Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa VII:
Xem xét, thông qua một số đề án mang tính cấp bách

09:12, 05/12/2010

Hôm 6-12, tại hội trường UBND tỉnh, kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa VII chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp cuối năm theo luật định, sẽ tập trung xem xét, đánh giá nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm.

Hôm 6-12, tại hội trường UBND tỉnh, kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa VII chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp cuối năm theo luật định, sẽ tập trung xem xét, đánh giá nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai trước kỳ họp, đồng chí HUỲNH CHÍ THẮNG, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh cho biết:

Ông Huỳnh Chí Thắng

-  Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh không chỉ là kỳ họp tập trung đánh giá lại tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh trong năm 2010; đề ra nhiệm vụ năm 2011, mà còn kiểm điểm lại tình hình kinh tế-xã hội 5 năm qua cũng như  đề ra kế hoạch cho 5 năm tiếp theo (2010-2015). Bên cạnh đó, kỳ họp lần này còn thông qua một số đề án mang tính cấp bách của địa phương, như đề án về mức thu học phí mới, đặt đổi tên đường... nhằm đáp ứng tình hình phát triển thực tế.

*Thưa đồng chí, với rất nhiều Nghị quyết sẽ được thông qua tại kỳ họp, việc chuẩn bị các nội dung này đã được thực hiện ra sao?

- Kỳ họp thứ 21 là một kỳ họp có số lượng Nghị quyết rất lớn trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua. Tổng số có đến 21 Nghị quyết, trong đó có những Nghị quyết quy định về những nội dung mang tính chất rất đặc thù của địa phương và đang được cử tri quan tâm, như: Nghị quyết liên quan đến công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; quy định tạm thời về các khoản hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã từ nguồn ngân sách tỉnh Đồng Nai; chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thành lập phòng Dân tộc cấp huyện. Đặc biệt, kỳ họp lần này có 13 Nghị quyết chuyên đề, trong đó có những chuyên đề liên quan thiết thực đến đời sống của người dân được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, như chuyên đề về mức học phí mới, đặt đổi tên đường...

Xác định tầm quan trọng đặc biệt của kỳ họp này nên ngay từ hội nghị liên tịch tổ chức từ tháng 10, Thường trực HĐND tỉnh đã có sự thống nhất với UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh là phải đảm bảo tính chủ động trong công tác chuẩn bị kỳ họp thông qua việc xác định từng mốc thời gian cụ thể mà các cơ quan có trách nhiệm phải hoàn thành. Thường trực và các Ban HĐND tỉnh tham gia xây dựng các Nghị quyết ngay từ giai đoạn dự thảo để góp ý kịp thời về những vấn đề còn thiếu, cần phải chỉnh sửa hoặc bổ sung. Chính vì vậy, qua rà soát công tác chuẩn bị, có thể khẳng định rằng các dự thảo Nghị quyết trình ra kỳ họp đảm bảo đáp ứng hai yêu cầu: phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn tỉnh Đồng Nai.

* Qua các đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, những vấn đề mà cử tri quan tâm, phản ảnh là gì, thưa đồng chí?

- Một điều đáng mừng là trong các đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này, hầu hết những vấn đề lớn mà cử tri bức xúc từ các đợt tiếp xúc lần trước đều không thấy lặp lại. Điều đó cho thấy, cơ quan chức năng ngày càng có ý thức hơn trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri một cách dứt điểm hơn. Tuy nhiên, người dân vẫn đang rất quan tâm đến  tiến độ duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường, dự án giao thông trong tỉnh, như đường tỉnh 765 (huyện Xuân Lộc), đường 600A (Tân Phú), quốc lộ 20 đoạn đi qua huyện Định Quán, dự án mở rộng quốc lộ 51B và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây...; việc cắt điện vào giờ cao điểm hoặc cắt điện không báo trước ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; công tác chi trả tiền bồi thường thiệt hại ô nhiễm môi trường do Công ty VEDAN gây ra; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ở một số địa phương còn nhiều vướng mắc... Đặc biệt, cử tri cũng bày tỏ nhiều lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn phức tạp; giá cả lên xuống thất thường và những giải pháp nhằm bình ổn giá, nhất là vào thời điểm cuối năm.

*Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét  thông qua Nghị quyết chuyên đề về môi trường. Xin đồng chí cho biết những điểm mới trong Nghị quyết nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của một tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai?

- Yêu cầu từ tình hình thực tế xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015 phải đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và công tác bảo vệ môi trường, do đó các quy định của pháp luật phải theo kịp với diễn biến tình hình cụ thể. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã lập tờ trình đề án điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.

Việc điều chỉnh lần này theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước, ý thức chấp hành của doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ môi trường. Một số vấn đề trọng tâm của Nghị quyết này là thu gom và xử lý chất thải rắn y tế, chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ cây xanh... Đặc biệt, đối với các khu công nghiệp, vấn đề bảo đảm môi trường theo hướng phát triển bền vững sẽ được chú trọng, trong đó biện pháp xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm có quy định rõ ràng. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường tại đô thị thì môi trường ở nông thôn cũng phải được quan tâm, đầu tư. HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét bổ sung 2 dự án cần triển khai thực hiện trong thời gian tới là dự án tổng thể về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng an toàn sinh học. Đây đều là những nội dung cần thiết và phù hợp với chiến lược bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và biến đổi khí hậu như hiện nay.

*Trong 4 ngày diễn ra kỳ họp, những điểm mới nào về phương thức tổ chức, điều hành kỳ họp sẽ được triển khai nhằm nâng cao chất lượng các phiên họp HĐND, thưa đồng chí?

- Kỳ họp này sẽ được tổ chức trong tinh thần tiếp tục đổi mới ở 4 điểm chủ yếu. Thứ nhất, vẫn tiếp tục ứng dụng mô hình HĐND điện tử vào hoạt động kỳ họp để xử lý tốt nhất mối quan hệ chủ tọa - đại biểu - các cơ quan có liên quan - văn phòng giúp việc. Thứ hai, Thường trực HĐND tỉnh đã cân nhắc và xác định những nội dung cần giảm bớt thời lượng tại kỳ họp, như việc trình bày các báo cáo sẽ phải rút ngắn lại, theo nhóm vấn đề, tránh dàn trải. Một số báo cáo không nhất thiết phải trình bày tại kỳ họp mà để đại biểu tự tham khảo. Thứ ba, tăng thời lượng để đại biểu phát biểu, tại tổ và tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thứ 4, lần đầu tiên tại kỳ họp sẽ có một báo cáo về kết quả thực hiện lời hứa của lãnh đạo các ngành trong kỳ họp giữa năm tổ chức vào tháng 7 được trình bày công khai. Đây là một cách, theo chúng tôi, là nhằm giúp kỳ họp và HĐND tỉnh theo đến cùng, giám sát đến cùng, kiến nghị việc thực hiện đến cùng những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm và phản ảnh.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Phượng

(thực hiện)

Tin xem nhiều