Trong năm 2012, Cuộc vận động “Vì người nghèo” của tỉnh đề ra mục tiêu huy động 150 tỷ đồng, nhưng mới 9 tháng, toàn tỉnh đã huy động được hơn 190 tỷ đồng.
Ông Vy Văn Vũ |
Trong năm 2012, Cuộc vận động “Vì người nghèo” của tỉnh đề ra mục tiêu huy động 150 tỷ đồng, nhưng mới 9 tháng, toàn tỉnh đã huy động được hơn 190 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, đồng chí Vy Văn Vũ, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban vận động Ngày Vì người nghèo của tỉnh cho biết:
Năm nay vì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên chủ trương của Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ phát hành một lần thư ngỏ vào tháng cao điểm “Vì người nghèo”, từ 30-4 đến 19-5-2012. Do vậy, các phương thức vận động cho cuộc vận động đã được chuyển hướng sang việc tăng cường tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú, rộng rãi trong các cuộc họp tại địa bàn dân cư, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động ở các cơ quan, đơn vị... Hơn nữa, qua chặng đường hơn 10 năm, tính nhân văn cao đẹp của cuộc vận động đã được khẳng định, uy tín của Mặt trận được nâng lên, nên dù tình hình kinh tế có bị suy thoái nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất quan tâm chia sẻ, đồng hành với cuộc vận động.
* Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả đã đạt được?
- Cuộc vận động “Vì người nghèo” của tỉnh năm nay không còn nhiều doanh nghiệp tham gia đóng góp, ủng hộ với số tiền lớn nhưng lại huy động được nhiều thành phần khác tham gia. Vì vậy, kết quả chỉ 9 tháng qua, toàn tỉnh đã vận động được hơn 190 tỷ đồng. Trong đó, các cá nhân và tổ chức đã ủng hộ trực tiếp tại cộng đồng dân cư, thông qua các hình thức dân giúp dân, trợ giúp vốn làm ăn, trao tặng học bổng, vốn, cây, con giống, xây dựng nhà tình thương... được hơn 145 tỷ đồng và ủng hộ trực tiếp vào quỹ “Vì người nghèo” được hơn 45 tỷ đồng.
* Từ năm 2009, 11/11 huyện, thị, thành trong tỉnh đã được công nhận xóa nhà dột nát, nhưng vì sao đến nay tỉnh vẫn chưa đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng công nhận xóa nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh, thưa đồng chí?
- Mỗi địa phương khi đề nghị lên cấp trên công nhận xóa nhà dột nát đều được Ủy ban MTTQ tỉnh xét thấy cần phải rà soát kỹ vấn đề này. Mặt khác, do chuẩn hộ nghèo của tỉnh ngày càng được nâng cao, nên số hộ nghèo tiếp tục tăng và do tách hộ nên lại phát sinh số nhà dột nát cần phải được giúp đỡ xây dựng.
Theo khảo sát vào đầu năm 2012, toàn tỉnh còn trên 1.500 căn nhà dột nát, nhà tạm cần được giúp đỡ xây dựng. Để kịp thời xóa số nhà dột nát, nhà tạm này, vừa qua tỉnh đã vận động Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam giúp đỡ xây dựng 1 ngàn căn nhà tình thương, với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Hiện nay, các huyện đang nỗ lực triển khai chương trình này và tích cực mở rộng hình thức vận động “3 tại chỗ” (gia đình, dòng họ, cộng đồng), đồng thời trích thêm từ quỹ “Vì người nghèo” của địa phương để đảm bảo mỗi căn nhà được xây dựng có trị giá ít nhất 30 triệu đồng.
* Vậy thưa đồng chí, Cuộc vận động “Vì người nghèo” của tỉnh thời gian tới được tiếp tục thực hiện như thế nào?
- Nguồn lực của Cuộc vận động “Vì người nghèo” thời gian qua trên địa bàn tỉnh được tập trung chủ yếu vào việc xây dựng nhà tình thương, bởi thế đến nay việc xây dựng nhà tình thương cho người nghèo của tỉnh đã tạm ổn. Do đó, thời gian tới Cuộc vận động “Vì người nghèo” của tỉnh sẽ được chuyển hướng sang thực hiện các chương trình an sinh xã hội, góp phần vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Cuộc vận động sẽ tiến hành giúp đỡ người nghèo bằng nhiều biện pháp, như: hỗ trợ vốn, cây, con giống, kiến thức làm ăn... để người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, theo phương châm: cho người nghèo cần câu để câu con cá.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Phương Hằng (thực hiện)