Để rõ hơn về tiến trình cổ phần hóa, rút vốn tại các doanh nghiệp sao cho hiệu quả, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Ông Trần Kim Chung |
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải nhanh chóng tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước. Để rõ hơn về tiến trình cổ phần hóa, rút vốn tại các doanh nghiệp sao cho hiệu quả, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Các doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn, theo ông lộ trình này phải thực hiện như thế nào để đem lại hiệu quả?
- Theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả các doanh nghiệp Nhà nước đều phải tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước. Tuy nhiên, các quy trình trên phải làm theo lộ trình và có sự chuẩn bị kỹ càng để đem lại hiệu quả cao nhất. Cụ thể, các doanh nghiệp phải xây dựng được đề án đổi mới khả thi. Trong đề án phải nêu rõ được ai làm gì?, việc gì ưu tiên làm trước, việc gì làm sau; nguồn lực, vốn, nhân lực để thực hiện.
Trong tái cơ cấu doanh nghiệp, muốn đạt hiệu quả phải chọn được nhân tố con người thích hợp có quyết tâm cao và phải vừa làm vừa căn chỉnh, bổ sung thêm cho phù hợp. Đồng thời, quá trình thực hiện phải kiên định mục tiêu đề án đã đặt ra và thực hiện theo lộ trình, không để xảy ra tình trạng đi nửa đường thấy khó thì quay lại. Mục tiêu của việc tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước nhằm gỡ bỏ rào cản để các doanh nghiệp trong nước hoạt động trên cùng một mặt bằng, không còn những ưu ái hay ràng buộc về chính sách, trách nhiệm. Còn quá trình thoái vốn Nhà nước nên làm theo trật tự, từ từ, tránh tình trạng rút vốn ồ ạt có thể gây lỗ và khó khăn cho doanh nghiệp.
Ở Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, về lâu dài khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại khác, mô hình này còn phù hợp?
- Hiện nay, tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong cả nước có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con khá hiệu quả. Song, đó là khi Hiệp định TPP và một số hiệp định thương mại khác chưa được ký kết, còn khi các hiệp định thương mại đã ký kết và có hiệu lực thì các doanh nghiệp nên thay đổi để phù hợp với hội nhập. Để việc thay đổi mô hình công ty mẹ - công ty con thành các tập đoàn kinh tế lớn mạnh có tầm ảnh hưởng quốc gia, khu vực và đủ sức vươn ra thế giới, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp, tổng công ty phải có sự chuẩn bị sớm để không bỏ lỡ cơ hội.
Trong tái cơ cấu doanh nghiệp, nhiều chuyên gia hay nhắc đến việc hình thành các tập đoàn kinh tế để tăng sức cạnh tranh và vươn ra thị trường thế giới. Theo ông, liệu đây có phải là mô hình hiệu quả nhất?
- Trên thế giới, các tập đoàn kinh tế đã hình thành từ lâu và có sự đóng góp đáng kể về kinh tế - xã hội cho mỗi quốc gia cũng như kinh tế toàn cầu. Năm 2011, tổng doanh thu của 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới là 42 ngàn tỷ USD, chiếm 59% GDP toàn cầu. Hiện nay, trong điều kiện toàn cầu hóa để tồn tại, phát triển và mở rộng ra thị trường thế giới thì việc hình thành các tập đoàn kinh tế là một xu hướng tất yếu. Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều theo đuổi mục tiêu hình thành các tập đoàn kinh tế để mở rộng thị trường, tạo sức cạnh tranh quốc gia. Tại Việt Nam chưa có mô hình sẵn cho việc thành lập tập đoàn kinh tế nên phải vừa học vừa làm. Nhưng để hoạt động hiệu quả, các tập đoàn kinh tế phải quản trị tốt, lựa chọn được các chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể gì cho việc thành lập các tập đoàn kinh tế để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam?
- Tại Việt Nam, tập đoàn kinh tế cũng manh nha hình thành từ năm 1980, trong đó có một số tập đoàn kinh tế Nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân. Hoạt động của các tập đoàn kinh tế này đang có những tác động lớn, đa chiều đến nền kinh tế trong nước với cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Nguyên nhân cơ bản là do chúng ta chưa có chính sách cụ thể cho các tập đoàn kinh tế. Vì thế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đang tiến hành thảo luận với các tỉnh thành, trao đổi với các ban, ngành, doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân các vấn đề lý luận, thực tiễn về tập đoàn kinh tế để trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ những định hướng giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)