Báo Đồng Nai điện tử
En

Sương mù dày đặc có gây hại nhiều cho cây trồng?

09:12, 17/12/2010

Gần một tuần nay, ở Đồng Nai liên tục có sương mù dày đặc kèm theo lạnh vào đêm và sáng sớm khiến nhiều nông dân lo lắng cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh.

Gần một tuần nay, ở Đồng Nai liên tục có sương mù dày đặc kèm theo lạnh vào đêm và sáng sớm khiến nhiều nông dân lo lắng cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh.

 

* Phóng viên: Ông có thể cho biết sương mù dày đặc kéo dài kèm theo thời tiết lạnh về đêm và sáng sớm ảnh hưởng như thế nào cho cây trồng?

 

- Ông Nguyễn Công Tú: Sương mù dày đặc kéo dài trong nhiều ngày kèm theo lạnh vào ban đêm và sáng sớm sẽ làm độ ẩm trong không khí tăng khiến các loại nấm bệnh phát triển nhanh, gây hại cho nhiều loại cây trồng như: lúa, xoài, điều... Nếu nông dân không thường xuyên thăm ruộng, vườn, kịp thời phát hiện các loại bệnh gây hại để phòng trừ, cây trồng sinh trưởng phát triển chậm, năng suất giảm mạnh.

 

* Cụ thể, loại sâu bệnh nào dễ phát triển gây hại cho cây trồng trong thời tiết sương mù, lạnh?

 

- Sương mù kéo dài kèm lạnh rất dễ phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông trên trà lúa mùa muộn và đạo ôn lá trên trà lúa đông-xuân sớm. Để phòng trừ hiệu quả loại bệnh này, nông dân phải xem lại đặc tính giống mình đang sản xuất, trường hợp giống đang dùng không kháng đạo ôn và là lúa mùa muộn thì phải tiến hành phun xịt thuốc phòng trừ vào lúc cây lúa có đòng già và trổ đều. Nếu là lúa đông-xuân sớm phát hiện bệnh đạo ôn phải ngưng bón đạm, giữ mực nước trong ruộng ổn định và phun xịt thuốc đặc trị để phòng trừ bệnh.

Khi phát hiện lúa bị bệnh nên phun xịt các thuốc có độ độc thấp theo phương pháp 4 đúng.Trong ảnh: Nông dân xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) phun thuốc trừ bệnh cho lúa.

Với cây điều, xoài, thời tiết có sương mù làm bệnh thán thư phát triển mạnh gây hại cho bông và trái non. Do đó, bà con ngăn ngừa bằng cách tăng cường phân bón lá có hàm lượng lân, kali cao và các chất vi lượng để tăng sức đề kháng, khi phát hiện bệnh nặng phun thuốc đặc trị phòng trừ. Ngoài ra, sương mù, lạnh rất dễ phát sinh bọ trĩ, nhện đỏ trên các loại cây ăn trái, nên ngoài phun thuốc phòng trừ, nông dân tăng lượng phân bón hữu cơ ủ hoai, giảm phân hóa học và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn.

 

* Chi cục bảo vệ thực vật thường khuyến cáo nông dân dùng các thuốc sinh học, độ độc thấp trong phòng trừ sâu bệnh giảm ô nhiễm, hạ chi phí đầu vào, song vì sao rất ít hộ dùng?

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, mùa khô năm nay Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước chịu ảnh hưởng của La Nina nên thời tiết có nhiều bất thường. Riêng khu vực trong tỉnh, mùa khô sẽ có những ngày lạnh 150C, nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể chênh nhau từ 10-120C gây ra hiện tượng sương mù dày đặc trong nhiều ngày. Sương mù nhiều kèm theo lạnh và một số cơn mưa trái mùa sẽ làm độ ẩm không khí tăng không chỉ gây hại cho cây trồng, vật nuôi mà ngay cả con người cũng dễ bị các bệnh về đường hô hấp.

 

- Hiện nay, đa số nông dân vẫn ngại dùng thuốc sinh học để trị sâu bệnh trên cây trồng là vì thuốc sinh học chậm phát huy tác dụng hơn các thuốc trừ sâu có độ độc cao cho nên nông dân chưa thực sự tin tưởng. Bên cạnh đó, bảo quản thuốc sinh học thường khó khăn hơn, đồng thời khi sử dụng đòi hỏi phải đúng cách, đúng lúc mới phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, nông dân đồng loạt dùng thuốc sinh học sẽ được nhiều cái lợi cùng lúc. Vì thuốc phát huy tác dụng lâu dài nên sau đó cây trồng ít bị bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, giảm được tiền mua thuốc, công phun xịt và năng suất cũng tăng lên. Cụ thể, trên cây tiêu, hiện một số nông dân ở huyện Xuân Lộc, Trảng Bom sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma ủ chung với phân chuồng bón cho cây trồng đã diệt được các nấm bệnh, cây tiêu ít bệnh, năng suất tăng gấp 2 - 3 lần. Ngoài ra dùng thuốc sinh học còn nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

* Nhiều nông dân lo lắng sương mù có lẫn sương muối sẽ gây hại cho cả các loại hoa kiểng trong dịp tết?

 

- Ở Đồng Nai nói riêng và các tỉnh Đông Nam bộ nói chung, chỉ có sương mù do thời tiết giữa ngày và đêm chênh nhau lớn, không có sương muối. Song, sương mù kéo dài nhiều ngày cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoa kiểng trong dịp tết, vì thế nông dân phải chú ý theo dõi sát tình hình thời tiết, sâu bệnh để chăm sóc phòng trừ kịp thời giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

HƯƠNG GIANG (Thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều