Hiếm có ai trải nghiệm một cuộc đời đặc biệt như Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Câu chuyện của người thầy này cũng đã quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam vì đoạn trích trong cuốn hồi ký Tôi đi học của ông từng được đưa vào sách giáo khoa.
Hiếm có ai trải nghiệm một cuộc đời đặc biệt như Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Câu chuyện của người thầy này cũng đã quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam vì đoạn trích trong cuốn hồi ký Tôi đi học của ông từng được đưa vào sách giáo khoa. Năm 4 tuổi, bất ngờ bị liệt 2 tay sau một cơn sốt bại liệt, thế giới gần như khép lại với ông. Tuy vậy, bằng tất cả nghị lực, ông đã tập viết nhuần nhuyễn bằng 2 chân, học sinh giỏi Toán lớp 7 và đứng thứ 5 toàn miền Bắc, sau đó, “phải lòng” nhân vật Paven trong Thép đã tôi thế đấy, ông quyết tâm rẽ lối và trở thành thầy giáo dạy Văn, nhà văn, nhà thơ và sau này là chuyên viên tư vấn tâm lý.
Ở tuổi 70, mang trong mình nhiều chứng bệnh ngặt nghèo, ông vẫn mải miết đi khắp nơi tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh, giao lưu với học sinh, sinh viên nhằm truyền đi ngọn lửa hiếu học. Ông nói, bản thân mỗi người sẽ quyết định mình hạnh phúc hay bất hạnh bằng những nỗ lực đến cùng, dẫu nỗ lực đó chỉ là để làm được những điều rất đỗi bình thường mà những người lành lặn dễ dàng có được. Với ông, hạnh phúc muôn màu muôn vẻ và không hề đóng khung trong những quan niệm xơ cứng và máy móc.
Thầy giáo viết bằng chân
* Ông là một nhà giáo đặc biệt khi chỉ viết được bằng chân. Ông “xử lý” tình trạng đặc biệt của mình thế nào trong mấy chục năm đứng lớp?
- Tôi biết mình không phải là một nhà giáo bình thường, chỉ đơn giản vì tôi viết bằng chân. Với những giáo viên dạy văn, điều quan trọng không phải là những gì được viết trên tấm bảng, mà quan trọng là người thầy đó gieo được những gì vào tâm hồn trẻ. Cho nên khi dạy, tôi cố gắng hình thành một hệ thống câu hỏi, dẫn dắt học trò đi từ tình huống này đến tình huống khác. Từ đó, học trò tự mình đối thoại với tác giả - tác phẩm, đối thoại với nhau để rút ra được những thông điệp cho riêng mình từ tác phẩm.
Tuy vậy, lúc cần tôi cũng viết bảng, bằng cách chuẩn bị sẵn ở nhà. Tôi nhờ người làm sẵn những tờ giấy lớn, viết sẵn nội dung ở nhà. Đến lớp, tôi nhờ trò gắn lên bảng (có tờ giấy trắng che bên ngoài). Khi dạy tới đâu tôi dùng chân kéo tờ giấy trắng lui xuống bằng một sợi dây. Cứ thế, từng nội dung cụ thể từ từ hiện ra trước ánh mắt đầy ngạc nhiên thích thú của các em.
* Từng xếp thứ 5 trong kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc, nhưng sao ông lại chọn học Trường đại học tổng hợp Hà Nội ngành ngữ văn và trở thành thầy giáo dạy Văn? Giây phút đầu tiên đứng lớp ra sao?
- Năm lớp 9, tôi đọc tác phẩm Thép đã tôi thế đấy và phải lòng nhân vật Pavel của nhà văn Ostrovsky, rồi tôi ước thành thầy giáo dạy văn. Trở thành thầy giáo dạy văn cũng là một trong những điều mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên tôi. Giây phút đầu tiên đứng lớp, cảm giác bồi hồi đến nỗi hàng chục năm sau, tôi vẫn hình dung ra. Một phần tôi hồi hộp vì không biết các em có chịu đón nhận một thầy giáo khuyết tật không? Có học hành tiếp thu bài vở nghiêm chỉnh không? Và là một người thầy còn trẻ quá, liệu có bị học sinh trêu ghẹo không? Tuy vậy, khi đứng trước các em, tự nhiên tôi tự tin lên hẳn, phần vì đã chuẩn bị bài vở, kiến thức khá kỹ, phần vì các em khuyến khích và động viên tôi rất nhiều. Tôi còn nhớ bài học đầu tiên tôi dạy cho học sinh là bài thơ Gửi lòng con đến cùng cha, một bài thơ rất hay của nhà thơ Thu Bồn.
* Thử thách nào là khó nhất trong những thử thách mà ông đã vượt qua?
- Có lẽ là những tháng ngày đầu tiên tập viết bằng chân. Năm lên 7 tuổi, ở nhà mãi cũng chán, tôi lân la đến trường, đứng ngoài nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, tôi bắt đầu hì hụi tập viết bằng chân. Thời gian đầu, việc tập viết với tôi quả như cực hình vì đôi chân đau đớn, tê dại do tập viết quá nhiều. Dần dần, ngoài viết chữ thành thạo, tôi vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi... Năm 1962, tôi được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, tôi tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán miền Bắc và đứng thứ 5. Tôi lại được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý lần thứ 2.
Tuy nhiên, sau này tôi lại chuyển sang học văn. Tôi từng gửi mấy trăm bài thơ đến các tòa soạn báo, nhưng chẳng bài nào được đăng. Mãi sau này lên đại học, tôi mới có bài đăng. Rồi sau đó là viết sách.
Nỗ lực cũng là một thứ hạnh phúc riêng
* Ông còn nhớ về khoảnh khắc ông nhận ra mình không bình thường như các bạn? Ông xoay xở với điều đó ra sao và rút ra được điều gì?
- Khoảnh khắc tôi nhận ra mình không bình thường như mọi người là ngay sau khi tôi lành bệnh. Sau cơn sốt, tôi chạy đi chơi với bạn bè như bình thường thì phát hiện tay mình xụi lơ, không cầm nắm được. Sau những giọt nước mắt là nỗ lực làm quen với sự bất thường đó: cầm thìa xúc ăn, thước, bút, sau này là bàn phím…
“Trong hành trình đi tìm hạnh phúc, sự kiên nhẫn có vai trò lớn với tôi dù có những lúc tôi muốn bỏ cuộc. Năm lớp 9, tôi đi học đêm về bị ngã gãy tay, băng bột chưa bao lâu thì lại ngã tiếp, gãy tay tiếp. Lúc đó, sự đau đớn tưởng như không vượt qua nổi. Tôi cũng suy nghĩ xem mình nên sống hay không nên sống khi những người bình thường làm những việc này quá dễ dàng, còn mình thì khó khăn nhường ấy. Trong những ngày đen tối đó, nhân vật Paven nhắc tôi: “Hãy biết sống, kể cả khi cuộc đời trở nên không chịu đựng được nữa”. Và tôi sống một cách kiên nhẫn, nhẹ nhàng và xem những nỗ lực của mình như một thứ hạnh phúc riêng mà không dễ gì ai có được”. |
Khi học cấp 2, tôi mơ ước trở thành học sinh giỏi Toán, trở thành học sinh giỏi Toán, sau đó mơ giỏi Văn, trở thành cử nhân văn chương, nhà văn, nhà giáo ưu tú, người chia sẻ và truyền lửa cho các bạn trẻ, người chồng, người cha, người ông... Ở vai trò nào cũng đòi hỏi sự cố gắng đến tận cùng vì tôi là một người khuyết tật, nhưng tôi tìm thấy những điều kỳ diệu trong suốt quá trình đó. Tôi bất hạnh vì gặp rủi ro, nhưng may mắn vì gặp những người tốt, người yêu thương tôi. Họ tạo động lực cho tôi vượt qua mọi khó khăn.
* Ông cũng là người có cuộc sống riêng tư khá đặc biệt khi có đến… 2 người vợ. Hai người vợ này có vai trò gì trong đời sống của ông?
- May mắn lớn nhất trong cuộc sống riêng của tôi là việc tôi gặp được 2 người phụ nữ, 2 người vợ tào khang và cũng là 2 chị em ruột. Năm 1970, khi vừa tốt nghiệp đại học, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên tôi: “Với điều kiện của con thì con nên lập gia đình càng sớm càng tốt, để có người sẻ chia và giúp đỡ con trong đời sống”. Sau đó, một người anh mai mối cho tôi người vợ thứ nhất sau tình yêu sét đánh ngay lần gặp đầu tiên. Ngày cưới, chúng tôi nhận được 4m vải lụa trắng - quà tặng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chiếc khăn tay và bức thư tay, đề: “Nhân cuộc vui lớn của cháu, bác gửi tới cháu lời chúc mừng hạnh phúc, chúc cháu tiến bộ nhiều hơn nữa”. Sau 30 năm chung sống, chúng tôi có 3 người con, và năm 2001 nhà tôi mất sau một cơn tai biến. Trước khi mất, nhà tôi có lời di nguyện với người em gái, đề nghị tiếp tục kết duyên và chăm sóc tôi thay cô ấy. Sau đó, chúng tôi tái duyên với nhau, đến nay đã 13 năm. Và đến nay, chúng tôi vẫn nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
* Ông nghĩ gì về hạnh phúc?
- Với tôi, hạnh phúc không thể đóng khung trong những quan niệm máy móc. Lúc cần mạnh mẽ thì mạnh mẽ, cần mềm mại thì mềm mại, lúc nhu lúc cương và đôi khi cần biết đâu là giới hạn của mình để chấp nhận và hài lòng với nó. “Chúng ta không thể thay đổi hướng gió, nhưng có thể thay đổi được vị trí của cánh buồm” là câu châm ngôn tôi rất thích.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)