Báo Đồng Nai điện tử
En

Trong dịp Tết: Cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát

08:02, 07/02/2010

Tết là thời điểm dễ phát sinh nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy, cảm cúm, sốt xuất huyết... Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết:

Tết là thời điểm dễ phát sinh nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy, cảm cúm, sốt xuất huyết... Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh  cho biết:

 

- Việc tụ tập đông người trong dịp Tết chính là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm lây lan, đặc biệt là các bệnh do virus lây qua đường tiêu hóa, hô hấp, tiếp xúc... Tuy thời tiết giữa các vùng miền có khác nhau, song cơ bản thời tiết dịp Tết là điều kiện thuận lợi cho các bệnh do virus phát triển như tiêu chảy, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tay - chân - miệng... Bên cạnh đó, sốt xuất huyết - một bệnh dịch lưu hành tại khu vực phía Nam - luôn là vấn đề quan tâm phòng chống của ngành y tế và của cộng đồng.

 

Cùng với Tết và các lễ hội, thì việc tổ chức các bữa ăn linh đình với nhiều thức ăn chế biến sẵn, nhiều rượu bia là điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm phát sinh, như: ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, ngộ độc mãn tính do chất bảo quản thực phẩm ngoài danh mục. Đặc biệt, gần đây xuất hiện một số ca tiêu chảy cấp nguy hiểm nghi tả ở một số tỉnh miền Tây cũng là điều rất đáng quan tâm.   

 

* Mức độ nguy hiểm của các loại bệnh này là gì, thưa bác sĩ?

 

- Các bệnh dịch nguy hiểm kể trên đang là vấn đề y tế được quan tâm hàng đầu hiện nay vì tính chất lây lan và gây chết của nó.

 

* Thưa bác sĩ, với những căn bệnh trên, việc đề phòng bệnh ra sao?

 

- Mỗi bệnh có những cách phòng ngừa khác nhau nhưng nhìn chung mọi người cần thực hiện những biện pháp sau đây:

 

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa huyện Định Quán.

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B... vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.

 

An toàn vệ sinh thực phẩm: Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn rau sống, không uống nước lã. Cẩn thận khi ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

 

Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ. Tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất Cloramin B. Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng.

 

Khi có người bị tiêu chảy cấp, gia đình phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

 

Ngoài ra, để phòng một số bệnh truyền nhiễm khác như tay - chân - miệng, cúm, sốt xuất huyết, cần thực hiện các biện pháp như: tăng cường rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh răng miệng, thông gió nhà cửa hàng ngày, hạn chế dùng máy lạnh, che miệng khi ho, khi hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để virus lây lan. Làm sạch bề mặt và khử trùng các dụng cụ nhiễm bẩn bằng Chloramin B hoặc các chất tẩy rửa thông thường khác như nước Javel, xà phòng... Khi có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối, đặc biệt kèm theo biến chứng thần kinh như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà ngủ gậc, yếu chi, mạch nhanh thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Ngủ mùng, dùng nhang trừ muỗi, thuốc xịt muỗi, vợt diệt muỗi, không để muỗi đốt, hạn chế nơi sinh trưởng và phát triển của muỗi... Không chế biến hoặc ăn thịt các gia cầm bị chết, nếu thấy gia cầm chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan y tế hoặc thú y.

 

* Khuyến cáo của bác sĩ để người dân phòng tránh bệnh tốt?

 

- Để tích cực phòng chống một số bệnh truyền nhiễm gây dịch và một số bệnh khác thường xảy ra nhân dịp Tết đến - Xuân về, mọi người cần chú ý thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng như ăn uống, sinh hoạt... đúng mức; thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; không quên thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh do côn trùng đốt khác như sốt xuất huyết, sốt rét.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Phượng (thực hiện)

 

Tin xem nhiều