Hơn 10 năm trước, một người phụ nữ đã đến Long Thành - Đồng Nai tìm đất trồng cây dược liệu trinh nữ hoàng cung để làm nguyên liệu bào chế thuốc trị u xơ trong sự nghi hoặc của nhiều người.
Hơn 10 năm trước, một người phụ nữ đã đến Long Thành - Đồng Nai tìm đất trồng cây dược liệu trinh nữ hoàng cung để làm nguyên liệu bào chế thuốc trị u xơ trong sự nghi hoặc của nhiều người. Giờ đây, sản phẩm Crila bào chế từ cây trinh nữ hoàng cung đã có mặt trong hầu hết các nhà thuốc, bệnh viện tại Việt Nam, thậm chí, còn vào được cả thị trường dược phẩm có tiếng là khó tính nhất như Hoa Kỳ. Nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau đó là cả một chặng đường dài “nằm gai, nếm mật” của một trong những nhà khoa học nữ nổi tiếng trong ngành dược Việt Nam - tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm.
* Bà là con gái của GS . TSKH - Anh hùng lao động Nguyễn Văn Trương - người đã sáng lập Viện Kinh tế sinh thái, viện dân lập đầu tiên ở nước ta không có bao cấp của Nhà nước. Người cha nổi tiếng ấy có vai trò gì trong sự lựa chọn của bà khi dấn thân vào nghiên cứu thuốc?
- Tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ giáo dục gia đình, đặc biệt là từ bố tôi. Ông là người yêu thiên nhiên, yêu cây cối, là Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái, ông đã từng lập ra 13 làng sinh thái khắp miền Bắc và miền Trung. Tôi cũng theo đó mà có tình cảm đặc biệt với cây cỏ quanh mình, nên khi ông muốn tôi trở thành dược sĩ, tôi thấy đúng với mong muốn của mình và quyết định theo nghề. Quan niệm “cây thuốc của nước Nam phải được dành để chữa bệnh cho người nước Nam” từ lâu đã có trong tôi, nên năm 1970, khi vừa tốt nghiệp Trường đại học dược Hà Nội, tôi đã chiết xuất thành công tinh dầu từ cây húng chanh để có nguyên liệu sản xuất thuốc ho cho trẻ em trong những năm chiến tranh chống Mỹ, trước khi đi Bulgaria du học.
* Bà nổi danh với thuốc Crila - viên thuốc đầu tiên trên thế giới chữa u xơ tử cung được bào chế từ các hoạt chất sinh học của cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam và đã trải qua chặng đường gian nan 14 năm trời, phải bán cả tài sản bao năm chắt chiu dành dụm để nghiên cứu và để sản phẩm được thừa nhận. Bà rút ra điều gì cho bản thân?
- Tôi bắt đầu nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung từ năm 1990, đến tận năm 2004 mới được thừa nhận và phân phối rộng rãi trên thị trường. Không thể nói hết những khó khăn thử thách trong chặng đường 14 năm ấy, bởi việc thay đổi nhận thức của cộng đồng bác sĩ đã quen với điều trị Tây y rằng Đông dược và y học cổ truyền cũng rất tốt là cả một vấn đề. Khi sản phẩm ra đời, cộng đồng y học phản biện quyết liệt. Tôi còn nhớ câu nói của một vị đứng đầu ngành phụ sản tại một bệnh viên lớn thời kỳ đó: “Crila mà chữa được u xơ tử cung thì có họa là thuốc tiên!”. Nghe thấy buồn nhưng càng quyết tâm hơn, và tôi đã làm được. Crila đã được chứng minh có hiệu quả điều trị đạt 89,18% đối với bệnh u xơ tuyến tiền liệt và 79,5% đối với bệnh u xơ tử cung. Tôi rút ra được rằng, chỉ có niềm đam mê dựa trên lòng tin tưởng vào nghiên cứu mới có thể dẫn dắt tôi vượt qua chừng ấy khó khăn. Tuy vậy, lòng tin đó phải dựa trên kiến thức và sự nghiên cứu kỹ càng, khoa học, không được mơ hồ.
* Thuốc nội - thuốc ngoại cho đến nay vẫn gây nên một cuộc tranh cãi nảy lửa về chất lượng và giá cả. Quan điểm bà ra sao?
- Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng thuốc nội, thường rơi vào 2 nguyên nhân: nguyên liệu chưa đạt hoặc cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt trong sản xuất thuốc, cơ sở sản xuất cần phải đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Để tạo ra những sản phẩm thuốc chuẩn mực thì rất cần sự khuyến khích của báo chí, của người tiêu dùng để tạo sức sống cho thuốc nội, bởi chất lượng tốt và có giá thành hợp lý, phù hợp với thu nhập của người lao động Việt Nam.
* Bà có từng chán nản không khi suốt mười mấy năm ròng, sản phẩm không làm ra một đồng lợi nhuận? Điều gì khiến bà kiên định đến thế trên con đường của mình?
- Như đã nói, khó mà kể hết những khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm của mình ra công chúng. Khi từ Bulgaria về, bao nhiêu tài sản chắt bóp từ nước ngoài, tôi bán hết lấy tiền nghiên cứu. Vẫn không đủ, tôi bán luôn đất đai, tài sản mà gia đình có, chỉ giữ lại đúng một nếp nhà nhỏ mà gia đình tôi sinh sống hàng chục năm nay. Ngay cả khi sản phẩm đã được công nhận, một thời gian dài cũng không có lợi nhuận. Tôi không chạnh lòng, không băn khoăn vì ngay từ đầu, đó không phải là mục đích của tôi. Có lẽ lòng đam mê thực sự đã được nhen nhóm từ thơ bé của tôi đã cho tôi lòng kiên định để theo đuổi đến cùng mục đích. Phần khác, tôi cũng rất may mắn khi có người bạn đời hiểu về công việc của tôi và chia sẻ những khó khăn mà tôi gặp phải trên chặng đường nghiên cứu.
* Theo bà, khó khăn lớn nhất của một phụ nữ làm khoa học là gì? Bà ấp ủ và ao ước điều gì trong cuộc đời nghiên cứu của mình?
- Tôi cũng gặp những khó khăn như bao người phụ nữ có sự nghiệp khác. Đó là phải hết sức cố gắng mới có thể sắp xếp được thời gian và tâm trí dành cho gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái, trong khi việc nghiên cứu thì không bao giờ là nhẹ nhàng cả.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm tại vườn dược liệu ở huyện Long Thành. |
Ngoài Crila chữa u xơ tử cung, tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thuốc từ các loại dược liệu Việt Nam. Crila đã vào được thị trường Mỹ và sắp tới sẽ vào thị trường Nga, Thái Lan, Hungary… Tôi cũng mong mỏi Crila sẽ được phổ biến toàn cầu. Sau này, khi có thu nhập từ nguồn bán Crila ra thị trường dược phẩm quốc tế, đủ điều kiện tài chính, tôi muốn xây dựng một bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân nghèo bị bệnh ung bướu. Tuy nhiên, tôi biết điều này là chuyện lâu dài. Trước mắt, sự thiếu thốn về đất đai để trồng dược liệu là khó khăn lớn vì nhà máy và vườn dược liệu ở huyện Long Thành hiện không còn đủ chỗ, tôi mong được UBND tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh lân cận có thể cho thuê đất để mở rộng vườn dược liệu trinh nữ hoàng cung.
* Các thế hệ học trò của bà có tiếp tục tâm huyết của bà không? Bà nghĩ thế nào về đội ngũ những người làm khoa học trẻ hiện tại? Họ có gì và thiếu gì?
Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1947, thực hiện luận án tiến sĩ tại Bulgaria. Tháng 12 -2007, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã được nhận giải thưởng Kovalevskaia, một giải thưởng thường niên dành tặng cho những nữ khoa học gia xuất sắc. Đến năm 2012, bà được nhận giải thưởng nhà nước về khoa học - công nghệ cho “Cụm công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam (Crinum latifolium L.)”. |
- Một thực tế đáng buồn là những lớp dược sĩ trẻ sau này bận tâm chuyện cơm áo nhiều hơn là dấn thân vào nghiên cứu. Họ thiếu đam mê. Nhưng theo tôi, điều này cũng một phần do nguyên nhân khách quan: vật chất hạn hẹp; thông tin thiếu; cơ sở hạ tầng để nghiên cứu thiếu… Cần một sự hỗ trợ rất thiết thực cho việc này mới có thể khuyến khích thế hệ trẻ dấn thân, bởi không phải nghiên cứu nào cũng thành công, mà có những công trình phải được tiếp nối qua nhiều thế hệ.
* Có giới hạn nào trong nghiên cứu khoa học không? Bà đã có dự định nghỉ ngơi chưa?
- Giới hạn đó, với cá nhân tôi là sức khỏe. Tuy nhiên, tôi xác định mình sẽ tiếp tục làm, tiếp tục nghiên cứu đến khi nào không còn sức. Tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Sắp tới, tôi cùng các cộng sự của mình vẫn sẽ nghiên cứu dược liệu Việt Nam, tập trung cho những căn bệnh thời đại có chi phí điều trị đắt đỏ với mong muốn người nghèo vẫn có thể được điều trị với chi phí rẻ hơn. Và khi thuốc đến với thật nhiều người, tôi mới không cảm thấy công sức mình bị lãng phí.
Xin cảm ơn bà!
Kim Ngân (thực hiện)