Từ ngày 1-7, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 do Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 (ngày 15-11-2010) có hiệu lực thi hành, thay thế cho Luật Thanh tra năm 2004. Ngày 24-6, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra năm 2010 trên phạm vi cả nước để các cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định của Luật Thanh tra mới.
Từ ngày 1-7, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 do Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 (ngày 15-11-2010) có hiệu lực thi hành, thay thế cho Luật Thanh tra năm 2004. Ngày 24-6, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra năm 2010 trên phạm vi cả nước để các cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định của Luật Thanh tra mới. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh những quy định, những điểm mới của Luật Thanh tra 2010, ông Trần Trung Nhân - Phó Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết:
Luật Thanh tra năm 2010 kế thừa nhiều nội dung của Luật Thanh tra năm 2004, đồng thời có bổ sung những nội dung mới, đã giải quyết căn bản các vấn đề cốt lõi về hoạt động thanh tra và quản lý nhà nước về công tác thanh tra, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thanh tra năm 2004. Quan điểm chủ yếu thể hiện trong Luật Thanh tra năm 2010 là hoạt động thanh tra không chỉ chú trọng việc phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý hành vi vi phạm pháp luật mà còn phải giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tích cực chủ động phòng ngừa sai phạm và khắc phục những hạn chế, thiếu sót để hoạt động hiệu quả hơn; xác định rõ vị trí, vai trò của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, phương thức hoạt động thanh tra, sự phối hợp của các cơ quan thanh tra, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.
* Vậy, Luật Thanh tra năm 2010 có những điểm gì mới so với Luật Thanh tra năm 2004?
- Luật Thanh tra năm 2010 có rất nhiều điểm mới, điểm khác biệt so với Luật Thanh tra hiện hành, nhưng trong đó thể hiện tập trung chủ yếu ở 3 vấn đề sau:
Về tổ chức bộ máy, hệ thống cơ quan Thanh tra, Luật Thanh tra năm 2010 không phân định tổ chức cơ quan Thanh tra Nhà nước thành lập theo cấp hành chính, theo ngành, lĩnh vực như hiện nay, mà chỉ quy định về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, bao gồm cơ quan Thanh tra Nhà nước (Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, Thanh tra cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh Tra sở; Thanh tra cấp huyện thuộc tỉnh...) và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo đó, chỉ có một số tổng cục, cục thuộc các bộ, ngành trung ương và một số chi cục thuộc sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Như vậy, về tổ chức bộ máy thanh tra chuyên ngành trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi rất lớn. Như sắp tới tổ chức thanh tra ở một số cơ quan, đơn vị sẽ không còn, như: Thanh tra Cục Thuế tỉnh, Thanh tra Cục Hải quan, Thanh tra Ban Quản lý các Khu công nghiệp… Việc thay đổi này nhằm nâng cao tính hệ thống của các cơ quan Thanh tra Nhà nước, đồng thời xác định rõ đối tượng thanh tra, phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan Thanh tra Nhà nước với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, khắc phục sự trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Đặc biệt, hoạt động thanh tra chuyên ngành là một trong những nội dung rất mới trong hệ thống pháp luật về thanh tra và có thể nói đây là cuộc cách mạng trong việc tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra ở các tổng cục, cục thuộc bộ và chi cục thuộc sở. Theo Luật Thanh tra năm 2010, để tránh việc thành lập các cơ quan Thanh tra ở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Luật Thanh tra khẳng định rõ các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập mà hoạt động thanh tra ở các cơ quan này do thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện, tức là thủ trưởng có trách nhiệm trực tiếp xây dựng kế hoạch thanh tra, quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra, cử cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kết luận thanh tra. Hoạt động thanh tra của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do chính công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đó thực hiện. Quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, các công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, được quyền xử phạt vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định, hành vi của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nhà nước, Luật Thanh tra năm 2010 đã bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn nhằm nâng cao tính chủ động, tính độc lập tương đối cho các cơ quan Thanh tra, như: quyền ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Chánh Thanh tra các cấp, ngành; việc kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của thủ trưởng cơ quan quản lý cấp dưới thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kết luận thanh tra; quyết định thanh tra lại vụ việc đã được thủ trưởng cơ quan quản lý cấp dưới của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp đã kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật… và quy định rõ phạm vi thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh trong việc thanh tra đối với các doanh nghiệp Nhà nước do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quyết định thành lập.
Ngoài những vấn đề trên, Luật Thanh tra 2010 còn có một số điểm mới khác, như: quy định về hình thức thanh tra; về điều kiện tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, trưởng đoàn thanh tra…
* Với Luật Thanh tra mới, người dân cần quan tâm đến vấn đề gì, thưa ông?
- Trong hoạt động thanh tra có hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Trong đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành có tác động trực tiếp đến người dân, nên việc nắm các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành là cơ sở để công dân thực hiện đúng pháp luật. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc thực hiện pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức ngành thanh tra, góp phần tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội. Khi phát hiện hành vi vi phạm của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì người dân có quyền kiến nghị, phản ánh, tố cáo tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
* Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này.
Phạm Mai