Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước: Đại tướng sống mãi trong tâm trí của chúng tôi và cả dân tộc này

10:10, 12/10/2013

Trong căn nhà của Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng thời chống Mỹ, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ở nơi trang trọng nhất, cao nhất là ảnh Bác Hồ, kế tiếp là ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Lê Bá Ước thắp nhang tưởng niệm Đại tướng.
Đại tá Lê Bá Ước thắp nhang tưởng niệm Đại tướng.

Trong căn nhà của Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng thời chống Mỹ, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ở nơi trang trọng nhất, cao nhất là ảnh Bác Hồ, kế tiếp là ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong nhà ông còn lưu giữ nhiều hình ảnh, kỷ vật với Đại tướng.

Vị Đại tá già 83 tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, rưng rưng nước mắt nói: “Sáng ngày 5-10, khi cầm trên tay tờ báo đăng trân trọng tin kèm ảnh Đại tướng đã đi xa, tôi hết sức bàng hoàng, xúc động và cảm giác hụt hẫng. Với tôi, đó là buổi sáng thứ bảy u buồn, ảm đạm dẫu biết rằng không ai thoát khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử.  Đại tướng đã thọ trên trăm tuổi nhưng chúng tôi vẫn hằng ước muốn Đại tướng sống thật lâu”. 

*  Ấn tượng lần đầu tiên Đại tá gặp Đại tướng?

- Tháng 8-1996, tôi trong đoàn cán bộ lão thành của Đồng Nai được Tỉnh ủy cho đi tham quan và nghỉ dưỡng ở miền Bắc. Khi đến Hà Nội, được biết ngày 25-8 là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ thời chống Pháp, tôi đã rất ngưỡng mộ Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, nên tìm đến nhà số 30 Hoàng Diệu để chúc mừng Đại tướng. Khi đến nhà Đại tướng, tôi thấy có nhiều đoàn đến chúc mừng đem theo hoa, bức trướng…còn riêng tôi chỉ mặc bộ quân phục. Tôi xúc động khi lần đầu tiên trực diện thấy Đại tướng tóc bạc trắng như cước, dáng đi khoan thai, nụ cười phúc hậu. Khi nghe đồng chí bí thư riêng của Đại tướng giới thiệu tôi từ miền Nam ra, nguyên là Trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, đơn vị có nhiều thành tích vang dội thời đánh Mỹ, Đại tướng đến siết chặt tay tôi, mời ngồi và thăm hỏi rất nhiều chuyện, từ Đoàn 10 đến cá nhân tôi. Tôi có báo cáo Đại tướng về việc tại nhà riêng có lập bàn thờ hơn 800 liệt sĩ đặc công Rừng Sác để hàng năm anh em về họp mặt tưởng niệm. Nghe vậy, Đại tướng quay sang nói với đồng chí bí thư riêng là ghi rõ địa chỉ nhà tôi và ngày họp mặt. Tiễn tôi ra về, xuống đứng trước bậc thềm nhà, Đại tướng ôm hôn tôi và chụp ảnh kỷ niệm. Một cuộc gặp mặt Đại tướng chỉ khoảng 30 phút nhưng sao trong tôi dạt dào niềm vui sướng. Tôi rất ấn tượng trước sự ân cần, giản dị và hết sức thân mật của Người Anh Cả.

* Còn về những lần về gặp mặt sau này, dường như Đại tá và phu nhân còn có dịp trở lại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu?

- Năm 2005, vợ chồng tôi ra Hà Nội có đến nhà số 30, đường Hoàng Diệu thăm Đại tướng. Biết vợ tôi cũng là một chiến sĩ đặc công Rừng Sác và là thương binh, Đại tướng thăm hỏi, dặn dò rất chu đáo. Vợ chồng tôi đều chung cảm nghĩ là khi đến thăm Đại tướng, chúng tôi như những người con ở xa về thăm nhà, thăm cha, rất ấm cúng, nặng ân tình. Trước đó, vào năm 2000 tôi đã được chụp hình chung với Đại tướng ngay trước dinh Thống Nhất khi Đại tướng vào dự lễ kỷ niệm 25 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lần nào gặp Đại tướng đều để lại trong tôi cảm xúc đặc biệt, rất khó tả.

“Vừa qua, đồng chí Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng đến thăm tôi cho biết từ nhiều năm qua, anh chị em có lập bàn thờ hơn 800 liệt sỹ của trung đoàn đã anh dũng hy sinh tại Chiến khu Rừng Sác thời kỳ đánh Mỹ tại nhà riêng đồng chí Trung đoàn trưởng của mình, và hàng năm, ngày 22-12 đều có họp mặt kỷ niệm. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự gắn bó yêu thương nhau trong tình đồng chí đồng đội, nhắc nhở phát huy truyền thống chiến thắng vẻ vang của Trung đoàn đặc công anh hùng trong chiến tranh mà nổi bật là những chiến công oanh liệt, như: trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè, nhận chìm nhiều tàu giặc trên sông Lòng Tàu…

Nhân dịp này, nhờ các đồng chí thắp giúp tôi mấy nén hương để tỏ lòng vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ đến các liệt sỹ của Trung đoàn…

(Trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gởi: Các đồng chí cựu chiến binh Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng nhân cuộc họp mặt hàng năm. Hà Nội, 14-12-1996)

*  Kỷ niệm đặc biệt nào mà khi nhớ về Đại tướng, Đại tá nghĩ đến  đầu tiên?

- Tôi không ngờ Đại tướng đã cao tuổi, tuy nghỉ hưu từ lâu cũng rất bận rộn và phải tiếp khách đến thăm thường xuyên, nhưng vẫn dành sự quan tâm đến cựu chiến binh đơn vị đặc công thời đánh Mỹ ở miền Nam. Năm 1996, sau lần gặp Đại tướng ở nhà riêng Hà Nội, khi gần đến ngày tưởng niệm hơn 800 liệt sĩ đặc công Rừng Sác, tôi nhận được thư thăm hỏi của Đại tướng gửi các đồng chí cựu chiến binh Đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng nhân cuộc họp mặt hàng năm. Gần đây là giáp Tết Tân Mão 2011, tôi nhận được thư của Đại tướng gửi đến nhà riêng của tôi, bên trong là một thiệp chúc xuân có kèm chữ ký của Đại tướng. Có ai biết, Người Anh Cả của lực lượng vũ trang Việt Nam đã bước qua tuổi 100, nhưng vẫn còn nhớ tới và gửi thiệp tết đến cho một chiến sĩ của mình. Cảm động vô cùng!

*  Vậy còn trong chiến tranh thì sao, thưa Đại tá?

- Tôi tham gia cách mạng rất sớm, vào năm 1945 khi mới 15 tuổi. Xa nhà, xa người thân nên tôi rất gắn bó với đồng đội. Thời đánh Pháp, tôi là một Trung đội trưởng của bộ đội địa phương Cần Thơ luôn sẵn sàng xông pha chiến đấu, 20 tuổi tôi đã được kết nạp Đảng. Thời đánh Pháp rồi chống Mỹ, trong tâm thức tôi, hình ảnh Bác Hồ và vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp luôn là niềm tin, là lý tưởng sống, thúc đẩy tôi sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

* Dư luận trong nước và thế giới đều dành cho Đại tướng sự tiếc thương và cảm phục, riêng Đại tá thì sao?

- Tất cả những gì diễn ra trong mấy ngày qua đã nói lên tất cả. Dòng người dài không ngớt đến từ nhiều vùng miền cả nước, đặc biệt là các cháu thanh thiếu niên đã đứng xếp hàng để chờ vào viếng Đại tướng tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Một sự mất mát rất lớn đối với dân tộc ta. Cả nước vô cùng thương tiếc sự ra đi của Đại tướng. Thế giới cũng đã dành những lời tốt đẹp nhất, trân trọng nhất ca ngợi và tiếc thương về sự ra đi của Đại tướng. Tôi nghĩ, Đại tướng  sẽ sống mãi trong tâm trí của chúng tôi và của cả dân tộc này.

Vợ chồng tôi đều chung cảm nghĩ là khi đến thăm Đại tướng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu - Hà Nội, chúng tôi như những người con ở xa về thăm nhà, thăm cha, rất ấm cúng, nặng ân tình.

*  Thưa Đại tá, với tuổi đời và bề dày hoạt động binh nghiệp của mình, ông có đúc kết gì cho riêng mình?

- Ở tuổi 83, đã trải qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc: chống Pháp và đánh Mỹ; tin tưởng đi theo Đảng, Bác Hồ và Người Anh Cả của lực lượng vũ trang Việt Nam, tôi đúc kết kinh nghiệm của cả đời mình rằng: Tôi trung phải biết tìm minh vương mà phò. Quân dũng phải biết tìm tướng giỏi mà theo.

*  Xin cảm ơn Đại tá!

Xuân Phú (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều