Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân ngày vi chất dinh dưỡng 1-6:Tầm quan trọng của vitamin A

10:06, 01/06/2010

Nhân ngày vi chất dinh dưỡng 1-6, trẻ từ 6-36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh 1 tháng đến các trạm y tế uống bổ sung vitamin A, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ ĐẶNG VĂN DẦN, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về tầm quan trọng của vitamin A.

Nhân ngày vi chất dinh dưỡng 1-6, trẻ từ 6-36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh 1 tháng đến các trạm y tế uống bổ sung vitamin A, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ ĐẶNG VĂN DẦN, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về tầm quan trọng của vitamin A.

 

* Xin bác sĩ cho biết lợi ích của vitamin A đối với cơ thể con người?

 

Uống miễn phí vitamin A.

- Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Vitamin A trước tiên có tác dụng làm tăng khả năng thị lực, chống khô và viêm loét giác mạc. Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt và các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, tuyến nước bọt, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu... Mới đây, các nhà khoa học còn phát hiện vitamin A có khả năng làm tăng sức đề kháng của cơ thể giúp phòng ngừa một số bệnh như: viêm da, viêm phổi, viêm đường hô hấp...

 

* Biểu hiện của cơ thể khi bị thiếu vitamin A như thế nào, thưa bác sĩ?

 

- Khi người thiếu vitamin A ở giai đoạn sớm thì sẽ giảm khả năng nhìn lúc ánh sáng kém, da sẽ bị khô và dễ nhiễm trùng, viêm đường hô hấp, bị tiêu chảy hoặc kèm theo bệnh lý suy dinh dưỡng. Khi thiếu vitamin A nhiều thì có những triệu chứng như quáng gà (không nhìn thấy khi mờ tối). Thiếu vitamin A trầm trọng sẽ dẫn tới bị khô, viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc và nặng nhất của việc thiếu vitamin A là sẽ gây mù lòa ở trẻ.

 

* Đối tượng nào dễ bị thiếu vitamin A?

 

- Với chế độ ăn hàng ngày có thể chưa đảm bảo được lượng vitamin A cho cơ thể. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ vitamin A cho cơ thể là vô cùng cần thiết, đặc biệt với đối tượng là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh 1 tháng.

 

 Đối với trẻ đang bú mẹ thì nguồn cung cấp vitamin A cho cơ thể là từ sữa mẹ. Vì vậy, trong thời kỳ này người mẹ ăn uống thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ, trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu vitamin A càng cao. Do cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, nên nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn của trẻ không cung cấp đủ vitamin A cho cơ thể. Trẻ được cho ăn dặm quá sớm, chế độ ăn dặm thiếu rau, đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.

 

Trẻ em dưới 3 tuổi cũng dễ bị thiếu vitamin A, vì trẻ đang trong giai đoạn lớn nhanh cần nhiều vitamin A. Ở tuổi này, do chế độ nuôi dưỡng thay đổi (giai đoạn cai sữa và ăn bổ sung), trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên có nguy cơ thiếu vitamin A.

Hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng 1-6, trong hai ngày 1 và 2-6, tại tất cả các trạm y tế trong tỉnh tổ chức cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống miễn phí vitamin A. Trong trường hợp đặc biệt, chương trình sẽ được kéo dài từ ngày 1 đến ngày 15 để đảm bảo cho mọi đối tượng đều được thụ hưởng lợi ích của chương trình mang lại. Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 137 ngàn trẻ em trong độ tuổi từ 6-36 tháng tuổi và trên 55 ngàn bà mẹ sau sinh 1 tháng được thụ hưởng chương trình này.

Bích Hường

 

Trẻ bị mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài, trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường kèm theo thiếu vitamin A.

 

Đối với phụ nữ sau sinh 1 tháng thì do quá trình tiêu hao sức khỏe trong suốt thời gian thai nghén, sinh nở nên cần phải được bổ sung vi chất dinh dưỡng, đặt biệt là vitamin A. Ở một số vùng, miền còn do phong tục ăn kiêng nên phụ nữ sau sinh càng có nguy cơ thiếu vitamin A.

 

* Việc bổ sung vitamin A cho các đối tượng này thế nào, thưa bác sĩ?

 

- Thời kỳ mang thai và cho con bú, bà mẹ cần nghỉ ngơi hợp lý và ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, đạm, dầu mỡ. Sữa mẹ luôn là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào cho trẻ, vì thế trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng.

 

Để bổ sung đủ vitamin A cần thiết cho cơ thể, khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên lưu ý cho vào khẩu phần ăn của trẻ các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, như: thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật, bơ, pho mát, rau lá xanh thẫm như rau ngót, rau muống, rau diếp...; các loại củ, quả màu xanh đậm, vàng đậm, đỏ đậm như gấc, cà chua, cà rốt, đu đủ, xoài, hồng... Bữa ăn cần cân đối, có đủ chất đạm và dầu mỡ giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A. Hiện nay, trên thị trường cũng có một số thực phẩm được trộn vitamin A như đường, mì ăn liền, bánh kẹo... để phòng chống thiếu vitamin A.

 

 Ngoài ra, trẻ còn cần được bổ sung vitamin A trong chương trình vi chất dinh dưỡng được diễn ra hàng năm. Cụ thể, hàng năm chương trình uống vitamin A được triển khai hai đợt tại các trạm y tế xã, phường trong tỉnh. Đợt 1 vào các ngày 1 và 2-6, đợt 2 vào các ngày 1 và 2-12.

 

0,3% trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay tỷ lệ trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng là 0,3%. Còn theo thống kê từ khoa dinh dưỡng của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, trung bình 1 tháng khoa này đã tư vấn cho gần 200 bệnh nhi bị suy dinh dưỡng, phần lớn là các trẻ chậm lớn, còi cọc do thiếu các vi chất, trong đó có thiếu vitamin A.

Hà Châu

Bích Hường - Nga Hòa (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều