Gần đây, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh kinh doanh rất khó khăn, một số tiểu thương tạm đóng cửa vì bán không có lời. Phóng viên Báo Đồng Nai có trao đổi với ông DƯƠNG DUY HƯNG, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công thương), về vấn đề duy trì chợ truyền thống hiệu quả.
Ông Dương Duy Hưng. Ảnh: H.Giang |
Gần đây, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh kinh doanh rất khó khăn, một số tiểu thương tạm đóng cửa vì bán không có lời. Phóng viên Báo Đồng Nai có trao đổi với ông DƯƠNG DUY HƯNG, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công thương), về vấn đề duy trì chợ truyền thống hiệu quả.
Hoạt động của loại hình chợ truyền thống tại Đồng Nai ngày càng bị thu hẹp, nhiều tiểu thương phải tạm ngưng kinh doanh vì ế ẩm. Theo ông, muốn chợ truyền thống hoạt động sôi nổi trở lại, tiểu thương phải làm gì?
- Trước tiên, tôi khẳng định là chợ truyền thống không bao giờ mất đi, vì người dân Đồng Nai cũng như cả nước có thói quen ăn sâu vào tiềm thức là thích sử dụng thực phẩm tươi sống, dễ mua, nhanh, thuận lợi nhất. Điều này chỉ có chợ truyền thống đáp ứng được. Hiện nay, chợ truyền thống bị thu hẹp là do nhu cầu phát triển của xã hội, nhiều gia đình không có thời gian đi chợ thường xuyên. Nếu các tiểu thương tại chợ truyền thống nắm bắt được nhu cầu này, thay đổi phương pháp kinh doanh cũ có thể vẫn giữ được nhiều khách hàng cũ và thêm khách hàng mới. Như tại TP.Hồ Chí Minh, một số chợ truyền thống vẫn hoạt động tốt là nhờ tiểu thương thay đổi cách kinh doanh, thay vì ngồi đợi khách thì nay họ nhận đưa hàng miễn phí đến tận nhà, thậm chí sẵn sàng sơ chế thực phẩm.
Tại Đồng Nai, khá nhiều chợ tự phát mọc lên lấn át cả chợ truyền thống được quy hoạch bài bản, dù tỉnh đã ra sức dẹp nhưng vẫn không dẹp nổi. Theo ông, loại chợ này phải xử lý ra sao mới dẹp được tận gốc?
- Đây là vấn đề bức bối ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là những vùng có công nghiệp phát triển. Theo tôi, trước tiên chính quyền địa phương phải xem xét lại mạng lưới quy hoạch chợ. Những chợ tự phát nào mà nhu cầu mua bán của người dân cao, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị có thể đưa vào quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Còn những chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an ninh trật tự và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chính quyền địa phương phải mạnh tay xử lý thật nghiêm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về tình trạng gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ tự phát để người dân nâng cao ý thức, bỏ thói quen mua bán dễ dãi ngay tại lề đường.
Chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu dễ mua, cung cấp nhiều hàng tươi sống cho người tiêu dùng. (ảnh chụp tại chợ Sặt, TP.Biên Hòa). |
Sắp tới Bộ Công thương sẽ “số hóa” chợ truyền thống, giúp tiểu thương nâng cao sức cạnh tranh với các siêu thị, trung tâm mua sắm. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Hiện nay, Bộ Công thương đang tiến hành đề án số hóa các chợ truyền thống trên cả nước. Cụ thể, sẽ tổng hợp tất cả các thông tin về chợ truyền thống trên cả nước và số hóa trên trang mạng của Bộ. Như vậy, người tiêu dùng muốn tìm hiểu về chợ truyền thống tại địa phương nào chỉ cần truy cập vào đây sẽ có thông tin đầy đủ, các quầy hàng, mặt hàng được bán tại chợ và giá cả một số mặt hàng tiêu dùng chính. Nhờ vậy, người tiêu dùng sẽ mua được các mặt hàng đúng giá, hoặc có thể tìm hiểu kỹ, so sánh mặt hàng mình cần mua giữa chợ này với chợ khác trên cùng địa bàn để chọn nơi mua cho phù hợp, ít mất thời gian. Đồng thời, tạo thuận lợi cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến vùng nào đó có nhu cầu mua sắm đặc sản tươi sống tại địa phương có thể tìm đến các chợ truyền thống.
Cả nước hiện có hơn 2 ngàn chợ truyền thống lớn nên Bộ Công thương đang nhanh chóng triển khai đề án này nhằm giúp duy trì chợ truyền thống một cách văn minh, hiện đại và thu hút được nhiều người tiêu dùng đến mua sắm.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)