Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc của tỉnh:
Một sự kiện quan trọng trong đời sống của các dân tộc anh em...

09:11, 09/11/2009

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ nhất dự kiến sẽ diễn ra đầu tháng 12-2009. Đây là một sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng 31 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ nhất dự kiến sẽ diễn ra đầu tháng 12-2009. Đây là một sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng 31 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông ĐIỂU BẢO, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh, Trưởng ban tổ chức đại hội về sự kiện quan trọng này.

 

* Thưa ông, việc tiến hành Đại hội đại biểu các DTTS  lần thứ nhất ở các cấp có ý nghĩa như thế nào trong đời sống nhân dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng?

 

- Kể từ khi đất nước được giải phóng, thì đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam. Đại hội được diễn ra ở 3 cấp: huyện, tỉnh và trung ương. Sau đó, từ năm 2010 trở đi, cứ 10 năm các cấp tổ chức đại hội một lần. Đại hội là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các DTTS đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.

 

Ông Điểu Bảo (giữa) cùng đoàn già làng, trưởng ấp của tỉnh thăm Lăng Bác Hồ - năm 2008.

Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước. Đại hội biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

* Ở Đồng Nai, Đại hội đại biểu các DTTS được tiến hành 2 cấp: huyện và tỉnh. Theo đó, có 10/11 huyện, thị xã và thành phố được tiến hành đại hội (trừ huyện Nhơn Trạch). Vậy xin ông cho biết, mục đích và ý nghĩa mà các đại hội cấp huyện đã đạt được?

 

- Ngày 28-9, huyện Xuân Lộc là đơn vị đầu tiên được tỉnh chọn làm điểm tổ chức đại hội. Đây cũng là huyện đầu tiên của các tỉnh khu vực phía Nam tổ chức đại hội sớm. Tiếp đến là các huyện Trảng Bom (7-10), Cẩm Mỹ (12-10), TP.Biên Hòa (15-10), Long Thành, Thống Nhất, Định Quán (16-10), Vĩnh Cửu, TX.Long Khánh (20-10) và Tân Phú (23-10). Mặc dù sự chỉ đạo của cấp trên đối với việc tiến hành đại hội cấp huyện còn chậm so với tiến độ đề ra, song với sự chủ động, sáng tạo và kinh nghiệm có được ở việc tổ chức các đại hội khác, nên việc tiến hành đại hội đại biểu các DTTS ở các địa phương đều diễn ra hết sức trang trọng, thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu của đại hội.

Đại hội cấp huyện đã quy tụ 1.070 đại biểu chính thức đại diện cho 156.950 đồng bào DTTS, thuộc 27 thành phần dân tộc về dự. Đại hội đã biểu dương, khen thưởng 36 tập thể, 495 cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực, được chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể bình xét từ cơ sở. Hầu hết các đại hội đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương; đặc biệt là nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào các dân tộc, bởi đây là lần đầu tiên đồng bào có dịp được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trên các lĩnh vực với quy mô lớn.

 

Ngoài nội dung chính của đại hội như đã nói ở trên, thì tại nhiều đại hội còn diễn ra các cuộc giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền với đại biểu người DTTS một cách cởi mở, chân tình, qua đó giúp các cấp ủy và chính quyền có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn để kiến nghị với Đảng và Nhà nước về hoạch định chính sách dân tộc trong thời gian tới.

 

Các đại hội cũng dành phần lớn thời gian để các tập thể, cá nhân tiêu biểu trình bày các báo cáo tham luận, nói lên tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, thể hiện lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ. Tất cả các đại hội cấp huyện đã thông qua quyết tâm thư, thể hiện lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, trong công cuộc đổi mới của đất nước, quyết tâm góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, giữ gìn an ninh chính trị, phát triển kinh tế địa phương.

 

* Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến ngày đại hội cấp tỉnh, với nội dung, khối lượng công việc chuẩn bị cho việc tổ chức đại hội là rất lớn. Xin ông cho biết có vấn đề gì phát sinh không?

 

- Để việc tổ chức đại hội đại biểu các DTTS tỉnh được diễn ra chu đáo, tỉnh đã thành lập 3 tiểu ban giúp việc cho Ban tổ chức đại hội, gồm: tiểu ban nhân sự, tiểu ban nội dung - văn kiện và tiểu ban hậu cần. Đến nay, tất cả các nội dung chuẩn bị cho đại hội cơ bản đã được hoàn tất; dự kiến số lượng đại biểu chính thức dự đại hội là khoảng 360 người, đại hội được tiến hành trong 1 ngày, một cuộc triển lãm ảnh về các dụng cụ sản xuất, các hình ảnh chiến đấu, lao động, sản xuất, học tập, công tác... của đồng bào các DTTS trong tỉnh.

 

Qua đại hội cấp huyện, nổi lên một số hạn chế phải rút kinh nghiệm: vẫn còn địa phương không có sự tham dự của Bí thư, Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo đại hội; còn một số đại biểu chính thức chưa mặc trang phục dân tộc của mình; tỷ lệ đại biểu là nữ còn thấp. Công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc tiến hành đại hội đại biểu các DTTS chưa được chú trọng...

 

* Xin cám ơn ông!

Phương Hằng (thực hiện)

 

Tin xem nhiều