Sang Vương quốc Bỉ làm luận án tiến sĩ Vật lý từ năm 1966, ông Đỗ Tấn Sĩ đã cùng anh chị em người Việt tại Bỉ thành lập Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước (tiền thân của Hội Người Việt Nam tại Bỉ sau này).
Sang Vương quốc Bỉ làm luận án tiến sĩ Vật lý từ năm 1966, ông Đỗ Tấn Sĩ đã cùng anh chị em người Việt tại Bỉ thành lập Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước (tiền thân của Hội Người Việt Nam tại Bỉ sau này). Năm 1968, giữa lúc miền Nam đang ở cao trào chống Mỹ ồ ạt đưa quân sang xâm lược thì tờ báo Giải phóng ra đời, được các du học sinh chuyền tay nhau đọc, tạo nên một làn sóng đấu tranh yêu nước tại Bỉ.
Từ năm 1996, ông viết đơn xin hồi hương, được bổ nhiệm công tác trong Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh và năm 2003 thì chính thức nghỉ hưu. Người con của đất Biên Hòa giờ sống trong ngôi nhà nhỏ bên nhánh sông Rạch Cát hiền hòa, vẫn đóng góp tri thức và làm cầu nối cho những Việt kiều yêu nước giúp quê hương. Ông nói, quê hương - đơn giản là máu thịt, là nơi để hướng về.
Quê hương là để hướng về
* Là một trong những người đứng đầu tổ chức Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Bỉ, ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập tại Việt Nam rất sôi nổi, những lứa thanh niên Việt Nam trí thức thời đó như ông đã lựa chọn đấu tranh cho điều đó ra sao?
- Năm 1965, rất nhiều sinh viên sang Bỉ du học. Trong số đó, nhen nhúm nhiều hạt nhân ủng hộ cách mạng. Lúc này phong trào cách mạng cánh tả, phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ diễn ra trên khắp các nước ở châu Âu. Và chúng tôi được tiếp sức từ những điều đó.
Nhà tôi có 1 người anh là liệt sĩ, hy sinh năm 1950, ngoài ra còn có 2 người anh đi kháng chiến, tập kết. Gia đình tôi ủng hộ cách mạng, nên từ nhỏ tôi đã được nuôi dưỡng trong mình tình yêu mến cách mạng, yêu mến Bác Hồ. Sang Bỉ, tôi nhanh chóng tìm được những bạn bè cùng chí hướng với mình. Năm 1968, chúng tôi thành lập tờ Giải phóng, tự viết, tự đánh máy, tự xuất bản. Chúng tôi cũng tạo dựng những nhóm cảm tình cách mạng, cố gắng xây dựng mái nhà chung của sinh viên yêu nước tại Bỉ. Chỉ ít năm sau, tại tất cả các trường đại học của Bỉ đều có một nhóm sinh viên Việt Nam ủng hộ cách mạng. Chúng tôi thuyết phục những trí thức, bạn bè các nước, thầy cô ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Bạn hỏi tôi rằng ở lứa tuổi 25 - 26 tôi nghĩ gì về bản thân, về đất nước? Tôi nghĩ rằng, trong đời mình điều quan trọng là phải chọn chỗ đứng và đường đi. Tôi chọn ủng hộ công cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và đã chọn thì phải làm, làm những gì trong khả năng và hoàn cảnh cho phép. Đó là một thời kỳ rất đáng nhớ.
* Ra đi khi mới ngoài 20 tuổi, vì sao ông nặng lòng với quê hương đến thế?
- Tuổi thơ của tôi ở Biên Hòa là thời gian tôi cùng hạnh phúc. Nhà tôi lúc đó ở kề bên đình Phước Lư, không xa trường Nguyễn Du - ngôi trường tôi học suốt thời tiểu học. Chúng tôi tắm sông, trèo cây, hóng mát, chơi đùa với bạn bè... bên dòng sông Đồng Nai. Tôi có một tuổi thơ tuyệt diệu ở Biên Hòa, không gì thay thế được. Đến tuổi biết yêu, hẹn hò cũng ở bên dòng sông ấy.
Không phải mình mới yêu quê hương mình, mà dân nước nào cũng yêu quê hương họ. Người Mỹ còn có câu “Đúng hay sai gì cũng là đất nước của tôi”. Với tôi cũng vậy. Quê hương có từ trong máu thịt. Tôi khẳng định rằng, bất kỳ ai, bất kỳ ở đất nước nào cũng cần có một quê hương.
* Lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại liệu có còn giữ được tình yêu máu thịt với đất nước, quê hương, đặc biệt trong dòng chảy mạnh mẽ của hội nhập và khái niệm “công dân toàn cầu” ngày càng phổ biến?
- Thời tôi còn nhỏ, ở Biên Hòa nhiều gia đình theo Tây học đặt tên con bằng tiếng Pháp. Nhưng tôi biết ơn cha mẹ dù khá giả, học trường Tây, nói tiếng Pháp nhưng vẫn đặt tên Việt cho anh em tôi.
Sau năm 1975, Hội Người Việt Nam tại Bỉ do ông đứng đầu đã nỗ lực hỗ trợ cho đất nước bằng nhiều cách ở nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, xây dựng nhà thương, trường học... Ông tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 khóa liền (khóa 4,5,6 và 7) và đã được tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. |
Sau này, lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, chưa có ý thức và khái niệm quê hương cũng là điều bình thường. Cuộc sống sẽ dẫn người ta đi nhiều nơi, nhiều đất nước khác nhau. Một số người sang nước ngoài sinh sống chưa lâu, tỏ ra không hài lòng với Việt Nam, nhưng đến lúc nào đó trải nghiệm đủ thì mới thấy không gì bằng ở Việt Nam. Chúng ta không chọn được quê hương, không chọn được đất nước và dù đã đạt được sự thành đạt lớn đến mức nào ở nước ngoài, thì Việt Nam vẫn là nơi người Việt thuộc về. Tuy nhiên, để lớp trẻ ở hải ngoại biết hướng về đất nước, đóng góp cho đất nước thì giáo dục trong gia đình là quan trọng, tình yêu quê hương phải bắt nguồn từ việc dạy tiếng Việt, văn hóa Việt…trong chính gia đình mình, để nó như một dòng chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Quê hương gọi, trí thức đáp lời
* Ông suy nghĩ gì về một Việt Nam thời tranh đấu giành độc lập và một Việt Nam hiện tại dưới góc nhìn một trí thức trưởng thành ở nước ngoài ?
- Ngày 30-4-1975 là ngày vui nhất, điều này rất rõ. Sau đó, 10 năm tiếp theo vì cả chủ quan lẫn khách quan, chúng ta gặp nhiều khó khăn từ kinh tế đến ngoại giao. Giai đoạn này, chúng tôi làm đủ cách để hỗ trợ, giúp đỡ: tuyên truyền, giải thích cho công luận thực chất về chiến tranh ở Campuchia và biên giới phía Bắc; hỗ trợ vật chất, thuốc men... Chúng tôi hiểu và nguyện làm hết sức mình để ủng hộ và bảo vệ thành quả cách mạng.
Năm 1986, Việt Nam đổi mới, sự đổi mới rất thuận lòng dân. Trong cái nhìn của tôi, sự đổi mới đã làm hồi sinh đất nước. Rồi Việt Nam gia nhập ASEAN, đề ra chủ trương làm bạn với tất cả các nước, không gia nhập một liên minh quân sự nào... Đồng thời, tìm cách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là những bước đi đúng đắn, còn những khó khăn nội tại hoặc khách quan trước mắt, chẳng có cách nào khác là phải tìm cách vượt qua.
* Làm sao để tận dụng được sự đóng góp của trí thức người Việt ở nước ngoài trong quá trình xây dựng đất nước? Theo ông, Việt Nam đã tận dụng tốt nguồn lực đó chưa?
- Nói về sử dụng trí thức, không ai bằng Bác Hồ. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã kêu gọi nhiều trí thức Việt kiều tài ba trở về nước đóng góp. Sau năm 1954, Bác gửi rất nhiều sinh viên Việt Nam du học để sau này về giúp nước. Nhà phải có chủ trương, mời gọi thì trí thức người Việt ở hải ngoại mới có thể đáp lời. Chúng tôi nỗ lực làm cầu nối, nỗ lực kết nối trí thức Việt kiều với đất nước. Nhưng chúng tôi rồi sẽ già đi, trong khi trí thức trẻ ở nhiều nước càng ngày càng giỏi và có thể đóng góp rất nhiều, song lại không có thông tin. Tôi nghĩ đất nước cần lên tiếng gọi mạnh mẽ hơn. Con tôi là một ví dụ, cháu làm việc trong ngành sinh học phân tử và muốn giúp, muốn sẻ chia những gì cháu biết. Nhưng vì thiếu thông tin, không biết nơi đâu cần mình và mình có thể giúp được gì?
* Vậy, cần làm gì để kết nối và sử dụng nguồn lực đó?
- Cần sự kết nối thường xuyên, chuyên nghiệp hơn. Chúng ta vẫn đang im lặng với nhau, dù rằng phương tiện liên lạc rất dễ. Ví dụ, Đồng Nai đã bao giờ nghĩ đến việc có chính sách hay “hiệu triệu” con em Đồng Nai ở nước ngoài hỗ trợ tỉnh nhà? Chúng ta cần một cơ sở dữ liệu cho biết tỉnh đang cần gì, mong muốn hỗ trợ lĩnh vực nào? Và trí thức Việt kiều có thể tìm kiếm dữ liệu thì liên lạc ở đâu? Tôi nghĩ đất nước phải “gọi” họ trước đã.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)