Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng:
Giáo dục nghề nghiệp cần thay đổi toàn diện

08:11, 03/11/2009

Dạy nghề hiện đang rất khó khăn do chưa thực sự thu hút người học. Giáo dục nghề nghiệp cần phải làm gì để thu hút người học là nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo Đồng Nai với Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Tiến Dũng nhân dịp ông về Đồng Nai làm việc vào tuần qua.

Dạy nghề hiện đang rất khó khăn do chưa thực sự thu hút người học. Giáo dục nghề nghiệp cần phải làm gì để thu hút người học là nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo Đồng Nai với Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Tiến Dũng nhân dịp ông về Đồng Nai làm việc vào tuần qua.

Học viên Trường trung cấp kỹ thuật công nghiệp Đồng Nai trong giờ thực hành.

 

* Ông nhận định thế nào về xu hướng học nghề của giới trẻ hiện nay? Tại sao cánh cửa trường nghề đã rộng mở nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn người học lựa chọn?

 

- Có một thời gian, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gần như rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp (giờ là trung cấp chuyên nghiệp - TCCN) rất khó tuyển sinh do không có đầu ra cho học sinh... Học nghề chưa trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu, bởi nó chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động do chất lượng thấp, số lượng được đào tạo nghề cũng chỉ dừng lại ở mức 30%, trong đó lao động kỹ thuật, lao động có tay nghề chiếm rất ít.

 

Sở dĩ hệ thống đào tạo không đạt yêu cầu chủ yếu do nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề chưa thỏa đáng. Cơ chế chính sách chưa có nên các trường nghề chưa được chú trọng, phân bổ dàn trải, thiếu đồng bộ. Ngay cả chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào cũng phân bổ theo cơ chế xin - cho chứ không căn cứ vào các chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả ở đầu ra; đào tạo xong nhưng chưa rõ địa chỉ ở đầu ra. Đặc biệt, hiệu quả thấp còn do sự chồng chéo về quản lý nhà nước về GDNN dẫn đến việc nguồn lực sử dụng lãng phí do cả hai cùng làm những công việc như nhau từ trung ương đến địa phương và thậm chí đến các cơ sở đào tạo.

 

* Dù đã có chủ trương phân luồng học sinh học nghề sau THCS và THPT nhưng vì sao tỷ lệ này đạt rất thấp?

 

- Trong nhiều năm, việc phân luồng mới chỉ dừng lại ở chủ trương mà chưa cụ thể hóa thành chính sách và cơ chế khuyến khích người học. Do đó, hệ thống GDNN chưa có sức hút để phân luồng học sinh sau THCS để vào học trong các cơ sở GDNN. Con số của Bộ GD-ĐT cho biết, hàng năm có khoảng 550.000 - 600.000 học sinh không vào học trong các trường THPT, chỉ khoảng hơn 120.000 vào học hệ bổ túc văn hóa và chừng 100.000 em vào học trong các cơ sở GDNN. Như vậy, trên 300.000 học sinh đi đâu về đâu trong khi cả nước có đến trên 260 trường trung cấp nghề, 102 trường cao đẳng nghề và hơn 600 trung tâm dạy nghề do Bộ Lao động - thương binh và xã hội, doanh nghiệp quản lý. Đó là chưa kể hàng trăm trường trung cấp chuyên  nghiệp, cao đẳng do Bộ GD-ĐT quản lý. Thêm nữa, hệ thống giáo dục của chúng ta cũng còn những vấn đề do sự khập khểnh các trình độ trong GDNN, sự thiếu đồng bộ giữa khung trình độ với tiêu chuẩn đào tạo và với chương trình giáo dục tương ứng mang tính chuẩn hóa. Những điều này khiến cho sự liên thông giữa giáo dục trung học và đại học bị hạn chế, đó cũng là nguyên nhân làm giảm hiệu quả đào tạo và là nguyên nhân gây cản trở phân luồng. Quy định về đào tạo liên thông đã có, tuy nhiên, còn có những rào cản do chưa có sự thống nhất về chuẩn đào tạo trong mỗi ngành nghề ở các trình độ.

 

* Vậy theo ông, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thu hút người học, hệ thống đào tạo nghề cần tập trung vào những vấn đề gì?

 

- Tôi cho rằng, cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được thay đổi toàn diện. Trước mắt, cơ sở đào tạo các cấp phải rà soát lại chương trình đào tạo. Việc rà soát này nhằm đánh giá lại mục tiêu đào tạo, tức là phải gắn kiến thức với kỹ năng; nội dung chương trình và điều kiện thực hiện chương trình. Điều này có nghĩa là phải đổi mới từ đội ngũ giáo viên dạy nghề, cơ sở vật chất dạy học, kể cả học phí.

 

Điều cuối cùng, mạng lưới trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, kể cả đại học, phải làm đúng chức năng của mình. Bởi tình trạng trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp đua nhau nâng cấp lên cao đẳng cũng góp phần "giết" chết hệ dạy nghề.

 

* Xin cảm ơn ông!

Bùi Trang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Cách viết writing task 1 The IELTS WorkshopThông tin tuyển dụng uy tín