Tại lễ khởi công dự án khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng do Bộ Quốc phòng phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào ngày 9-8, Đại sứ đặc mệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn báo chí về vấn đề hợp tác khắc phục các điểm nóng dioxin tại Việt Nam giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam...
Ông David Shear |
Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức khởi công dự án khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào ngày 9-8. Dịp này, Đại sứ đặc mệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, trong đó có Báo Đồng Nai, về những vấn đề liên quan đến việc hợp tác khắc phục các điểm nóng dioxin tại Việt Nam giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Đại sứ cho biết:
Chúng ta có mặt ở đây hôm nay là để hướng về tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng bắt đầu từ bây giờ chúng tôi có thể làm sạch chất độc này. Ngoài ra, chúng tôi vẫn kiểm soát những khu vực bị ô nhiễm dioxin khác, cụ thể, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở sân bay Biên Hòa.
Thông qua hoạt động của USAID, chúng tôi đang hỗ trợ cải thiện các điều kiện y tế và xã hội tại Đà Nẵng, bao gồm: hỗ trợ về y tế, giáo dục và dạy nghề cho người khuyết tật không phân biệt nguyên nhân khuyết tật. Từ tháng 10-2008 đến nay, USAID đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, như: Tổ chức Đông Tây hội ngộ, Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Hội Trợ giúp người khuyết tật tại Việt Nam để hỗ trợ cho gần 11 ngàn người khuyết tật và gia đình họ, như: kiểm tra sức khỏe, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp xe lăn, máy trợ thính, việc làm... Ngay khi khởi động dự án này, chúng ta mong muốn làm được nhiều hơn nữa. Vào cuối tháng 9-2012, sẽ có một chương trình mới mang tên “Dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho người khuyết tật” sẽ được triển khai ở Việt Nam, tiếp tục những nỗ lực xây dựng cách tiếp cận toàn diện và lồng ghép để đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật.
* Có phải điều đó đồng nghĩa với việc nước Mỹ chịu trách nhiệm về chất độc da cam và những nạn nhân của nó?
- Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này ở Việt Nam. Chương trình ngày nay là kết quả của nhiều năm nỗ lực của Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam, hai bên đã cùng nhau sát cánh làm việc trong nhiều năm trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau để đạt đến cột mốc này. Chúng tôi dự định nỗ lực hết mình cùng với người dân Việt Nam để làm sạch chất độc này. Chúng tôi cam kết sẽ làm sạch chất độc này và giúp đỡ người dân.
Ngay lúc này, chúng ta hãy đơn giản là cùng nhau chào mừng thành công đã mang chúng ta đến với nhau. Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã phát biểu khi thăm Việt Nam tháng 10 năm ngoái, dioxin trong đất ở đây là “một di sản” của quá khứ đau thương mà chúng ta chia sẻ. Dự án chúng ta khởi động hôm nay là “một dấu hiệu của tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng”. Cả hai nước chúng ta đang tiến hành những bước đầu tiên để chôn vùi những “di sản” của quá khứ.
Khởi công dự án khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng |
* Ngài có thể cho biết chính xác thời gian sẽ tiến hành khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa - nơi được xác định là ô nhiễm dioxin nghiêm trọng nhất trong các điểm nóng dioxin ở Việt Nam?
- Dự án khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng có kinh phí khoảng 41 triệu USD, hy vọng sẽ hoàn tất vào năm 2016. Hiện tại, chúng tôi không có đủ khả năng để cùng lúc loại hết chất độc da cam ở tất cả các điểm nóng tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ xem xét kết quả xử lý ở sân bay Biên Hòa (sân bay Biên Hòa đã được xử lý ô nhiễm bằng biện pháp chôn lấp - PV) cũng như ở đây để tiến hành tốt hơn ở những điểm tiếp theo. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam, UNDP và các nhà tài trợ khác chuẩn bị cho một đợt đánh giá môi trường tại điểm nóng sân bay Biên Hòa.
Để có thể tiến hành khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa như đang tiến hành tại sân bay Đà Nẵng, chúng tôi cần được sự đồng ý cho phép của Chính phủ Việt Nam cũng như các sự hỗ trợ khác. Chúng tôi cũng cần phải có sự khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm, khu vực ô nhiễm, khối lượng đất và trầm tích cần được làm sạch, từ đó lên kế hoạch về tài chính. Nói tóm lại, là cần phải có một lộ trình.
* Xin cảm ơn ngài Đại sứ!
Thanh Thúy (thực hiện)