Trên địa bàn Đồng Nai, tình hình dịch bệnh tay chân miệng diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những tháng đầu năm. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết:
- Bộ Y tế vừa phát động Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh tay chân miệng nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, đồng thời đề nghị chính quyền các cấp vào cuộc để giảm số ca mắc, hạn chế số ca tử vong.
Bs. Huỳnh Cao Hải |
Trên địa bàn Đồng Nai, tình hình dịch bệnh tay chân miệng diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những tháng đầu năm. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, bác sĩ HUỲNH CAO HẢI, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết:
- Bộ Y tế vừa phát động Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh tay chân miệng nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, đồng thời đề nghị chính quyền các cấp vào cuộc để giảm số ca mắc, hạn chế số ca tử vong.
Trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 1-5, có gần 1.300 ca, trong đó 2 ca tử vong. Từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4, số ca mắc tuy đã chựng lại, nhưng vẫn ở mức cao. Đáng mừng là trong thời gian này chưa có thêm ca tử vong nào…
* Bộ Y tế dự báo đỉnh dịch năm nay sẽ vào tháng 9 và 11. Xin ông cho biết, tỉnh và ngành sẽ làm gì để khống chế dịch bệnh này?
- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm của tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này. Hiện ngành y tế đã phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh, trong đó hết sức chú ý đến bậc học mầm non.
TP.Biên Hòa là địa bàn có số ca mắc bệnh cao nhất và đây cũng là địa bàn có sự cam kết trách nhiệm phối hợp giữa y tế với giáo dục để tổ chức các kế hoạch về phòng chống bệnh, thông qua việc đẩy mạnh công tác xử lý môi trường ở khu dân cư, nhà trẻ, mẫu giáo.
Đồng thời, các ngành cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông để giáo viên và người dân kịp thời phát hiện các biểu hiện của bệnh để sớm đưa các cháu đi điều trị.
* Trong đánh giá của Bộ Y tế có nêu: 10 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai) còn nhiều hạn chế trong công tác chuyên môn, điều trị, để xảy ra số ca tử vong cao. Ngành rút kinh nghiệm gì cho công tác này?
- Đúng là năm ngoái, tình trạng bệnh trên địa bàn có diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong cao so với nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, cần phải hiểu, Đồng Nai là tỉnh có dân số đông, nếu tính tỷ lệ số ca tử vong (26 ca) trong tổng số hơn 5 ngàn ca mắc là không cao. Hơn nữa, đặc thù của Đồng Nai là có lượng lao động nhập cư lớn, đời sống của đại bộ phận lao động này còn nghèo, điều kiện chăm sóc con cái có nhiều hạn chế… là nguyên nhân khiến số ca mắc tăng cao.
Chăm sóc một trẻ bị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P. Liễu |
Tuy nhiên, ngành cũng rút kinh nghiệm từ mùa dịch năm ngoái để đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn cho bác sĩ bệnh viện tuyến huyện và cán bộ y tế ở các trạm y tế về công tác chẩn đoán, phân độ và điều trị; yêu cầu bệnh viện tuyến dưới với những ca nặng, ca chẩn đoán không rõ phải chuyển ngay về bệnh viện tuyến tỉnh.
* Thưa ông, tay chân miệng chỉ là một bệnh nhiễm, nhưng vì sao ngành lại phải tổ chức hẳn một chiến dịch mang tầm quốc gia, điều mà trước đây chưa từng có?
- Hiện, bệnh tay chân miệng đang diễn biến từng ngày, nhưng nhận thức của người dân về bệnh lại chưa cao, nhiều người vẫn lơ là, chủ quan, đặc biệt là bệnh này chưa có vaccine phòng ngừa. Vì thế, ngành phát động chiến dịch nhằm mục đích đánh thức ý thức phòng bệnh của cộng đồng và kéo các cấp, các ngành, mỗi gia đình vào cuộc. Chủ đề của chiến dịch là “Hãy trao yêu thương, đừng trao mầm bệnh” và thông điệp gửi đến mọi người là: Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước sạch nhiều lần trong ngày.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)