Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng hội nhập

10:01, 19/01/2016

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ, ông biết khá nhiều về Đồng Nai, một tỉnh phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của các nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ảnh) chia sẻ, ông biết khá nhiều về Đồng Nai, một tỉnh phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của các nước. Ông bày tỏ ấn tượng về tính chủ động tích cực hội nhập quốc tế của tỉnh, đặc biệt là chính sách thu hút, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài của tỉnh.

* Đâu là điều khiến ông có những ấn tượng tốt về Đồng Nai?

- Tôi có nhiều lần tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, nhất là qua các đợt hỗ trợ xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Điều đó thể hiện lãnh đạo tỉnh rất chủ động, năng động và cầu thị trong thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là hoạt động đối ngoại về kinh tế. Khi vào Đồng Nai, tôi có thể dễ dàng nhận ra hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của tỉnh rất nhộn nhịp.

* Nhiều nhà đầu tư chia sẻ với chúng tôi rằng họ hài lòng khi đã chọn Đồng Nai là địa điểm để đầu tư.  Ông đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện đối ngoại về kinh tế của Đồng Nai?

-  Đồng Nai không chỉ thực hiện rất tốt chính sách đối ngoại về kinh tế, mà còn rất quan tâm cả về hoạt động đối ngoại nhân dân.

Theo tôi, Đồng Nai đã có những định hướng rất chiến lược trong đối ngoại về kinh tế, trong đó có hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, giá trị cao. Những năm gần đây, Đồng Nai là một trong những địa phương sớm đi đầu trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, nhằm phát triển bền vững chứ không còn thu hút đầu tư bằng mọi giá. Chính nhờ chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc này mà giá trị xuất khẩu của Đồng Nai ngày càng lớn, môi trường ngày càng được bảo vệ tốt hơn.

* Bộ Ngoại giao và cá nhân ông sẽ có những việc làm nào để giúp quảng bá chính sách thu hút đầu tư của Đồng Nai ra thế giới?

- Đây là việc mà Bộ Ngoại giao và cá nhân tôi đã làm thời gian qua. Trong thời gian tới việc này cần đẩy mạnh hơn nữa. Cụ thể: chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh, không chỉ thu hút đầu tư để sản xuất mà còn là thu hút đào tạo nghề chất lượng cao. Từ  đó, chúng tôi sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin cho các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, và các cơ quan ngoại giao nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tỉnh để tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, giới thiệu các nhà đầu tư đến tỉnh Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực.

* Theo ông, Đồng Nai cần làm gì để nâng cao nhân lực đối ngoại thời gian tới?

- Ngoại giao không chỉ gói gọn ở lĩnh vực kinh tế mà còn là ngoại giao chính trị, văn hóa…  Do đó, chúng tôi sẽ trực tiếp hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ ngoại giao, nhất là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kiến thức về các hiệp định thương mại tự do…

* Nhân lực chất lượng cao của Đồng Nai cũng như các địa phương khác đang rất thiếu. Vậy Bộ Ngoại giao có thể giúp gì cho Đồng Nai trong thời gian tới?

- Thời gian qua, chúng tôi đã giới thiệu được một số doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề chất lượng cao vào Đồng Nai. Điển hình là Tập đoàn Bocsh của Cộng hòa liên bang Đức. Chúng tôi tiếp tục quan tâm và hướng tới mục tiêu không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đồng Nai, mà còn mở rộng đào tạo tại Đồng Nai để phục vụ cho các tỉnh trong khu vực.

* Theo ông làm thế nào để truyền được tinh thần hội nhập cho đội ngũ công nhân lao động của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung?

- Đây là một vấn đề rất quan trọng, quyết định rất lớn tới kết quả hội nhập về kinh tế. Bộ Ngoại giao đã xây dựng kế hoạch phân loại độ tuổi lao động, trong đó lực lượng trẻ được chúng tôi chú trọng với 2 nhiệm vụ chính, là: cung cấp kiến thức, kỹ năng hội nhập và đào tạo tay nghề.

Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tôi cũng đã nhấn mạnh công tác rất quan trọng là phải đào tạo nghề cho lao động trẻ. Đây là nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà là nhiệm vụ lâu dài. Đào tạo nghề cho lao động để không chỉ nên dừng lại ở cấp độ địa phương tổ chức, mà phải liên kết mạnh mẽ với doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp nước ngoài. Tôi tin là lao động trẻ hiện nay rất năng động, nếu chúng ta quan tâm tới họ bằng chính sách, giải pháp cụ thể thì tinh thần hội nhập sẽ có trong mỗi lao động.

* Xin cảm ơn ông!

Công Nghĩa (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích