Đó là nhận xét của ông Đặng Kim Sơn - người đã từng nhận bằng Thạc sĩ kinh tế ở Đại học Stanford (Hoa Kỳ) và Tiến sĩ kinh tế nông nghiệp từ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - trong chuyến về Đồng Nai tìm hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới...
Ông Đặng Kim Sơn nhận bằng thạc sĩ kinh tế ở Đại học Stanford (Hoa Kỳ) và tiến sĩ kinh tế nông nghiệp từ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Lĩnh vực chuyên môn của ông là nghiên cứu kinh tế và chính sách nông nghiệp Việt Nam và thế giới. Ông còn là thành viên chủ chốt của Nhóm hợp tác công - tư (PPP) của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn; thành viên của Hội đồng nông nghiệp toàn cầu về an ninh lương thực tại Diễn đàn kinh tế thế giới. Ông đã xuất bản không ít các sách về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và là một trong những người biên soạn chính của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Về tìm hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai, ông Sơn nhận xét Đồng Nai đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên phạm vi cả nước.
* Nông nghiệp là nền tảng phát triển
Ông đánh giá như thế nào về quá trình xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai?
- Chính quyền và các cấp ủy của Đồng Nai có một tư duy rất sớm về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì rõ ràng rất nhiều nơi hiện tại vẫn giữ tư duy ỷ lại trong xây dựng nông thôn mới hoặc vẫn xem nông nghiệp là mảng phụ, chỉ cần giữ cho nó ổn định. Hiện việc thực hiện đủ 19 tiêu chí nông thôn mới của nhiều địa phương vẫn còn cực kỳ khó khăn, nhất là các khu vực có diện tích đất nông nghiệp hẹp, bất lợi về điều kiện đường sá, điều kiện tự nhiên... Công nghiệp Đồng Nai phát triển mạnh cũng là lợi thế rất tốt để thực hiện một số tiêu chí, như: hút được lao động ra khỏi khu vực nông thôn; tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông thôn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp... Từ hiệu quả của Đồng Nai, các tỉnh, thành khác, nhất là các tỉnh miền núi hiện cũng đang rất nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới.
Theo ông, ngành nông nghiệp đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế Việt Nam?
Hậu nông thôn mới, theo quan điểm của chúng ta thì nông thôn phải giữ được bản sắc với cách thức quần thể của thôn, của làng, trong quan hệ cộng đồng... Nông thôn mới phải thực sự mới cả phần “cứng” lẫn phần “mềm”, nghĩa là ngoài việc có đường làng, ngõ xóm đẹp, cuộc sống nông dân ngày càng tốt thì phải quan tâm cả vấn đề hình bóng, hồn phách của nông thôn mới sẽ như thế nào và sự nối kết giữa nông thôn mới với đô thị mới sẽ ra sao trong tương lai. Đồng Nai đi trước cả nước nên phải làm rõ câu chuyện này. |
- Có nhiều tỉnh, thành phát triển tốt về công nghiệp và không thiếu các khu công nghiệp lớn, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng cũng có nhiều phàn nàn về giá trị gia tăng của công nghiệp. Công nghiệp Việt Nam còn nặng về gia công, giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, sức hút lao động - điều tạo ra hiệu ứng liên kết giữa các khu công nghiệp đối với các vùng, khu vực xung quanh còn ít. Cụ thể, Đồng Nai hiện vẫn còn 60% dân số sống ở nông thôn; Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp rất mạnh, cũng còn 70% dân số ở nông thôn... Từ đó cho thấy, công nghiệp phát triển tuy tốt nhưng vẫn tách rời ra khỏi nông nghiệp, chưa tạo thành đầu tàu kéo nông nghiệp đi theo. Đặc biệt, 2 loại công nghiệp rất quan trọng là công nghiệp phục vụ đầu vào cho nông nghiệp, như: sản xuất phân, thuốc, máy móc... vẫn chưa được chú ý. Công nghiệp sơ chế, chế biến, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp cũng chưa tốt.
Như vậy, công nghiệp phát triển chỉ thể hiện qua sự đóng góp cho ngân sách chứ hàm lượng an toàn trực tiếp giữa người dân với nhau, giữa các nền kinh tế với nhau chưa có. Đây là điều mà chúng ta phải chấn chỉnh trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Bởi vì suy cho cùng, lợi thế chính của Việt Nam là nông nghiệp và con người. Nếu không phát huy được lợi thế thì không thể phát triển được.
Nhân nói về lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp, ông đánh giá như thế nào việc phát triển cây, con chủ lực của từng địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung?
- Đã là kinh tế thị trường thì phải dựa trên những yếu tố thị trường. Tuy nhiên, ngay cả những tỉnh có điều kiện thuận lợi như Đồng Nai nhưng vẫn rất khó cho cả doanh nghiệp (DN) và nông dân chọn cây gì, con gì, chọn công nghệ gì, chọn thị trường nào? Như gần đây chúng ta đang bàn về việc các tỉnh Tây Nguyên phát triển cây mắc ca; cây ca cao quy mô thế nào; trồng cao su đến đâu... Hiện có những câu chuyện như thế, đòi hỏi phải tìm hiểu về thị trường, về lợi thế, nhất là khả năng xây dựng chuỗi giá trị để đảm bảo vừa phát triển bền vững, vừa đạt giá trị gia tăng cao. Ở đây, tôi nghĩ là cần sự nghiên cứu của nhà nước, nghiên cứu của tư nhân phối hợp với nhau để chúng ta nắm chắc về tín hiệu thị trường, hiểu rõ thế mạnh, điểm yếu, so với đối thủ cạnh tranh nào… để từ đó định hướng, quyết định đầu tư và giải pháp. Đây là việc chủ yếu trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
* Doanh nghiệp là lực lượng chủ công
Suy nghĩ của ông về ngành nông nghiệp Việt Nam trước làn sóng hội nhập?
- Trước đây, khi chúng ta bước vào Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, sau đó là đến Hiệp định thương mại WTO, rất nhiều người sợ rằng nông nghiệp sẽ thua trận vì nông nghiệp ta yếu quá, nhỏ quá. Thế nhưng kết quả là nền nông nghiệp vẫn đứng vững, cạnh tranh tốt và trở thành một ngành xuất khẩu mạnh. Tuy nhiên, hiện Việt Nam sắp sửa đi vào giai đoạn cuối của quá trình hoàn tất của 6-7 hiệp định tự do thương mại. Đây cũng là lúc chúng ta phải nhìn nhận lại, trong đó 2 yếu tố cần quan tâm nhất khi hội nhập là chuyển đổi thị trường và nguy cơ về cạnh tranh.
Ông từng nhận xét, gần đây việc đầu tư vào nông nghiệp đã thành xu hướng, tuy nhiên nông nghiệp vẫn là lĩnh vực mới mẻ, nhiều bỡ ngỡ với các DN trong nước. Ông có thể chia sẻ gì thêm về điều này?
- Điểm yếu của chúng ta không phải là nông dân mà chính là doanh nhân. Doanh nhân Việt Nam chưa được chuẩn bị, chưa được bảo vệ, chưa được hỗ trợ để tiếp tay, phối hợp với nông dân cho nên sản xuất tốt nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu thô. Phần giá trị gia tăng do chế biến, do kinh doanh thì người bên ngoài hưởng. Kết quả, nông nghiệp phát triển nhưng kinh tế, dịch vụ không đi theo. Đến lúc này, nó quay lại ảnh hưởng đến nông nghiệp. Tức là người nông dân sản xuất ra thừa rất nhiều thứ, sản xuất ra càng nhiều thì giá càng xuống.
Các viện, trường nghiên cứu khoa học thì vẫn theo hướng kinh điển, cơ chế tài chính hiện nay chưa khuyến khích các nhà nghiên cứu đưa các tiến bộ kỹ thuật trực tiếp vào sản xuất, chưa thương mại hóa các sản phẩm khoa học - công nghệ. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quỹ riêng mà các nước gọi là quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư cho khoa học - công nghệ nên các DN rất lúng túng trong việc trang bị, áp dụng khoa học công nghệ. Chúng ta vẫn còn phải làm rất nhiều điều để thực hiện được Nghị định 210 của Chính phủ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. |
Chúng ta phải thu hẹp sản xuất hay phải chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác? Thật ra vấn đề chính ở đây là phải tạo ra được giá trị gia tăng. Lần bước vào ngưỡng cửa thực hiện TPP, của cộng đồng ASEAN mới này, DN phải là lực lượng chủ công. Nhà nước phải hỗ trợ, bảo vệ, tiếp sức cho DN; hỗ trợ cho nông dân, gắn nông dân với DN để khi mở ra thị trường là chúng ta chiếm lĩnh được; để bắt đầu bước vào cạnh tranh là chúng ta ở vào lợi thế tay trên. Toàn bộ hệ thống chính trị phải có sự chủ động, nhất là của từng doanh nhân, từng nông dân, từng cộng đồng để giành ưu thế trong trận đánh mới này.
Hiện nay vẫn còn nhiều rào cản về mặt chính sách để thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo ông, những rào cản nào cần gỡ ngay để tạo điều kiện cho khu vực này phát triển?
- Điều đầu tiên là chính sách về đất đai. Muốn tích lũy đất đai, DN phải đàm phán với từng hộ dân để mua lại quyền sử dụng đất rồi ra các cơ quan công quyền làm thủ tục thuê lại đất họ đã mua. Việc nắm giữ hàng chục, hàng trăm sổ đỏ rất phức tạp và rủi ro cho DN. Thứ 2 là chuyện vốn, DN không dễ vay được vốn lớn vì những sổ đỏ mua từ người dân khó trở thành tài sản thế chấp. Tiếp cận nguồn vốn dài hạn để trang bị máy móc, thay đổi kết cấu hạ tầng... lại càng khó khăn. Thứ 3 là về mặt khoa học công nghệ, DN còn yếu, khả năng tổ chức lấy lực lượng nghiên cứu riêng là chưa có.
Xin cám ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)