Trong dân gian thường lưu truyền rằng dùng cao hổ, sừng tê giác, ngà voi, mật gấu... chữa được bách bệnh. Thực hư về vấn đề này được phóng viên Báo Đồng Nai trao đổi với GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về khoa học - giáo dục Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Trong dân gian thường lưu truyền rằng dùng cao hổ, sừng tê giác, ngà voi, mật gấu... chữa được bách bệnh. Thực hư về vấn đề này được phóng viên Báo Đồng Nai trao đổi với GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về khoa học - giáo dục Ủy ban MTTQ Việt Nam. Ông cho biết:
- Theo lời đồn đại, không ít gia đình có người bệnh đã bỏ ra từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng chỉ để mua một miếng cao hổ, sừng tê giác, mật gấu cho chữa bệnh. Vì tin đồn thất thiệt này mà không ít gia đình đã tiền mất, tật vẫn mang.
Nhiều lời đồn thổi về sừng tê giác, cao hổ, mật gấu, ngà voi có thể chữa được bệnh ung thư, đau nhức xương khớp, tim mạch... Thực hư việc này ra sao, thưa ông?
- Tôi tham gia nghiên cứu về sinh vật học nhiều năm và cũng từng nghiên cứu nhiều sách đông tây kim cổ, nhưng chưa nghe nói dùng các loại động vật hoang dã quý hiếm trên sẽ chữa được bệnh ung thư hay các bệnh nan y khác. Chẳng qua đây chỉ là chiêu làm giàu bất chính của một nhóm người. Họ tung ra các tin đồn về công dụng của sản phẩm động vật hoang dã khiến mọi người truyền tai nhau, tin tưởng là dùng các sản phẩm này chữa được nhiều loại bệnh. Do đó, không ít người đã bỏ ra một số tiền rất lớn để mua các sản phẩm từ động vật hoang dã với ngộ nhận chữa được bệnh. Nhưng có những người dùng sản phẩm động vật hoang dã bị dị ứng, ngộ độc phải đi cấp cứu gần mất mạng.
Ông có thể nói rõ hơn về đặc tính của một số sản phẩm từ động vật hoang dã để mọi người không còn ảo tưởng với loại “dược liệu” này?
- Việc đồn thổi dùng một số sản phẩm động vật hoang dã chữa được bách bệnh mới chỉ có ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. Đây là khoảng thời gian thu nhập của người dân tăng lên và nhu cầu thể hiện đẳng cấp bằng hàng xa xỉ xuất hiện. Nếu lời đồn là đúng, tại sao từ thời xưa đến nay chưa có và các nước khác không có cơn sốt này? Theo y văn cổ, sừng tê giác có tính thanh nhiệt, tác dụng tương tự sừng trâu. Các lời đồn thổi dùng sừng tê giác có tác dụng chữa ung thư, giải rượu, cường dương mới có gần đây, không có căn cứ. Nguồn sừng tê giác đa số được vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam (ở nước ta loài này đã tuyệt chủng). Tại Nam Phi, sừng tê giác có từ 2 nguồn là trộm cắp từ viện bảo tàng hoặc săn bắt trộm trong tự nhiên. Cả 2 nguồn này đều có độc vì viện bảo tàng dùng chất ướp bảo quản, còn sừng trong tự nhiên chính quyền Nam Phi bắt đầu tiêm chất độc vào sừng để bảo vệ loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nam giới tính nóng, dùng sừng tê giác tính lạnh uống cùng rượu có thể gây mất hỏa trong người, dẫn đến liệt dương hoặc tử vong. Mật gấu không có tác dụng chữa bệnh nên uống vào có thể gây ngộ độc, nhiễm độc gan. Cao hổ cũng chẳng có tác dụng chữa bệnh hay tăng sức khỏe cho người lớn tuổi như lời đồn đại.
Nhiều người cho là ăn thịt động vật hoang dã tốt cho sức khỏe. Vì vậy, thịt động vật hoang dã trở thành những món ăn đặc sản đắt tiền. Theo ông, thịt động vật hoang dã có thực sự tốt cho sức khỏe?
- Đây cũng chỉ là những lời đồn thổi thiếu căn cứ. Theo nghiên cứu của thế giới thì việc phát sinh các căn bệnh gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới là SARS, HIV đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Do đó, ăn thịt động vật hoang dã nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Ngoài ra, ăn thịt động vật hoang dã dẫn đến các loài này trong tự nhiên bị mất dần, có nguy cơ tuyệt chủng, phá vỡ đa dạng sinh học. Nếu một loài đó trong tự nhiên bị mất đi, chuỗi mắt xích trong đa dạng sinh học bị phá vỡ, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Môi trường mất cân bằng sẽ làm cho biến đổi khí hậu nhanh hơn và thiệt hại khó lường.
Theo tôi, hiện nay y học khá phát triển, mỗi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp. Không nên sử dụng sản phẩm động vật hoang dã để tiếp tay cho những kẻ buôn lậu, hậu quả là tiền mất tật mang và môi trường sống ngày càng bị phá hủy.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)