Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để tư duy làm việc "nông nhàn" cản chân hội nhập

01:10, 24/10/2015

Sinh ra ở biên giới giữa Việt Nam - Campuchia và lớn lên tại Việt Nam, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân  là một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản và có nhiều nghiên cứu về các quốc gia ASEAN trên nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 20 năm qua...

Sinh ra ở biên giới giữa Việt Nam - Campuchia và lớn lên tại Việt Nam, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, Phó trưởng khoa Nhân học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), là một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản và có nhiều nghiên cứu về các quốc gia ASEAN trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... với nhiều đầu sách và đề tài khoa học khác nhau trong suốt hơn 20 năm qua.

Bà Hồng Xuân đang có chuyến đi đến nhiều trường đại học tại Đồng Nai nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức về 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN (kinh tế, văn hóa - xã hội và chính trị - an ninh). Bà Xuân nghiên cứu và học tập về Đông Nam Á từ năm 1991, trước thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN. Theo đó, những người đặt nền móng đầu tiên cho việc đào tạo ngành Đông Nam Á học ở Việt Nam là những người rất có tầm nhìn.

Hiểu văn hóa để kinh doanh tốt hơn

*  Nhiều người đã nói đến tác động về kinh tế khi Việt Nam gia nhập các Cộng đồng ASEAN. Là người đã nghiên cứu về văn hóa, nhân học và ASEAN nhiều năm, theo bà thì về mặt văn hóa, Việt Nam sẽ biến đổi thế nào khi gia nhập các cộng đồng nói trên?

- Trụ cột nào cũng quan trọng, song tôi muốn chia sẻ về vai trò của văn hóa trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Khi cùng tham gia vào một cộng đồng với đa dạng tộc người và những đặc trưng văn hóa khác nhau, nếu mình không hiểu văn hóa của đối tác thì rất khó tạo dựng niềm tin - là căn cứ quan trọng để xây dựng tình bạn, tiến tới hợp tác lâu dài, bền vững, ví dụ như tôn giáo. Chẳng hạn các tập đoàn đa quốc gia của Malaysia có trụ sở ở các quốc gia không có nhiều tín đồ Islam giáo (đạo Hồi), họ luôn chuẩn bị các slides trình chiếu phổ biến về ý nghĩa của tháng Ramadan cùng những  tập quán, đặc trưng văn hóa của người dân nước họ cho những chuyên gia, công nhân tập đoàn thấu hiểu và có ứng xử văn hóa phù hợp, tránh xung đột ảnh hưởng đến môi trường làm việc, chất lượng sản phẩm và năng suất lao động….

* Cần chú ý những gì về văn hóa và ứng xử khi gia nhập Cộng đồng ASEAN?

- Chấp nhận khác biệt nơi người khác, để người khác tiếp nhận sự khác biệt nơi mình. Với ASEAN, câu nói trên quốc huy của Indonesia “Thống nhất trong đa dạng”  cũng là triết lý chung cho cả khu vực Đông Nam Á và ASEAN. Đa dạng văn hóa nào trong ASEAN mà Việt Nam cần chú ý? Theo tôi, có lẽ chỉ là vấn đề tôn giáo, mà cụ thể là Islam giáo. Do có những nét khác biệt tương đối trong ứng xử giữa nam và nữ, những kiêng khem trong ăn uống, nghi thức hành lễ, những điều cấm kỵ… nên khi có quan hệ hợp tác làm ăn, doanh nghiệp Việt Nam phải chú tâm để có ứng xử phù hợp. Chẳng hạn, nếu tiếp một đoàn Malaysia, Indonesia, Brunei Darussalam trong tháng chay Ramadan của họ, thì ngay cả việc mời nước uống cũng đã là bất lịch sự, vì họ không được phép ăn uống từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

* Sâu xa hơn, văn hóa trong Cộng đồng ASEAN liệu có gây nên những ảnh hưởng và biến đổi sâu sắc đến văn hóa Việt Nam, tương tự văn hóa phương Tây, Nhật Bản hay Hàn Quốc không, đặc biệt ở giới trẻ?

- Tôi nghĩ là không. Lý do là văn hóa ở các nước Đông Nam Á tương đối giống nhau, được hình thành trên nền tảng xã hội nông nghiệp, do đó khi hội nhập thì chỉ cần chú ý đến những khác biệt về tôn giáo là chính. Tôi quan tâm đến một khía cạnh sâu xa hơn, đó là ứng xử từ chính người dân Việt Nam, đặt trong bối cảnh hội nhập. Thời gian qua, nhiều khách du lịch Việt Nam có những ứng xử chưa đúng mực, kém văn hóa như: ăn cắp vặt, ăn buffet bỏ thừa đồ ăn, ăn mặc phản cảm ở nơi công cộng, các cơ sở tôn giáo, khi ra nước ngoài… cũng sẽ phần nào gây ấn tượng về người Việt Nam xấu xí (thật sự) trong mắt bạn bè quốc tế. Cần nhìn nhận điều này khách quan và có những sửa chữa kịp thời.

Cần thay đổi cách làm việc

* Là người làm trong ngành giáo dục, theo bà điều nào cần thay đổi đầu tiên trong giáo dục nhận thức cho giới trđể Việt Nam nâng cao hơn chất lượng nguồn lao động khi hội nhập?

- Thủ tướng Malaysia từng nói: “Chúng ta không thể tiến đến thế giới thứ nhất bằng suy nghĩ và công nghệ của thế giới thứ ba”, và Malaysia đã xây dựng những chiến lược ưu tiên phát triển con người. Khẩu hiệu ASEAN năm nay mà Malaysia với cương vị chủ tịch luân phiên “Người dân của chúng ta, cộng đồng của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta”, cho thấy con người là trung tâm của sự phát triển. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng đã từng khuyên Việt Nam: “Muốn thắng trong cuộc đua kinh tế, phải thắng trong cuộc đua giáo dục”.

Việt Nam cần thay đổi về tư duy để không mất lợi thế. Chẳng hạn, lao động của Malaysia hay Phillippines đi theo các tập đoàn đầu tư tràn vào làm việc tại Việt Nam với trình độ và tính chuyên nghiệp cao hơn, thì rõ ràng cơ hội của lao động Việt Nam sẽ thu hẹp lại. Tư duy, tầm nhìn, thái độ ứng xử là những điều phải thay đổi đầu tiên, ở góc độ mỗi con người, sau đó mới là doanh nghiệp, quốc gia.

 * Việt Nam đang đâu trong “bản đồ” Đông Nam Á về chất lượng lao động nói chung theo góc nhìn của cá nhân bà? Những nhận định về việc cho rằng Việt Nam thua kém Thái Lan, Singapore hàng chục năm hay đứng chót bảng về năng suất lao động có làm bà bi quan?

- Không nên quá bi quan, song những đánh giá này như những hồi chuông cảnh báo để các cấp, các ngành và mọi người dân phải tự xem lại mình, từ đó có những sự điều chỉnh kịp thời. Đúng là Tổ chức lao động thế giới năm 2014 có thống kê 15 lao động Việt Nam mới có năng suất bằng 1 lao động Singapore, 5 lao động Việt Nam thì bằng 2 lao động Malaysia.

Quan sát của tôi sau nhiều chuyến đi tại nhiều nước trong ASEAN cho thấy, đúng là cường độ làm việc của lao động các nước trong ASEAN, như: Singapore, Malaysia cao hơn Việt Nam khá nhiều. Ngoài ra cũng nên nói đến đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ của người lao động Thái Lan, Phillippines theo tôi cũng tốt hơn lao động Việt Nam (tôi không nói tất cả). Hiện nay, các nước ASEAN hướng đến đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật, kinh tế xanh phần nào giảm lao động chân tay và tăng thời gian lao động tư duy, bảo vệ môi trường.

* Nguyên nhân do đâu thưa bà ? Do đầu tư công nghệ kém, kỷ luật doanh nghiệp chưa nghiêm hay “dân tộc tính” làm nên sự khác biệt này? Thái độ làm việc của một công nhân đơn lẻ Việt Nam có khác thái độ làm việc đơn lẻ của một công nhân nước khác?

- Có nhiều nguyên nhân mà nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra. Ở góc nhìn nhân học văn hóa, theo tôi thì đa phần lao động Việt Nam ở các vùng  nông thôn vốn quen với văn hóa làng xã, khi chuyển cư, di dân lên các thành phố lớn lao động, họ không thể trong một thời gian ngắn thích nghi với xã hội đô thị và lao động công nghiệp.

Thái độ làm việc của một công nhân Việt Nam so với công nhân quốc gia khác trong khối ASEAN, theo tôi cũng cần phải xem xét và điều chỉnh. Đầu tiên là tính kỷ luật của lao động Việt Nam chưa cao; thứ hai là chưa cá nhân hóa trách nhiệm trong từng công việc cụ thể; thứ ba là thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sẽ không khách quan khi chỉ nêu những hạn chế của lao động Việt Nam mà không có căn cứ về lịch sử, văn hóa, địa lý. Hiện nay các ngân hàng, tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ cũng sử dụng nhiều chuyên gia nhân học để đánh giá khách quan về cộng đồng người, người lao động với những căn tính dân tộc ảnh hưởng đến mối quan hệ trong lao động, năng suất và sáng tạo trong công việc…

* Nhìn nhận của bà về lao động trẻ Việt Nam? Điều gì bà muốn nhắn nhủ và chia sẻ với họ?

- Tôi tin vào thế hệ trẻ. Chắc chắn khi trẻ, chúng ta cũng đã từng bị nghi ngờ có đủ sức làm rường cột nước nhà không? Điều này cũng là tư duy của các nền văn hóa duy tình có gốc nông nghiệp. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hơi tiếc ở chỗ nếu các bạn thanh niên được chuẩn bị tốt hơn các kiến thức về văn hóa, kinh tế, xã hội của các nước ASEAN... lúc Việt Nam mới hội nhập  (từ năm 1995) thì giờ đây (20 năm) có thể chúng ta đã có một lực lượng lao động giỏi và chuyên nghiệp hơn, biết cách ứng xử trong môi trường làm việc quốc tế để không bị những “trì kéo” từ tư duy làm việc trong môi trường nông nghiệp nhiều như hiện nay. Song tôi vẫn nghĩ lao động sinh sau năm 1990 sẽ thích nghi tốt hơn trong môi trường làm việc quốc tế vì có nhiều điều kiện về phương tiện khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là cơ hội giao lưu quốc tế hơn giai đoạn của chúng tôi.

 Xin cảm ơn bà!

Kim Ngân (thc hin)

 

Tin xem nhiều