Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ cháy rừng đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm

10:03, 06/03/2011

Hiện nay đã vào tháng cao điểm của mùa khô, thời tiết trong tỉnh nắng nóng, khô hanh, rất dễ xảy ra cháy rừng tại các địa phương. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Tô Thành Buông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về các biện pháp cấp bách để phòng chống cháy rừng.

Ông Tô Thành Buông

Hiện nay đã vào tháng cao điểm của mùa khô, thời tiết trong tỉnh nắng nóng, khô hanh, rất dễ xảy ra cháy rừng tại các địa phương. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Tô Thành Buông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về các biện pháp cấp bách để phòng chống cháy rừng.

* Phóng viên: Ông có thể cho biết, ở Đồng Nai, những vùng nào có nguy cơ cháy rừng cao nhất?

- Ông Tô Thành Buông: Tất cả các vùng có rừng hiện đều báo động ở cấp V là cấp nguy hiểm nhất. Nếu cháy rừng xảy ra, thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn nhanh. Tuy nhiên, những khu vực có nguy cơ cháy cao là Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng phòng hộ 600, rừng phòng hộ Tân Phú, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán) và Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ngoài ra, các khu vực rừng trồng của người dân có sản xuất xen các loại cây trồng ngắn ngày nếu không có ý thức bảo vệ cũng rất dễ xảy ra cháy.

* Tỉnh có những biện pháp cấp bách gì để phòng và chống cháy rừng trong điều kiện hiện nay?

- Ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng triển khai các biện pháp bảo vệ rừng như làm đường băng cản lửa (đường bao lô, đường cắt lô), chuẩn bị các phương tiện phòng chống cháy rừng (PCCR) và tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các cấp và người dân vùng gần rừng các biện pháp PCCR. Mùa khô năm 2010-2011, tỉnh đã chuẩn bị kinh phí trên 17 tỷ đồng cho công tác PCCR. Hiện các đơn vị quản lý bảo vệ rừng đã tiến hành làm đường băng cản lửa cho gần 2.500 hécta rừng ở những vùng có nguy cơ cháy cao và chuẩn bị 2.700 dụng cụ các loại xe chở nước, bình xịt máy, bình xịt tay, bình xịt CO2, can đựng nước... để sử dụng trong điều kiện không may xảy ra cháy rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng công an phòng cháy phối hợp với kiểm lâm kiểm tra nghiêm ngặt các vùng trọng điểm. Các đơn vị chủ rừng tuần tra 24/24 giờ ở các vùng trọng điểm cháy, bố trí các chốt, trạm kiên quyết không cho người không có phận sự vào rừng, nghiêm cấm mang các chất dễ gây cháy nổ vào rừng, đặc biệt lưu ý kiểm soát việc đốt dọn rẫy trên địa bàn và các khu vực giáp ranh các tỉnh.

* Tuy không để xảy ra các vụ cháy lớn, song các mùa khô trước trong tỉnh thường xảy ra một số vụ cháy nhỏ thuộc các khu vực rừng trồng gây rất nhiều nguy hiểm. Theo ông, người dân phải làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng như thế?

- Những mùa khô trước để xảy ra một số vụ cháy rừng nhỏ thuộc các khu vực rừng trồng đa số là do người dân bất cẩn trong quá trình đốt cỏ làm rẫy, khiến lửa lây lan gây cháy rừng. Do đó, muốn hạn chế được các vụ cháy rừng kiểu đó, người dân nên tránh đốt cỏ làm rẫy trong các khu vực rừng trồng hoặc các vùng giáp ranh với rừng. Bên cạnh đó, trong các rừng trồng vào cuối mùa mưa hoặc đầu mùa khô, người dân nên cày giữ 2 hàng cây để làm đường băng cản lửa, như vậy sẽ ít khi xảy ra cháy rừng.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều