Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa:
Sẽ đẩy mạnh hoạt động phát huy giá trị các di sản văn hóa

10:11, 22/11/2010

Nhân ngày Di sản văn hóa (DSVH) 23-11, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng xung quanh vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn hiện nay.

Ông Lê Trí Dũng

Nhân ngày Di sản văn hóa (DSVH) 23-11, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng xung quanh vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn hiện nay.

* PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về công tác bảo tồn giá trị các DSVH trong thời gian qua?

- Ông Lê Trí Dũng: Trong quá trình hình thành và phát triển, với vị trí đặc thù của mình, Đồng Nai là địa phương có rất nhiều DSVH. Toàn tỉnh hiện có 40 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 24 di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có khoảng 1.500 di tích phổ thông đang được tiến hành khảo sát, kiểm kê, đánh giá. Trong số 40 di tích, đã có khoảng 2/3 được bảo tồn, đưa vào khai thác đúng mục đích bằng các nguồn kinh phí của trung ương, địa phương. Cụ thể như công trình sơn son thếp vàng các đồ thờ cúng ở đình An Hòa với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; nâng cấp đền thờ Nguyễn Tri Phương trên 400 triệu đồng; tôn tạo di tích mộ cự thạch Hàng Gòn hơn 3 tỷ đồng (đang trong giai đoạn đấu thầu)... Đặc biệt, công tác trùng tu bảo tồn di tích từ nguồn xã hội hóa, vận động sự đóng góp, hỗ trợ của người dân và các doanh nghiệp được thực hiện rất tốt. Nhiều di tích như chùa Đại Giác, chùa Ông đã được đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn này.

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện Ban quản lý di tích danh thắng đang lập hồ sơ xếp hạng 2 di tích khác là đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) và thác Hòa Bình - chùa Linh Phú (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú). Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã hoàn thành công trình nghiên cứu về làng cổ Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), là cơ sở trình Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xin công nhận là di tích cấp quốc gia, đồng thời đề nghị Trường đại học Chiêu Hòa (Nhật Bản) - đơn vị đã tôn tạo nhà cổ Trần Ngọc Du, hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí để đầu tư và phát triển làng cổ này.

Trong năm 2009, Chi hội DSVH tỉnh cũng đã được thành lập, đến nay có hơn 100 hội viên, cũng đã đóng góp nhiều trong công tác bảo tồn và phát huy DSVH của tỉnh.

Mộ cổ Hàng Gòn (TX. Long Khánh). (Ảnh : T.L)

* Ngoài công tác bảo tồn, việc phát huy giá trị các DSVH cũng là điểm quan trọng để các DSVH “sống” trong nhận thức của người dân. Theo ông, công tác phát huy giá trị hiện nay đã xứng tầm với bề dày của các DSVH chưa?

- Thời gian qua, Đồng Nai luôn được Bộ và Cục DSVH đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy DSVH trên địa bàn. Tuy nhiên, nghiêm túc tự đánh giá, chúng tôi nhìn nhận các hoạt động này vẫn chưa tương xứng với vị thế của tỉnh nhà. Phần lớn các hoạt động hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc bảo tồn, bảo quản di tích chống xuống cấp và trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, còn công tác phát huy các giá trị của di tích vẫn còn bị bỏ ngỏ. Ngoài một vài di tích có phối hợp với đơn vị quản lý khai thác hiệu quả như núi Chứa Chan, hệ thống di tích chiến khu Đ, khu du lịch văn hóa Bửu Long..., còn lại các di tích khác vẫn chưa mở rộng được sự giao lưu hợp tác với khu vực, kết nối với các công ty du lịch lữ hành để trở thành tuyến điểm du lịch, vì thế chưa thể tạo đà phát triển du lịch.

Có nhiều nguyên nhân khiến các DSVH quý vẫn chưa khai thác hết các giá trị, trong đó nguyên nhân đầu tiên là chưa đầu tư đúng mức về vốn cũng như về con người. Ngoài ra, cũng rất cần cơ chế phối hợp rõ ràng, đồng bộ giữa ngành Văn hóa - thể thao và du lịch với các đơn vị được phân cấp quản lý di tích trong vấn đề phát huy giá trị. Trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, chúng tôi sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực, xe, đó là một trong những giải pháp chủ yếu để phát huy hiệu quả giá trị các DSVH.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Thúy (thực hiện)

 

Tin xem nhiều