Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điều kiện để được vay tiền phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

08:11, 02/11/2010

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ ngày 1-6-2010) đang là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Để hiểu rõ hơn về nghị định này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai...

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai.

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ ngày 1-6-2010) đang là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Để hiểu rõ hơn về nghị định này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai...

 

* Cho vay không đảm bảo bằng tài sản

 

* PV: Xin ông vui lòng cho biết đối tượng khách hàng nào được cho vay theo Nghị định 41 của Chính phủ?

 

- Ông Trần Quốc Tuấn: Các đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định 41 (NĐ41) để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn (NN-NT) bao gồm: hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn; các cá nhân; chủ trang trại; các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn nông thôn; các tổ chức và cá nhân cung ứng các dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp, có cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn...

 

* Nhưng những tổ chức tín dụng (TCTD) nào trên địa bàn tỉnh có tổ chức cho vay vốn theo NĐ41, thưa ông?

- Khi có nhu cầu vay vốn thì người dân có thể liên hệ tại tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh và các qũy tín dụng nhân dân cơ sở. Tính đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai có một sở giao dịch của NHTM Đại Á, 43 chi nhánh cấp I, 13 chi nhánh cấp II, 134 phòng giao dịch, 31 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

 

* Ông có thể cho biết cụ thể về các mức vay, lãi suất và thủ tục vay?

 

- Theo quy định, các đối tượng khách hàng được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng, gồm: các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; 500 triệu đồng đối với các hợp tác xã, chủ trang trại trong lĩnh vực NN-NT. Các khách hàng được vay phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành và phải nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì khách hàng vay phải được UBND cấp xã cấp 1 bản chính (duy nhất) giấy xác nhận khách hàng chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và đất không có tranh chấp. Các khách hàng chỉ được vay không có bảo đảm tại một TCTD duy nhất và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vay vốn theo quy định.

 

Thời hạn cho vay căn cứ vào thời gian sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng, thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, TCTD và khách hàng thỏa thuận thời hạn vay vốn phù hợp. Về lãi suất cho vay áp dụng theo quy định hiện hành.

 

* Nhiều người thắc mắc tại sao đã cho vay không đảm bảo bằng tài sản lại còn yêu cầu nộp giấy chứng nhận QSDĐ hoặc xác nhận chưa được cấp giấy QSDĐ và đất không có tranh chấp?

 

- Tại khoản 5, điều 8, Nghị định 41 quy định "Khách hàng chỉ được sử dụng giấy chứng nhận QSDĐ hoặc xác nhận chưa được cấp giấy QSDĐ và đất không có tranh chấp để vay tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có đảm bảo  theo quy định tại nghị định này". Việc các TCTD giữ các loại giấy tờ nêu trên không phải là biện pháp đảm bảo tiền vay mà chỉ nhằm mục đích hạn chế việc khách hàng sử dụng để cùng một lúc vay và có dư nợ tại nhiều TCTD dẫn đến những rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

 

* Trường hợp khách hàng đã thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ngân hàng để vay tiền, vậy có được xem xét vay thêm theo quy định NĐ41?

 

- Đối với những trường hợp này, khách hàng nên liên hệ với TCTD mà khách hàng đã thế chấp tài sản để được hướng dẫn cụ thể. Nếu xét thấy khách hàng đủ điều kiện thì TCTD đó sẽ cho vay thêm theo NĐ41.

 

* Các đối tượng được giảm lãi suất, khoanh nợ...

 

* Khi vay vốn theo NĐ41, khách hàng sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi gì, thưa ông?

 

- NĐ41 quy định, TCTD có chính sách miễn, giảm lãi đối với khách hàng tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp để khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm nhằm hạn chế rủi ro đối với TCTD.

 

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (ảnh minh họa).

Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh...), TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng theo quy định hiện hành; đồng thời căn cứ dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới, mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ của khách hàng chưa trả nợ đúng hạn.

 

Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, khi có thông báo của cấp có thẩm quyền thì khách hàng được khoanh nợ không tính lãi cho vay đối với dư nợ hiện còn tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh được công bố tại địa phương. Thời gian khoanh nợ tối đa 2 năm và số lãi TCTD đã khoanh cho khách hàng được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế của TCTD.

 

* Xin cảm ơn ông.

Kim Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích