Báo Đồng Nai điện tử
En

Bosch Việt Nam đầu tư nhà máy kỹ thuật cao ở Đồng Nai

08:04, 21/04/2011

Dự án Nhà máy kỹ thuật cao chuyên sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục với vốn đầu tư 30 triệu euro do Tập đoàn Bosch (Đức) đầu tư tại KCN Long Thành vừa chính thức đi vào hoạt động. Theo các chuyên gia, điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ làm thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp ô tô trong nước, mà còn là tiền đề để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe ô tô trong tương lai.

Dự án Nhà máy kỹ thuật cao chuyên sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục với vốn đầu tư 30 triệu euro do Tập đoàn Bosch (Đức) đầu tư tại KCN Long Thành vừa chính thức đi vào hoạt động. Theo các chuyên gia, điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ làm thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp ô tô trong nước, mà còn là tiền đề để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe ô tô trong tương lai. Trao đổi với báo chí, ông VÕ QUANG HUÊ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, cho biết:

 

- Kỷ niệm 125 năm thành lập và 17 năm có mặt ở Việt Nam, Tập đoàn Bosch - nhà cung cấp toàn cầu hàng đầu về công nghệ tiên tiến và các dịch vụ đã chính thức khánh thành nhà máy công nghệ cao chuyên sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục dùng trong hộp số tự động cho ô tô. Nhà máy có diện tích 16.000m2, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 30 triệu euro, giai đoạn 2 đạt 55 triệu euro vào năm 2015. Với khoảng 200 nhân sự, nhà máy hiện là địa chỉ sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục dùng cho hộp số tự động (CVT) cho ô tô kỹ thuật cao của Bosch đầu tiên tại Đông Nam Á và là nhà máy thứ 2 của Bosch trên thế giới (đặt tại Hà Lan). Điều này cho thấy rõ cam kết của Bosch đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

 

* Ông có thể nói rõ hơn về những cam kết đầu tư lâu dài của Bosch tại Việt Nam nói chung và tại Đồng Nai nói riêng?

 

- Bosch đã có lịch sử 125 năm và có mặt ở Việt Nam từ năm 1994, được biết đến trong các lĩnh vực kỹ thuật ô tô và công nghiệp, hàng tiêu dùng và kỹ thuật xây dựng. Năm 2008, Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam được thành lập tại TP.Hồ Chí Minh, có văn phòng chi nhánh ở Hà Nội và chi nhánh sản xuất ở KCN Long Thành. Trong 2 năm 2008 - 2009, Robert Bosch đã triển khai sản xuất dây truyền lực CVT tại một nhà máy tạm trong KCN Long Thành để giữa tháng 4-2011 chính thức đi vào hoạt động với công suất 1,6 triệu dây/năm và mục tiêu đạt 2,3 triệu dây/năm vào năm 2015. Để làm được điều này, chúng tôi tiếp tục nâng mức đầu tư lên 55 triệu euro và tuyển dụng 800 nhân sự. Trước đó, năm 2010, Bosch khánh thành Trung tâm nghiên cứu và sản xuất phần mềm đi vào hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh. Đây là một trong 2 trung tâm của Robert Bosch toàn cầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trung tâm khác đặt tại Ấn Độ).

 

Hiện Việt Nam là thị trường duy nhất tại Đông Nam Á mà Robert Bosch thực hiện cả 3 công đoạn: bán hàng - sản xuất - nghiên cứu. Chính vì thế, Bosch rất chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực. Bosch đã đầu tư 45 euro cho chương trình đào tạo kỹ thuật ngành ô tô cho sinh viên tại Trường Cao Thắng TP.Hồ Chí Minh thông qua việc đóng góp thiết bị, công cụ chẩn đoán để xây dựng cơ sở đào tạo kỹ thuật ô tô, đào tạo giảng viên... Riêng tại Đồng Nai, do việc sản xuất các dây truyền lực CVT hiện đại nhất này yêu cầu chuyên môn hóa rất cao, chúng tôi tuyển chọn nguồn nhân lực tại chỗ, tạo điều kiện cho nguồn nhân lực này tham gia các khóa đào tạo tại công ty, một số được gửi sang châu Âu. Đây cũng là chiến lược địa phương hóa để phát triển tài năng mà Bosch áp dụng.

 

* Lựa chọn đặt nhà máy tại Việt Nam, theo ông, Bosch đã nhìn thấy những thuận lợi lẫn khó khăn khi công nghệ ô tô ở Việt Nam còn quá non trẻ?

 

- Hiện tại, ngành công nghiệp phụ trợ nói chung và công nghiệp ô tô ở Việt Nam còn rất hạn chế nếu không muốn nói quá yếu kém. Bản thân tôi cho rằng, Việt Nam cần có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút nhà đầu tư cũng như có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực giỏi nghề, giỏi ngoại ngữ trong lĩnh vực công nghệ cao.

Sản xuất dây truyền lực CVT của nhà máy Bosch đặt tại KCN Long Thành. Ảnh: T.TRANG

Tuy nhiên, Bosch cho rằng, thiết lập nhà máy ở Việt Nam là điều hấp dẫn, bởi Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng khi hiện nay người dân rất quan tâm đến xe máy và ô tô. Mặc dù ở Việt Nam, Bosch chưa có doanh số cao trong ngành hàng phụ tùng ô tô nhưng kinh doanh trong lĩnh vực phụ tùng ô tô và dịch vụ kèm theo chiếm đến hơn 60% doanh số của Bosch toàn cầu. Đối tượng khách hàng chúng tôi hướng đến là các hãng taxi, dịch vụ vận tải, doanh nghiệp. Ngoài ra, Bosch và các chuyên gia cũng cho rằng, việc ra đời nhà máy là tiền đề để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe ô tô trong tương lai. Với đa số khách hàng sử dụng công nghệ CVT của Bosch tại Đông Nam Á, chúng tôi tin chắc rằng nhà máy tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng mở rộng trong vài năm tới với mục tiêu xuất khẩu sang hai thị trường đầy sôi động là Trung Quốc và Nhật Bản.

 

* Xin cám ơn ông!

 

Thu Trang (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích