Từ cuối tháng 5-2012, một số chỉ tiêu thống kê về kinh tế từ cấp xã, huyện, tỉnh có thay đổi. Việc thay đổi này khiến các huyện, thị, thành trong tỉnh gặp khó trong việc đưa ra những chính sách phát triển kinh tế. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Quang, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai.
Ông Nguyễn Xuân Quang |
Từ cuối tháng 5-2012, một số chỉ tiêu thống kê về kinh tế từ cấp xã, huyện, tỉnh có thay đổi. Việc thay đổi này khiến các huyện, thị, thành trong tỉnh gặp khó trong việc đưa ra những chính sách phát triển kinh tế. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Quang, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai.
* Thưa ông, theo Thông tư 02 của Bộ Kế hoạch và đầu tư thì Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện, thị, thành có nhiều thay đổi làm ảnh hưởng đến việc hoạch định kinh tế của các địa phương?
- Theo Hệ thống chỉ tiêu thống kê mới thì một số chỉ tiêu thống kê trước đây như việc tính GDP (tổng sản phẩm trong nước) cấp huyện, xã sẽ bỏ và chỉ tính GDP ở cấp tỉnh. Theo đó, các xã, huyện, thị, thành sẽ không tính được thu nhập bình quân đầu người/năm.
* Thưa ông, tại sao lại phải bỏ việc tính GDP ở cấp huyện, xã để làm ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển của địa phương?
- Việc bỏ tính GDP cấp xã, huyện, thị, thành theo tôi thấy là hợp lý. Vì GDP là giá trị mới của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, GDP được tính theo giá thực tế và giá so sánh. Trong đó, giá thực tế thường được dùng để nghiên cứu cơ cấu kinh tế, mối quan hệ tỷ lệ giữa các ngành trong sản xuất, mối quan hệ giữa kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách… Do đó, tính GDP ở cấp huyện, xã sẽ không chính xác. Cụ thể, hàng hóa sản xuất trong xã, trong huyện nhưng lại tiêu thụ ở nơi khác, hoặc hàng hóa từ nơi khác đưa về địa phương sơ chế rồi chuyển qua nơi khác để xuất khẩu. Nếu các huyện, thị, thành tính GDP thì chẳng khác nào một đôi giày 3 huyện cùng sản xuất, mỗi nơi chỉ sản xuất một chi tiết, song cả 3 nơi đều tính mình sản xuất 1 đôi giày. Như vậy, thực tế chỉ có một đôi giày nhưng cộng lại sẽ thành 3 đôi giày. Nếu đem GDP ra tính bình quân đầu người sẽ không chính xác.
* Dù việc tính GDP cấp huyện, cấp xã chưa được chính xác, nhưng tính GDP thì mới biết được thu nhập bình quân đầu người/năm ở từng huyện, xã để tỉnh có chính sách đầu tư cho phù hợp?
- Đây cũng là khó khăn mà các địa phương đang phản ảnh. Vì không biết được thu nhập bình quân đầu người/năm ở các huyện, xã rất khó có chính sách đầu tư phát triển kinh tế cho phù hợp. Hiện nay, Cục Thống kê đang tổng hợp những khúc mắc của các huyện, thị, thành để đề xuất tỉnh có hỗ trợ điều tra thêm phục vụ cho phát triển sản xuất ở từng vùng trong tỉnh.
* Thưa ông, một nội dung nữa là vì sao lại chuyển giá cố định từ năm 1994 sang giá cố định năm 2010, khiến nhiều địa phương gặp khó vì các chỉ tiêu kinh tế đều được Đảng bộ các cấp tính theo năm 1994?
- Tôi nghĩ tính giá trị của các ngành theo giá cố định năm 1994 là đã quá cũ, thay đổi qua giá cố định năm 2010 sẽ phù hợp hơn. Tuy việc chuyển đổi tính giá cố định sang năm 2010, các địa phương phải mất nhiều thời gian tính toán để chuyển đổi, chỉnh sửa các Nghị quyết cho phù hợp, song việc này giúp các địa phương có đánh giá chính xác hơn về sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Từ đó các địa phương sẽ có những quyết sách để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)