Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7)
Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Lê Thị Mỹ Phượng: Tập trung nâng cao mức sống của gia đình chính sách

08:07, 26/07/2010

Xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà ở, mua thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết trợ cấp ưu đãi giáo dục, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình khó khăn... là những hoạt động mà ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) đã và đang tiến hành để chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách.

Xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà ở, mua thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết trợ cấp ưu đãi giáo dục, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình khó khăn... là những hoạt động mà ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) đã và đang tiến hành để chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết:

 

- Phải nói rằng, việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, thương binh, bệnh binh từ lâu đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Đây là việc làm thường xuyên chứ không phải chỉ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ mới làm. Hàng năm, ngoài nguồn ngân sách phân bổ của trung ương chi trợ cấp theo quy định, tỉnh đều có khoản hỗ trợ thêm cho các đối tượng chính sách. Ngoài ra, ngành còn tổ chức đưa các đối tượng đi nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, Long Hải, một số đối tượng được đưa ra Hà Nội viếng lăng Bác, thăm thủ đô... Song song đó, ngành LĐ-TBXH và các cấp chính quyền địa phương đã và đang tập trung vào công tác nâng cao mức sống của các hộ gia đình chính sách...

 

* Xin bà cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

 

- Theo khảo sát của Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo của tỉnh, bước vào giai đoạn 2006-2008, toàn tỉnh có hơn 500 gia đình chính sách nằm trong diện hộ nghèo. Chính Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo: tuyệt đối không để hộ gia đình chính sách nào phải nằm trong hộ nghèo và các hộ thoát nghèo phải thật sự bền vững. Với sự chỉ đạo quyết liệt ấy, cuối năm 2009, số hộ nghèo là gia đình chính sách đã giảm 66% và đến nay chỉ còn 23 hộ (đều là những hộ không thể tự vượt lên do bệnh tật, già yếu, neo đơn... cần trợ cấp thường xuyên).

 

Cũng theo khảo sát của ngành, số đối tượng là tù chính trị bị giam cầm trong các nhà lao của thực dân, đế quốc trước kia, hiện nay phần lớn đời sống gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, tù chính trị chỉ được nhận trợ cấp một lần, nhưng khó khăn của đối tượng này thì kéo dài cả đời. Vì thế, ngoài việc xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ con em học nghề, ưu tiên việc làm... ngành còn tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng này sửa chữa nhà ở.  Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ sửa chữa 250 căn cho số đối tượng này, với kinh phí hỗ trợ khoảng từ 10-14 triệu đồng/căn, chủ yếu là sửa chữa nâng cấp nhà, nâng nền, chống dột.

 

* Công tác giải quyết chính sách cho các đối tượng là liệt sĩ, người có công cách mạng... vẫn còn những tồn đọng, vướng mắc. Ngành đã có những động thái cụ thể nào để giải quyết vấn đề này, thưa bà?

 

 - Mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, ngành đều tập trung ưu tiên cho công tác giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng, bởi đây không phải chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý, là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Nhưng việc giải quyết chế độ, chính sách vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các quy định về thủ tục, giấy tờ. Ngành đã cố gắng giúp các đối tượng hoàn thành thủ tục, như: hỗ trợ xác minh tại các tỉnh xa, hướng dẫn các đối tượng bổ sung các loại giấy tờ sao cho đơn giản, dễ thực hiện mà vẫn đúng theo quy định... Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 47 ngàn đối tượng là người có công đang thụ hưởng các chế độ, chính sách dành cho người có công và gia đình có công, trong đó có 5.721 thương binh, 1.684 bệnh binh, 9.884 liệt sĩ, 798 người có công.

Các em thiếu nhi đến thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng. (Ảnh: C.N)

Đến nay, ngành đã giải quyết xong các tồn đọng trong diện B,C,K của các đối tượng thuộc khối Dân chính Đảng: 612 cán bộ, 1.062 liệt sĩ trong diện này được giải quyết trợ cấp theo quy định. Đặc biệt, ngành đã thông qua 3 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Đây là 3 trường hợp tồn đọng, lấn cấn từ bao năm nay giờ mới có thể hoàn chỉnh về mặt thủ tục và hiện hồ sơ đang gửi ra Bộ LĐ-TBXH giải quyết. Ngoài ra, còn có 2 trường hợp xin công nhận liệt sĩ của ngành công an cũng hoàn tất và gửi hồ sơ ra Bộ đề nghị giải quyết trong đợt này.

 

* Thưa bà, thời gian tới, trọng tâm của công tác chăm lo cho đối tượng chính là gì?

 

- Chủ trương của ngành là sẽ tập trung nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công, vun đắp, hỗ trợ thêm để các đối tượng có cuộc sống ổn định hơn. Đối với các đối tượng này, việc hỗ trợ nâng cao mức sống là quan trọng, bởi vì như tôi đã nói, phần lớn đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng vấn đề là hỗ trợ như thế nào cho có hiệu quả. Với những hộ còn có người có khả năng lao động được, ngoài việc hỗ trợ về vốn, cơ hội làm ăn, ngành sẽ phối hợp với địa phương định hướng phát triển cho gia đình. Song song đó, cần tôn vinh những gia đình gương mẫu, cầu tiến trong học tập, lao động, sản xuất nhằm khẳng định lòng tự hào về truyền thống gia đình, từ đó không ỷ lại mà luôn phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống.

 

Với những hộ không còn khả năng tự lực, ngoài nguồn trợ cấp từ ngân sách, ngành sẽ huy động hỗ trợ từ cộng đồng dân cư. Điều đáng mừng là cho đến nay, việc chăm lo cho các đối tượng chính sách và gia đình không chỉ còn là việc riêng của chính quyền các cấp, mà đã được lan rộng ra trong xã hội. Nhiều nơi, nhiều giới đã nhận thức được đây là trách nhiệm chung của cộng đồng và đã chung tay cùng chăm lo. Phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu cho con em các gia đình chính sách, tặng sổ tiết kiệm cho những gia đình gặp khó khăn... là những việc mà xã hội đang tự nguyện tham gia.

 

* Xin cảm ơn bà!

Hà Lam (thực hiện)

 

Tin xem nhiều