Báo Đồng Nai điện tử
En

Trước cơn lốc phát triển: Gìn giữ một Sài Gòn 3000 năm lịch sử

08:06, 14/06/2011

Làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa đã đẩy nhiều tài sản vô giá của TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) đến sát bờ vực hủy hoại. Sự "biến mất" của công viên Chi Lăng, vườn treo 100 tuổi của thành phố, hay sự xóa sổ tiệm cà phê Givral, nơi ghi đậm những dấu tích của hòn ngọc Viễn Đông... là những ví dụ đau lòng.

TS. Nguyễn Thị Hậu.

Làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa đã đẩy nhiều tài sản vô giá của TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) đến sát bờ vực hủy hoại. Sự "biến mất" của công viên Chi Lăng, vườn treo 100 tuổi của thành phố, hay sự xóa sổ tiệm cà phê Givral, nơi ghi đậm những dấu tích của hòn ngọc Viễn Đông... là những ví dụ đau lòng. Làm thế nào để TP.HCM phát triển nhưng vẫn bảo tồn được những di sản văn hóa vật chất, gìn giữ được những di sản tinh thần? TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cùng chia sẻ những suy nghĩ của mình qua bài phỏng vấn dành cho Báo Đồng Nai...

 

* PV: Chúng ta thường nghe đến một Sài Gòn - TP.HCM hơn 310 năm tuổi. Nhưng trong nhiều công trình nghiên cứu, chị thường nói đến một Sài Gòn 3000 năm. Chị có thể phác họa những nét cơ bản về bề dày lịch sử của địa phương này...

 

- TS. Nguyễn Thị Hậu: Nói Sài Gòn 3000 năm tuổi là vì vùng đất này có nhiều di tích khảo cổ học thuộc văn hóa khảo cổ Đồng Nai, niên đại từ khoảng 3000. Ví dụ như di chỉ Bến Đò (quận 9) niên đại C14 là 3000 ± 100 năm cách ngày nay. Khu vực huyện Cần Giờ có một hệ thống gần 30 di tích khảo cổ phân bố trong vùng rừng ngập mặn, niên đại kéo dài từ 3000 - 1500 năm cách nay. Hệ thống di tích khảo cổ học vùng đất Sài Gòn cho biết con người đã có mặt ở đây từ rất sớm, họ sống trên các gò đất cao ven sông rạch. Vùng biển Cần Giờ có thể là một "cảng thị sơ khai" với nhiều dấu tích giao thương với những trung tâm văn hóa cổ ở Đông Nam Á hải đảo, với Ấn Độ và với cả Nam Trung Quốc. Giao thương bằng đường biển, đường sông giữ vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của cả miền Đông Nam bộ. Có thể coi Cần Giờ - Sài Gòn là "mặt tiền" của miền Đông Nam bộ trong việc giao thương và phát triển kinh tế - văn hóa trong thời kỳ tiền sử.

 

Hệ thống các di tích khảo cổ học vùng đất Sài Gòn trong sự phát triển của văn hóa Đồng Nai còn là một nguồn cội bản địa quan trọng của văn hóa Óc Eo - Phù Nam. Từ đầu công nguyên đến khoảng thế kỷ VI, VII, vùng đất này còn là một tiểu vùng của văn hóa Óc Eo (mà trung tâm là miền Tây Nam bộ).

 

* Sài Gòn - TP.HCM đang phát triển. Mà phàm cái gì phát triển cũng phải bỏ lại sau lưng một số thứ. Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu, chị nghĩ  gì về điều này?

 

- Phát triển và bảo tồn luôn có "mâu thuẫn" không dễ giải quyết ở nhiều quốc gia, nhất là những khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Diện tích đất đai bị khai thác tối đa vào các mục đích kinh tế, dấu tích ít ỏi của con người thời tiền - sơ sử đang dần biến mất sau hoạt động khai thác đất đai. Dấu tích trong lòng đất của các đô thị cổ xưa cũng bị phá hủy không thương tiếc, nhường chỗ cho những công trình hoành tráng về quy mô, lộng lẫy về trang trí và hiện đại về kiến trúc. Tại các đô thị, di tích trên mặt đất cũng đang bị đặt lên "bàn cân"  giữa bảo tồn và di dời giải tỏa cho quy hoạch một thành phố, đô thị hiện đại hơn.

 

Trụ sở UBND TP.HCM cũng là một công trình kiến trúc đẹp cần được bảo vệ.

Nhìn lại sự phát triển của TP.HCM trong vài thập kỷ qua, điều dễ dàng nhận thấy là vẻ đẹp của sự quy hoạch đồng bộ, lâu dài, của phong cách kiến trúc sang trọng mà tiện dụng, của những chi tiết trang trí thanh thoát mà ấn tượng... đang dần biến dạng, biến mất, do nhiều nguyên nhân. Ngành kiến trúc và quy hoạch cũng đã nói nhiều về tình trạng này: quản lý đô thị chưa đúng tầm, nhận thức chưa đầy đủ về di sản văn hóa thời thuộc địa, quy hoạch phát triển thành phố chưa mang tầm chiến lược... Những công trình trên mặt đất thì như vậy. Còn những dấu tích trong lòng đất thì sao?

 

Từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời và thực thi, tại TP.HCM chưa có một công trình xây dựng nào trong khu vực đô thị cổ Sài Gòn - Chợ Lớn nói trên mà ngành khảo cổ học thành phố được thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, trong việc khai quật khảo sát trước khi xây dựng. Trong cơn lốc hiện đại hóa, nhiều công trình đang và sẽ xây dựng nhưng không được khảo sát về khảo cổ học. Như vậy, nhiều di tích, di vật không còn cơ hội cất lên tiếng nói của lịch sử với thế hệ mai sau. Đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh lại không tuân thủ quy hoạch cũng như chưa có hoạch định rõ ràng. Các vùng ngoại ô có tiềm năng về khảo cổ học như các quận 2,  9, 12, Thủ Đức, Hóc Môn, các huyện Củ Chi, Cần Giờ... cần được đặt trong bản đồ khảo cổ học chung của miền Đông Nam bộ để thấy được mức độ quan trọng của khu vực này.

 

* Những nét đặc trưng nào của Sài Gòn, mà theo chị, nên hoặc nhất định phải gìn giữ, phát huy...

 

- Hiện nay cần chú ý bảo tồn ngay hệ thống những di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích lịch sử - văn hóa thể hiện đặc trưng của một đô thị Sài Gòn từ thế kỷ XVII, XVIII đến giữa thế kỷ XX.

 

Giai đoạn hình thành Bến Nghé - Sài Gòn phản ảnh quá trình tụ cư nhanh chóng của người Việt, người Hoa. Trong quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp... lưu dân đã duy trì những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa, đền, miếu, hội quán... xây dựng trong khoảng 300 năm nay thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng cư dân và những sinh hoạt tinh thần của họ. Không gian văn hóa "trên bến dưới thuyền" cũng là một nét tiêu biểu của cảng thị Sài Gòn thời cận đại.

 

Nhà thờ Đức Bà - một công trình kiến trúc đẹp của Sài Gòn cần được bảo tồn.

Giữa thế kỷ XIX, Sài Gòn bắt đầu phát triển theo kiểu đô thị phương Tây. Các dự án thiết kế và xây dựng Sài Gòn chủ yếu dọc theo cảng Bến Nghé, những gò đất cao quanh đó mọc lên các công trình và trở thành khu trung tâm của thành phố. Chợ Lớn khi đó là trung tâm sản xuất thủ công của người Hoa. Khoảng đầu thế kỷ XX, Chợ Lớn cũng dần được đô thị hóa nhưng vẫn mang sắc thái thương mại buôn bán của "khu phố Tàu". Sài Gòn - Chợ Lớn nối liền với nhau (bằng hai trục chính là đường Trần Hưng Đạo và đường 3 tháng 2 ngày nay), song vẫn là hai khu vực: Sài Gòn chủ yếu là trung tâm chính trị - văn hóa còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hóa nông sản từ miền Tây lên hoặc đưa về miền Tây. Di sản văn hóa ở khu vực Chợ Lớn không chỉ là chùa, miếu, hội quán hay những lễ hội đặc trưng của người Hoa, mà còn là những khu phố cổ, những dãy nhà kiến trúc điển hình nhà phố chợ của người Hoa dọc bến Bình Đông. Còn ở khu vực Sài Gòn là những phố, hẻm của những biệt thự xinh xắn mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn.

 

Sài Gòn - Chợ Lớn trở thành một đô thị - thương cảng kiểu phương Tây: phát triển những ngành nghề dịch vụ, hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hóa đô thị, khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở, các thiết chế văn hóa đô thị (thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động...). Những kiến trúc lớn như trụ sở Công ty vận tải biển Hoàng Gia (Bến Nhà Rồng), Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát thành phố, Bảo tàng thành phố, Bảo tàng Lịch sử, Tòa án, trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố... trở thành những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và cho đến nay không hề lạc hậu dù đã hơn một thế kỷ trôi qua.

 

* Xin cám ơn chị về cuộc trao đổi này.

Thanh Huyền (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều