Báo Đồng Nai điện tử
En

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông:
"Nhiều trạm thu phí quả là có phiền hà!"

09:01, 16/01/2011

Tuần qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải (GT-VT) Nguyễn Ngọc Đông đã có chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Đồng Nai. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã phỏng vấn Thứ trưởng xung quanh vấn đề trạm thu phí (TTP) mà trước đây Báo Đồng Nai đã có loạt bài phản ảnh.

Tuần qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải (GT-VT) Nguyễn Ngọc Đông đã có chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Đồng Nai. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã phỏng vấn Thứ trưởng xung quanh vấn đề trạm thu phí (TTP) mà trước đây Báo Đồng Nai đã có loạt bài phản ảnh.

 

* PV: Thưa Thứ trưởng, dư luận gần đây rất bức xúc vì trên địa bàn Đồng Nai hiện có nhiều dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, điều này cũng có nghĩa sau này đi bất kỳ tuyến đường nào cũng gặp TTP giao thông. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

 

- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 3 cung đường do Bộ quản lý gồm các QL: 1A, 20 và 51. Ngoài ra, các dự án BOT đang triển khai thi công: QL1A có cầu Đồng Nai mới, QL1A đoạn tránh Biên Hòa, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Dự kiến, trong quý I này đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng sẽ được khởi công. Ngoài ra, tôi được biết một số đường do tỉnh quản lý cũng được đầu tư BOT. Đúng là mai này khi các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng thì Đồng Nai có quá nhiều TTP. Tôi chia sẻ vấn đề này cùng chính quyền địa phương. Bởi rõ ràng, một tỉnh phát triển năng động như Đồng Nai nhưng các phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa khi đi qua đường nào cũng phải tốn thêm chi phí thì quả là phiền hà thật.

 

 

Chủ trương của Bộ GT-VT đã được Chính phủ chấp thuận, là sẽ loại bỏ dần để đến năm 2014 các TTP do Bộ quản lý sẽ kết thúc nhiệm vụ. Nhưng đối với TTP đã ký kết BOT thì vẫn phải hết thời hạn hợp đồng mới có thể chuyển giao. Do đó, tôi nghĩ rằng, nếu địa phương thấy cần thiết phải điều chỉnh các TTP sao cho hợp lý phải có văn bản trình Chính phủ xem xét, qua đó Bộ mới có ý kiến chính thức.

 

*  Một trong những điều mà dư luận bất bình là có dự án thi công dở dang, nhưng vẫn thu phí, chẳng hạn như QL51; ngay cả QL20 thu phí hàng chục năm qua song không tái đầu tư nâng cấp, khiến cho việc mua phí giao thông để đi... đường xấu, ông có nghĩ như vậy là bất hợp lý không?

 

 - Đúng là QL20 nhiều năm qua chỉ duy tu, sửa chữa để bảo dưỡng. Điều này dẫn đến dư luận không đồng tình. Bộ cũng đã thấy được vấn đề này. Nguyên nhân cơ bản của việc QL20 chưa một lần đại tu - tính từ thời điểm thu phí, chính là không đủ kinh phí. Nêu lên điều này để thấy rằng Bộ cũng gặp khó khăn trong việc cân đối các nguồn thu chi liên quan đến TTP, bởi vì còn liên đới tới sự quản lý ngân sách của ngành Tài chính. Thực ra QL20 đoạn thuộc tỉnh Lâm Đồng hiện đang thi công, mở rộng. Còn ở phía Đồng Nai trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ sẽ xem xét, cân nhắc để có kế hoạch cụ thể trong năm 2011. Riêng TTP ở QL51 ngày trước do Bộ quản lý, thời gian sau mới giao lại cho Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng QL51. Khi tiếp quản, BVEC đã phải trả 400 tỷ đồng cho Ngân hàng phát triển Việt Nam về khoản nợ của dự án QL51 trước đây. Do đó, BVEC được quyền thu phí đến hết năm 2014 đối với khoản nợ cũ.

 

Một trạm thu phí trên QL20 thuộc địa bàn huyện Định Quán.

 Còn về công trình nâng cấp, mở rộng QL51 đang thực hiện, đây là dự án mới, nhưng do việc thi công chậm, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Trách nhiệm này thuộc về BVEC khi lựa chọn một số gói thầu không đủ năng lực, thiếu kinh nghiệm. Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo tỉnh, tôi đã đề nghị chính quyền các địa phương tập trung vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với đơn vị được giao làm chủ đầu tư (BVEC), tôi cũng yêu cầu phải khắc phục ngay những vướng mắc, tồn tại. Tôi nghĩ rằng, do việc thi công QL51 không đạt yêu cầu về thời gian khiến việc đi lại của nhân dân gặp khó khăn, nên ý kiến mua vé để đi... đường xấu là đúng.

 

* Vấn đề đầu tư dự án giao thông theo hình thức BOT là cần thiết, nhưng một khi đi đường nào cũng phải đóng phí, sẽ dẫn đến giá thành các loại vật dụng tăng. Nếu kéo dài tình trạng này liệu có làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội không, thưa Thứ trưởng?

 

- Trong bối cảnh hiện nay, khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nếu không đầu tư BOT thì sẽ không thể có ngay đường tốt được. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, trước mắt chúng ta phải chấp nhận điều này. Theo quy định, trên một cung đường có hai TTP phải nằm cách nhau 70km. Song công bằng mà nói, ở một khu vực mà có quá nhiều TTP ở những cung đường gần kề thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh chung về giá cả sản phẩm, kể cả đến phát triển kinh tế - xã hội.

 

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

T. Nguyên (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích