng chủ yếu vẫn là áp lực từ những quan niệm xã hội. Quan niệm đó là kết quả của cách nhìn nhận về đứa con như một thứ tài sản mà mình có quyền và có trách nhiệm định đoạt, bất chấp việc con cái có những đặc điểm riêng, tiềm năng và thiên hướng riêng như thế nào. Hơn thế nữa, chúng ta có xu hướng xem bằng cấp, địa vị, sự thành công là biểu hiện của giá trị con người. Quan niệm đó không phải hoàn toàn là sai, nhưng nó phiến diện, vì giá trị con người không nằm ở chỗ anh có cái gì mà là anh đã đạt được nó bằng cách nào. Vả lại, những thứ đó cũng không phải là toàn bộ giá trị con người. Càng thiếu vắng những giá trị đích thực bên trong, người ta càng có nhu cầu dùng sự thành công, bằng cấp, địa vị, danh tiếng, tiền bạc để bù đắp và khỏa lấp những thiếu vắng đó.
Trong quan niệm của bà, mục tiêu nào quan trọng nhất trong đào tạo con người? Đơn giản hơn, nếu là một người mẹ, bà muốn con mình sẽ như thế nào khi lớn lên? Và bà chọn cách làm nào?
- Mục tiêu quan trọng nhất trong việc đào tạo con người là giúp họ khám phá chính mình và giúp họ phát triển hết mức có thể những tiềm năng và thiên hướng của riêng họ; đồng thời chuẩn bị cho họ trở thành những công dân có trách nhiệm đối với xã hội.
Là một người mẹ, tôi muốn con mình được hạnh phúc. Trải qua nhiều va đập, tôi mới hiểu rằng hạnh phúc là thứ mỗi người phải tự tạo ra chứ người khác không thể mang lại được. Dĩ nhiên là có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Rất nhiều người coi địa vị, danh vọng, tiền bạc là những điều kiện không thể thiếu để đạt được hạnh phúc. Nhưng ít người nghĩ về cái giá phải trả của những thứ đó. Tuy nhiên, hạnh phúc thực sự có đạt được hay không còn phụ thuộc ở chỗ chúng ta đã có được những thứ đó bằng cách nào, và để làm gì. Vì vậy, điều quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cái là những giá trị về ý nghĩa của cuộc đời và niềm tin vào những giá trị đó. Tôi nghĩ rằng, không có những giá trị và niềm tin ấy thì cuộc đời chúng ta sẽ trống rỗng, vô vị và vô nghĩa biết chừng nào.
Theo bà, phải chăng xuất phát từ sự tự ti mà quá nhiều bậc cha mẹ Việt Nam đang ép con phải thành công? Hay tâm lý muốn hơn người hoặc tâm lý sính đồng tiền, danh vọng và vật chất?
- Tất cả những lý do này đều góp phần tạo ra tình trạng đó. Chúng ta vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của tâm lý sùng bái vật chất. Mà sự sùng bái vật chất nảy sinh do sự thiếu vắng giá trị tinh thần.
Ngừng phán xét và bắt tay vào làm điều có ý nghĩa
Chúng ta đang sai lầm trầm trọng nhất ở đâu? Nếu có thể đưa ra vài giải pháp ngắn gọn, bà có gợi ý gì cho các bậc cha mẹ hiện tại?
- Chúng ta coi giáo dục là nhồi nhét kiến thức, và hầu như quên hẳn những thứ quan trọng hơn rất nhiều, là năng lực, kỹ năng, phẩm chất, đặc biệt là các giá trị. Chúng ta đi tìm thành công cho riêng cá nhân mình bất chấp những hậu quả đối với cộng đồng, mà quên rằng chính chúng ta và con cái chúng ta là một bộ phận của cộng đồng ấy.
Nền giáo dục của chúng ta đang duy trì một chương trình đào tạo vừa thừa vừa thiếu. Thừa những kiến thức ít khả dụng và thiếu một môi trường học tập trải nghiệm giúp thụ đắc kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm. Nhà trường không cần, và cũng không thể mang lại tất cả những kiến thức mà chúng ta sẽ cần đến trong cuộc đời, không phải chỉ vì nó quá nhiều mà là vì nó thay đổi thường xuyên. Bởi thế, kỹ năng quan trọng nhất mà nhà trường cần mang lại là kỹ năng tự học, là khả năng tìm kiếm, đánh giá và kết nối thông tin. |
Giải pháp ư? Khi nào chúng ta ngừng phán xét và kết án người khác. Trái lại, nhìn thấy rõ trách nhiệm của mình, không than trách và không chờ đợi ai đó mang lại sự thay đổi, mà bắt tay vào làm một việc gì đó dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa đóng góp cho sự tiến bộ, thì mới có cơ may tạo ra sự thay đổi. Với các bậc cha mẹ, chỉ có thể nói rằng, chúng ta phải nỗ lực tự cứu bằng cách bổ khuyết những gì nhà trường còn thiếu, và tôn trọng phẩm giá của con cái, đặc biệt là đừng bắt con cái phải làm những gì chính chúng ta đã không làm được. Mỗi người phải tự viết nên câu chuyện của đời mình, cha mẹ dù thương yêu con cái cũng không thể sống thay cho chúng.
Nhiều người bày tỏ thái độ bất bình với văn hóa ứng xử của người Việt trong nhiều lĩnh vực. Theo bà, lỗi tại nơi đâu và chúng ta có thể làm gì?
- Cũng lại là vấn đề của giáo dục. Chúng ta chỉ có cách đổi mới giáo dục phổ thông, và nhấn mạnh hơn nữa giáo dục gia đình. Văn hóa ứng xử bắt đầu từ rất sớm, và nó không phải chỉ là những quy tắc xã giao, mà có nền tảng từ những giá trị bên trong: những lời cảm ơn và xin lỗi phản ánh thái độ của chúng ta với việc biết ơn và tôn trọng người khác. Nếu cha mẹ chẳng bao giờ biết cám ơn ai, thì quả là khó mà tập cho con cái làm điều này và hiểu được giá trị của điều này. Nhưng chúng ta cũng từng chứng kiến những đứa trẻ được giáo dục tốt ở trường đã nhắc cha mẹ đừng xả rác nơi công cộng hay đừng vượt đèn đỏ. Vì vậy, giáo dục gia đình và nhà trường phải bổ khuyết cho nhau, đặc biệt khi một trong hai bị thiếu sót hay có vấn đề.
Xin cảm ơn bà!
Kim Ngân (thực hiện)