Nhân dịp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai tổ chức đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2015-2018), phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai khóa II.
Nhân dịp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai tổ chức đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2015-2018), phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai khóa II.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Đức Bình tại Lễ ra mắt Chi hội Doanh nhân trẻ Long Thành - Nhơn Trạch. Ảnh: K.Giới |
Ông đánh giá thế nào về tâm thế hội nhập của các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua và hiện nay?
- Khả năng hội nhập của DN chúng ta là rất kém. Các DN nhỏ và vừa của Việt Nam rất yếu thế trong việc tham gia vào các FTA và TPP. Theo tôi, cái dở của DN Việt Nam đúng ra phải thay đổi và tiến công, nhưng chúng ta nghèo khó quá nên chẳng nghĩ được gì cứ luẩn quẩn. Việc vươn ra khu vực và thế giới không mấy doanh nhân nghĩ đến, chúng ta cứ ngồi chờ các cơ hội rồi cũng chẳng chờ được. Đó là việc đáng buồn trong giới doanh nhân vì không đủ nguồn lực. Ở một góc độ khác, Nhà nước luôn thúc giục DN cần chủ động hội nhập nhưng chính từ phía Nhà nước cũng phải cải cách và hội nhập trước đã.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân tỉnh Đồng Nai, ông có hài lòng về công tác phát triển Hội trong nhiệm kỳ qua?
- Theo đánh giá của tôi, việc phát triển Hội thời gian qua chỉ ở mức trung bình, chưa mang được tính đột phá về chất lượng hoạt động cũng như thu hút các hội viên. Các doanh nhân vào Hội vẫn mang tính thụ động. Tôi nghĩ hiện nay đã là thời hội nhập, suy nghĩ của các doanh nhân cần khác đi.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này không?
- Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến ý thức của hội viên, vào Hội nhưng ở tâm thế cứ nghĩ Hội là cái gì đó phải mang được quyền lợi cho mình, nhưng lại không nghĩ chính hội viên là một tế bào của Hội. Nếu hội viên có đóng góp tích cực, không hẳn về tiền bạc mà có thể bằng công sức, sẽ giúp Hội phát triển hơn. Khi Hội phát triển thì mới có tiếng nói mạnh và tạo được nhiều cơ hội cho các hội viên. Sự bao cấp của chúng ta quá nặng nề, bao cấp cả trong suy nghĩ, vào Hội nhiều người thường hỏi vô đây được cái gì, thay vì nghĩ tích cực hơn là vô đây mình sẽ đóng góp được những gì. Tôi vẫn thường nói, đầu tiên vào Hội là phải mất đã, mất thời gian, mất tiền bạc rồi mới được sau. Cái được cũng không cụ thể mà do mỗi người cảm nhận, như: được mối quan hệ, được cơ hội làm ăn hay được sự bảo vệ thông qua tiếng nói của Hội.
Là chủ một DN, tham gia Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai hơn 20 năm, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?
- Tôi vào Hội từ năm 1993, lúc đó chỉ là một anh nông dân nuôi heo. Quá trình sinh hoạt ở Hội giúp tôi trưởng thành hơn, nâng được tầm nhìn của mình lên và dần thành đạt. Cụ thể, từ một nông dân, tôi chuyển sang sản xuất, rồi làm thương mại - dịch vụ và ngày hôm nay tôi đã đầu tư tài chính. Tôi nghĩ đó là cái được mà không thể trường lớp nào dạy được. Tôi nghiệm ra, sự giao lưu học hỏi và liên kết trong Hội giúp những DN nhỏ vượt qua được sự tự ti và DN lớn thì vượt qua sự tự mãn. Đây là điều tôi rất tâm đắc.
Mong muốn của ông trong nhiệm kỳ mới này là gì?
- Tôi mong tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ sẽ tốt hơn, tâm thế của các doanh nhân tham gia hội nhập tích cực hơn. Điều quan trọng nữa là sự đóng góp thiện nguyện của doanh nhân và DN cho xã hội được nhiều hơn. Chúng tôi đặt mục tiêu cao hơn ở nhiệm kỳ tới là tổ chức thi đua đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng từ nguồn tiền thiện nguyện bằng cái tâm của mình để làm cho hình ảnh doanh nhân ngày càng tốt đẹp hơn dưới mắt mọi người.
Xin cảm ơn ông!
Khắc Giới (thực hiện)