Báo Đồng Nai điện tử
En

Trong phòng chống ngộ độc thực phẩm:
Tránh những quan niệm sai lầm

04:02, 15/02/2011

Một trong những vấn đề mọi người quan tâm là làm thế nào để phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết các thông tin liên quan.

Một trong những vấn đề mọi người quan tâm là làm thế nào để phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết các thông tin liên quan.

 

* Những loại thực phẩm nào dễ bị ô nhiễm và gây ngộ độc, thưa bác sĩ?

 

- Dễ bị ô nhiễm nhất là các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, như: thịt và các sản phẩm từ thịt; sữa và các sản phẩm từ sữa; trứng và các sản phẩm chế biến từ trứng; thủy sản tươi sống và đã qua chế biến; thực phẩm đóng hộp. Các loại rau, đặc biệt là các loại rau được bón bằng phân bắc dễ bị nhiễm vi sinh: vi trùng, ký sinh trùng; rau được trồng ở vùng bị ô nhiễm nước thải công nghiệp dễ bị ô nhiễm kim loại nặng như: thủy ngân, chì, cadimi... hoặc sử dụng phân bón không dúng quy định dễ bị ô nhiễm hóa chất độc.

 

* Khi bị ngộ độc thực phẩm thường có những dấu hiệu gì?

 

Chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

- Các triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngộ độc. Triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc vài giờ hay vài ngày.

 

Ngộ độc do vi sinh vật biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày ruột (buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy ).

Ngộ độc do hóa chất: tê liệt thần kinh, co giật, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, vận mạch.

 

* Bác sĩ cho biết cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm?

 

- Trong trường hợp rủi ro bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần phải thực hiện các bước sơ cứu sau để kịp thời cứu chữa và hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả đáng tiếc xảy ra như sau:

 

 Nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra trong vòng trước 46 giờ thì lúc đó thức ăn vẫn còn trong dạ dày người bệnh. Vì vậy cần kích thích cho bệnh nhân càng ói nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ngộ độc ra ngoài, và có thể kích thích bằng cách ngoáy nhẹ họng, hoặc cho uống nước muối loãng, nước muối loãng pha 2 muỗng canh muối trong 1 cái ly.

Để cho bệnh nhân nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước của bệnh nhân do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ. Nếu có sẵn một gói orezol thì pha sẵn trong một lít nước, hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì pha sẵn 1/2 muỗng cà phê muối cộng với 4 muỗng canh đường trong một lít nước để bù nước.

 

Nếu thấy bệnh nhân sốt thì sử dụng kháng sinh nhẹ như Sulfaganidine và cho uống than hoạt tính từ 5-10g để hấp thụ chất độc, ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn để đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để tiến hành điều tra xác minh và tổ chức cấp cứu hoặc chuyển viện khi cần thiết.

 

* Bác sĩ có thể cho biết người dân nên tránh những sai lầm nào khi chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cấp tính?

 

- Một số quan niệm sai lầm nên tránh khi bị ngộ độc thực phẩm như: chăm sóc bệnh nhân ngộ độc thực phẩm cấp tính không được sử dụng thuốc chống ói hoặc thuốc tiêu chảy bởi vì ói mửa hoặc tiêu chảy là phản ứng của cơ thể thải chất độc ra ngoài, vì vậy nên cho ra tự nhiên, đặc biệt là những trẻ từ 6-7 tuổi nếu dùng các loại thuốc này hay xảy ra hội chứng lồng ruột hay liệt ruột rất nguy hiểm và đặc biệt chú ý không được gây nôn khi bệnh nhân hôn mê hay bị co giật sẽ dễ bị sặc thức ăn và làm tắt đường thở.

 

* Khi nào cần đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện?

 

- Cần đưa ngay người bị ngộ độc đến bệnh viện trong những trường hợp sau:

 

Bệnh xảy ra trong thời điểm địa phương có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tại vì dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm diễn biến rất nhanh, nên nếu có dấu hiệu tiêu chảy đau bụng hoặc nôn ói trong thời điểm dịch phải chuyển người bị ngộ độc đến bệnh viện ngay.

 

Ngộ độc tập thể: phải chuyển đến bệnh viên các bệnh nhân có triệu chứng tương đối nặng như tiêu chảy nhiều lần, triệu chứng mất nước ngày càng rõ (quan sát bệnh nhân thấy môi, lưỡi khô, miệng khô, da thì giữ lại những vết nhăn khi véo hoặc là rất khát nước, hoặc là đôi khi không uống nước được, hoặc là choáng), có kèm theo các triệu chứng thần kinh như nói nhảm, mắt mờ, co giật, khó thở hoặc hôn mê.

 

Bích Hường (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều