Do những đặc thù riêng của một huyện miền núi, thuần nông, nên những năm qua, huyện Tân Phú đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Do những đặc thù riêng của một huyện miền núi, thuần nông, nên những năm qua, huyện Tân Phú đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hồng Minh cho biết:
- So với những địa phương khác trong tỉnh hiện nay, thì huyện Tân Phú còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Mà như chúng ta đã biết, nếu cứ làm nông mãi, người dân sẽ rất khó làm giàu, đó là chưa kể đất đai nơi đây phần lớn là đá lộ đầu, đồi núi nhấp nhô, rất khó để cơ giới hóa... Chính vì vậy, nhiều năm qua, năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây trồng trên địa bàn huyện đều đạt rất thấp. Cụ thể, trên mỗi một hécta đất trồng cây công nghiệp và cây ăn quả, nông dân chỉ thu bình quân được khoảng 50 triệu đồng; còn một hécta đất trồng lúa chỉ thu được 30 triệu đồng...
* Nhưng, ngoài nông nghiệp, Tân Phú còn có con đường nào khác để phát triển không, thưa ông?
- Chính vì nhận thấy Tân Phú rất khó có thể làm giàu bằng nông nghiệp do những đặc thù nói trên, nên Huyện ủy và UBND huyện từ lâu đã xác định phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, thì may ra mới tạo được sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn quá kém, nên huyện cũng rất khó thu hút các nhà đầu tư. Bằng chứng là Khu công nghiệp của huyện đã được Công ty Tín Nghĩa đầu tư, xây dựng xong cơ sở hạ tầng và huyện, tỉnh đã tập trung xúc tiến, mời gọi đầu tư từ hơn một năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào đến đặt vấn đề làm ăn lâu dài với huyện... Nhiều nhà đầu tư cũng có đến nhưng rồi họ lại ra đi, chỉ vì lý do đường sá đi lại quá khó khăn và huyện vẫn chưa có loại nông sản hàng hóa nào có đủ sản lượng để phục vụ nhà máy chế biến! Riêng khu du lịch Đa Tôn, huyện cũng đã kêu gọi được một số nhà đầu tư vào, nhưng đến khi tiến hành làm xong thủ tục và tỉnh cũng đã có quyết định chấp thuận, thì họ lại không triển khai, vì cơ sở hạ tầng yếu kém...
* Vậy là hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ của huyện coi như bất thành?
- Không hẳn đã như vậy. Bước sang năm 2010 này, chúng tôi xác định, muốn phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, chỉ còn có một con đường là phải tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, ngoài quốc lộ 20 - tuyến đường huyết mạch chạy qua địa bàn huyện - sẽ được nâng cấp theo kế hoạch của Bộ Giao thông-vận tải, huyện sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đường vào Khu công nghiệp và các tuyến giao thông trọng điểm khác để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến làm ăn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tập trung vận động nhân dân sản xuất ổn định các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực mà tỉnh và huyện đã quy hoạch, nhằm sớm hình thành các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm có sản lượng lớn, chất lượng cao và đồng bộ để phục vụ cho công nghiệp chế biến...
* Đó chỉ mới là những tuyến đường chính, còn những tuyến đường dân sinh hiện cũng rất xấu và phần lớn lại là đường đất sỏi, lối mòn...?
- Toàn huyện Tân Phú hiện có hơn 600km đường giao thông, nhưng đến nay chỉ mới đổ bê tông xi măng và nhựa hóa gần 200km. Còn lại 400km, thì có gần 200km là đường đất, đường sỏi đỏ và hơn 200km khác thực chất là những lối mòn. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi lại và vận chuyển nông sản của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, tư thương lợi dụng ép giá và sản xuất vì thế trở nên kém hiệu quả... Do vậy, ngay từ đầu năm 2010, huyện xác định sẽ tiếp tục chi ngân sách để hỗ trợ cho dân làm đường giao thông nông thôn. Mặt khác, trên cơ sở hỗ trợ của tỉnh (xã miền núi được hỗ trợ 50%, xã đồng bằng là 40%), cộng với 20% vốn đối ứng do huyện hỗ trợ, số còn lại khoảng 30-40% vốn, huyện dự tính sẽ vận động nhân dân đóng góp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tính toán trích một phần kinh phí để hỗ trợ bà con nông dân hạ thế điện, với mục tiêu đến năm 2010, toàn huyện sẽ có 99% hộ được sử dụng điện và có điện để bơm tưới, phục vụ sản xuất...
Tôi tin chắc rằng, khi những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông và điện được khắc phục, tạo điều kiện tốt để mở mang công nghiệp, thương mại và dịch vụ..., lúc đó huyện miền núi Tân Phú sẽ có cơ hội phát triển nhanh theo xu thế chung của tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
Tiến Khang – Phước Bình (thực hiện)