Báo Đồng Nai điện tử
En

Đạo diễn phim tài liệu Trần Lan Phương: Cái đẹp nhất với tôi chính là sự giản dị của cuộc sống

10:09, 20/09/2013

Từng học điện ảnh và làm việc tại Pháp, Trần Lan Phương đã chọn cho mình con đường đi khác, gai góc hơn: đạo diễn phim tài liệu độc lập.

Từng học điện ảnh và làm việc tại Pháp, Trần Lan Phương đã chọn cho mình con đường đi khác, gai góc hơn: đạo diễn phim tài liệu độc lập. Thay vì trở thành một phần của nền showbiz hoành tráng, nữ đạo diễn gốc Biên Hòa, con gái nhà thơ Hiền An Giang, lại chìm đắm với những khuôn phim tài liệu. Chị nhặt nhạnh, ghi lại từng hơi thở của những số phận, đổi thay của vùng đất, xúc cảm của cuộc sống… để thể hiện bằng âm thanh, hình ảnh, thước phim.

* Từng học múa, học thanh nhạc bài bản, học đạo diễn tại Việt Nam, điều gì lại khiến chị khăn gói sang Pháp để trở thành một đạo diễn phim tài liệu?

- Trước đây, khi mới vào nghề, tôi cũng bị hấp dẫn bởi phim truyện, đó là một thế giới lấp lánh hào nhoáng và rất hấp dẫn. Năm 2003, khi đang là sinh viên năm cuối Trường cao đẳng sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, tôi có cơ duyên bắt tay vào bộ phim tài liệu đầu tiên Lời tự tình của dòng sông. Bộ phim cũng chính là tấm giấy thông hành giúp tôi nhận được học bổng đi Pháp. Sang đó, tôi tiếp tục học ngành đạo diễn với chương trình đào tạo chuyên nghiệp, trang bị cho mình nhiều kỹ năng: làm phim truyện, phim tài liệu, quảng cáo, truyền hình, dựng phim, âm thanh, quay phim... Nhưng tôi nhận ra rằng, những điều mình mơ mộng trước đây không phải là thứ đẹp nhất. Với tôi, cái đẹp nhất chính là sự giản dị của cuộc sống. Nét đẹp từ những sự vật, con người rất đỗi bình thường gợi lên những cảm giác rung động mà tôi có thể tái hiện, khắc họa bằng phim tài liệu. Với tôi, phim tài liệu là “đỉnh cao” của riêng mình: vừa có hiện thực cuộc sống, vừa có tính nghệ thuật.

* Phim tài liệu vốn là một lĩnh vực khó nhằn, đặc biệt với phụ nữ. Theo chị, làm phim tài liệu khác biệt gì so với những thể loại khác?

- Khó khăn thì rất nhiều. Ở nước ngoài, phụ nữ làm đạo diễn phim tài liệu khá nhiều, trong khi tại Việt Nam thì rất ít. Đồng nghiệp thực hiện phim tài liệu một cách độc lập lại càng ít, thêm vào đó là những khó khăn khách quan về phương tiện làm việc. Nhưng tôi không lấy đó làm buồn, vì tôi vẫn có thể tác nghiệp tốt trong thời gian qua.

Sự khác biệt của phim tài liệu là người đạo diễn phải biết quên mình đi, thay vào đó là sự uyển chuyển bám sát hiện thực cuộc sống đang diễn ra trước mắt, chọn lọc xem cái gì là giá trị cốt lõi để ghi lại và lưu giữ.

* Để làm được phim, chị phải tự tìm kinh phí hoặc từ sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Lợi nhuận từ phim tài liệu quá ít, có khi nào khiến chị nản lòng?

- Làm phim tài liệu quả thật rất tốn kém bởi sự dông dài, vô định về thời gian thực hiện. Bản thân tôi không thể xoay đủ kinh phí để trang trải cho nhiều bộ phim, với nhiều ý tưởng. Đến giờ này, hầu hết các phim của tôi đều được duyệt và tài trợ kinh phí sản xuất từ các trung tâm hỗ trợ điện ảnh quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nhà sản xuất độc lập. Khi có ý tưởng và kịch bản hay, tôi gửi trực tiếp đến các tổ chức đó. Từ hàng trăm đề tài, ý tưởng làm phim tài liệu của các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, các nhà tài trợ chỉ quyết định đầu tư kinh phí cho vài chục, thậm chí vài dự án. Chạy đua với hàng trăm kịch bản khác và nhận được “cái gật đầu” của họ đôi lúc không hề đơn giản.

Đến nay, tôi chưa nghĩ đến việc kiếm nhiều tiền từ phim tài liệu. Nếu muốn kiếm tiền, tôi đã chọn lĩnh vực khác. Lúc mới về Việt Nam, nhiều nhà sản xuất phim truyền hình có nhã ý mời tôi tham gia làm phim truyện nhiều tập với thù lao rất cao, công việc lại có vẻ nhàn hơn, nhưng tôi đã không chọn hướng đi này. Có lẽ tôi trót nặng lòng với phim tài liệu.

*  Sau những tháng ngày đeo đuổi việc làm phim tài liệu, chị còn trăn trở điều gì?

- Tham việc là một tính khó sửa đối với tôi. Cũng chính vì vậy tôi luôn ấp ủ nhiều dự án cùng với ước mong thực hiện cho bằng được. Trong số đó, phim Cát bay - một dự án nói về những người dân bị thảm sát ở Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) là dự án để lại cho tôi nhiều trăn trở nhất. Tôi chưa thể hoàn thành được vì mắc kẹt về kinh phí. Nó như một món nợ và tôi nhất định sẽ tìm cách hoàn thành.

* Vì sao chị xem phim tài liệu là “món nợ”?

- Một trong những điều khiến tôi yêu và say mê phim tài liệu là bởi chúng cho phép tôi được chạm vào cuộc sống, vào con người một cách chân thực nhất, sống động nhất. Đôi khi bản thân mình còn có cơ may trở thành một phần trong số phận của họ. Câu chuyện về một người đàn ông liệt một chân, quanh năm ở trần làm nghề vớt xác người chết ở ngã bảy Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) là một ví dụ. Anh ta có vợ con nhưng bị gia đình vợ chối bỏ, buồn chán nên đêm xuống là bầu bạn với... rượu. Trong quá trình làm phim về anh, cùng ngồi đối ẩm với anh, tôi mới biết được tình cảnh éo le suốt 8 năm anh không gặp vợ, nhận con. Tôi kéo anh đi thuyết phục gia đình vợ để cha con anh đoàn tụ. Cũng thật vất vả nhưng đến khi nhìn gia đình anh đoàn tụ, tôi cũng hạnh phúc không kém. Những chuyến đi tác nghiệp đã tạo cơ hội cho tôi gần gũi hơn với đời sống văn hóa dân gian, với những con người, vùng đất lịch sử... một cách sống động và chân thực.

* Trên thế giới, phim tài liệu được đánh giá rất cao, trong khi ở Việt Nam lại ít được chú trọng. Cảm giác của chị ra sao?

- Ở nước ngoài, phim tài liệu là món ăn tinh thần rất phổ biến vì chúng mang tính thời sự và gần gũi với cuộc sống, phim tài liệu giúp công chúng hiểu biết về chính trị xã hội, văn hóa, lịch sử, con người một cách chính xác nhất. Trong khi đó, công chúng Việt Nam không được tạo thói quen xem và thưởng thức phim tài liệu. Đa phần phim ảnh Việt Nam thiên về giải trí. Phim tài liệu không đem lại lợi nhuận ở thị trường Việt Nam, do đó các nhà sản xuất không mặn mà, chỉ có các đài truyền hình hoặc vài hãng phim vốn nhà nước thỉnh thoảng được cấp kinh phí định mức cho mảng này.

Theo tôi, nghề làm phim tài liệu có lẽ đã chọn tôi và tương lai tôi vẫn mong ước đi đến tận cùng sự đam mê đó.

* Yếu tố nào chị thường sử dụng làm con bài chủ trong phim và từ đâu chị có những ý tưởng cho ra những tác phẩm độc đáo?

Trần Lan Phương là đạo diễn thuộc thế hệ 7X, sinh ra và lớn lên ở TP. Biên Hòa. Chị là một trong những đạo diễn phim tài liệu Việt Nam được đào tạo bài bản ở nước ngoài (Trường điện ảnh École Nationale Supérieure des Métiers de l’image et du son - La Femis, Pháp). 13 năm với 35 bộ phim, trong đó có những đề tài tạo nên những tác động tâm lý mạnh đối với người xem và được sử dụng trong các chương trình giảng dạy tại Mỹ, có thể kể đến: Khóc mướn, Make up cho người chết, Tiếng chuông đen, Ký ức mùi quê... Tác phẩm của chị từng được giải thưởng và trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế dành cho phim tài liệu tại một số nước, như: Pháp, Mỹ, Ba Lan, Canada, Bỉ...

- Con người. Bao giờ con người cũng là trung tâm trong các tác phẩm của tôi. Tôi luôn muốn phim của mình hướng đến những cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi lang thang tìm họ qua nhiều kênh thông tin khác nhau, như: báo chí, sách vở, tư liệu hoặc người quen.

Khi gặp gỡ những nhà làm phim tài liệu quốc tế hoặc công chúng từng xem phim của tôi, điều khiến tôi nhận thức rõ nhất không chỉ đơn thuần là những thông điệp từ phim, mà đằng sau đó là sự giao thoa giữa các nền văn hóa mà chúng tôi cùng chia sẻ.

*  Với chị, hạnh phúc của một nghệ sĩ là gì? Dự định tiếp theo của chị?

- Tôi chưa từng xem mình là người nổi tiếng và không cần tự đánh bóng bản thân bằng cách bước sâu vào giới showbiz. Chính vì vậy, tôi cũng chưa từng chạnh lòng vì chuyện có hay không có sự xưng tụng của đám đông. Tôi hạnh phúc vì được làm việc, cho ra đời những tác phẩm ưng ý. Khi trình chiếu chúng, khán giả cười - khóc với phim của tôi, với hiện thực cuộc sống ẩn mình trong vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa. Sự đồng cảm đó là giá trị hạnh phúc lớn nhất đối với một nhà làm phim như tôi.

Tôi vẫn sẽ theo đuổi phim tài liệu, làm nhiều và làm sâu hơn. Tôi từng có ý định làm một dự án phim về cuộc sống dọc sông Đồng Nai, ấp ủ đó sẽ thành hiện thực khi có đủ điều kiện.

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều