Báo Đồng Nai điện tử
En

Các địa phương chủ động chống hạn

10:02, 14/02/2011

Năm 2010, lượng mưa trên địa bàn tỉnh ít hơn trung bình nhiều năm nên khả năng sẽ xảy ra hạn hán nặng trong mùa khô. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông MAI TRUNG Ý, Trưởng phòng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn - NN-PTNT) về công tác phòng chống hạn cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh.

Ông Mai Trung Ý

Năm 2010, lượng mưa trên địa bàn tỉnh ít hơn trung bình nhiều năm nên khả năng sẽ xảy ra hạn hán nặng trong mùa khô. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông MAI TRUNG Ý, Trưởng phòng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn - NN-PTNT) về công tác phòng chống hạn cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh.

 

* Phóng viên: Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, mùa khô năm nay hạn hán xảy ra trên diện rộng và nặng nề hơn mọi năm. Vậy Sở NN-PTNT đã có những biện pháp gì để giảm bớt thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp?

- Ông Mai Trung Ý: Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, ngay từ đầu mùa khô 2010- 2011, Sở NN-PTNT đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; xây dựng kế hoạch sản xuất ở các vùng cho phù hợp với nguồn nước và điều tiết nước hợp lý tại từng công trình thủy lợi. Đồng thời, có văn bản đề nghị các huyện tăng cường công tác vận động nông dân ở các vùng có nguy cơ thiếu nước cao chuyển đổi cơ cấu cây trồng; sử dụng tiết kiệm nguồn nước, làm đập tạm để trữ nước tưới và chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng, phương tiện, thiết bị phòng, chống hạn khi cần thiết. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi chuẩn bị trước hơn 20 máy bơm dầu để khi xảy ra hạn có thể hỗ trợ các địa phương chống hạn kịp thời, nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.

 

* Thưa ông, những vùng nào trong tỉnh sẽ có nguy cơ xảy ra hạn nặng?

- Vùng có nguy cơ hạn nặng là Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất và Xuân Lộc. Riêng huyện Tân Phú phải bỏ sản xuất hơn 500 hécta cây trồng lấy nước từ hồ Đa Tôn, vì lượng nước trữ trong hồ còn rất ít. Tôi nghĩ, ngoài chỉ đạo chung của sở, các huyện nên căn cứ vào điều kiện tự nhiên của từng xã, ấp để vận động nông dân gieo trồng cho phù hợp. Đối với những nơi không chủ động được nguồn nước, có nguy cơ hạn hán khốc liệt, nên yêu cầu bà con ngưng sản xuất vụ đông-xuân muộn và hè-thu sớm để tránh thiệt hại.

 

Hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ) nước cạn trơ đáy.
* Những cây trồng lâu năm ở các vùng cao sẽ thiếu nguồn nước tưới trong mùa khô. Vậy theo ông, phải làm sao để giảm thiệt hại?

- Sở đã khuyến cáo nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống. Cách làm này sẽ giúp bà con tiết kiệm được 50% lượng nước tưới, nhưng cây trồng lại phát triển ổn định, năng suất cao hơn, giảm được nhiều công tưới.

 

Ông Đặng Văn Thắng, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình thuộc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, hiện nay lượng nước trữ tại các hồ đập lớn trong tỉnh đã giảm khá nhiều. Hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) chỉ còn khoảng 6 triệu m3, hồ Sông Mây(huyện Trảng Bom) 11,3 triệu m3, hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc) còn 7,9 triệu m3... Đa số các hồ chỉ đủ tưới cho vụ đông- xuân, còn vụ đông-xuân muộn và hè-thu sớm khả năng sẽ không đủ nước tưới. Để tiết kiệm nguồn nước, công ty làm việc với từng huyện, yêu cầu xuống giống đồng loạt và tưới giãn ngày và giảm lượng nước tưới.

K.M

* Trong mùa khô này, ngoài thiếu nước sản xuất nông nghiệp, liệu có xảy ra thiếu nước sinh hoạt?

- Năm 2009, lượng mưa khá dồi dào nhưng vào mùa khô 2009-2010 vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn một số vùng cao thuộc các huyện: Định Quán, Tân Phú, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh. Do đó, mùa khô năm nay khả năng thiếu nước sinh hoạt ở các vùng trên sẽ nhiều và nặng nề hơn. Hiện Sở đã đề nghị các địa phương nói trên tuyên truyền người dân sử dụng lu, bồn, bể chứa... trữ nước phục vụ sinh hoạt và khai thác nguồn nước ngầm từ giếng khoan, giếng đào để sử dụng khi nguồn nước mặt bị cạn kiệt.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều